Việc quây rào, xén vỉa hè đường Kim Mã được thực hiện vào đầu tháng 12. Đơn vị thi công tiến hành quây từ đoạn cầu vượt Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh đến ngõ 415 Kim Mã để thi công ga S9 của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Ban quản lý dự án đường sắt Hà Nội cho biết ga S9 Kim Mã là nơi đưa máy đào hầm TBM (Tunnel Boring Machine) xuống để phục vụ thi công đoạn hầm.
Robot TBM là một máy khoan khổng lồ có đường kính từ 7 m đến 17,5 m, đủ để chứa thiết bị máy móc và các công nhân ở bên trong đầu robot để vận hành.
Mỗi ngày TBM khoan được khoảng 10 m đường hầm. Cứ khoan được một đoạn ngắn (khoảng 1-2 m), máy dừng để lắp đặt các tấm bê tông làm vách hầm rồi mới tiếp tục khoan. Trong quá trình khoan, đất đá được chuyển vào dây chuyền băng tải rồi guồng lên và nghiền xay thành bùn lỏng.
Hiện các công trình ngầm, nổi có liên quan như đèn chiếu sáng, cây xanh, dây điện, cáp truyền hình, hệ thống cấp thoát nước… đã được di dời, gia cố trước đó theo đúng kế hoạch.
Việc di dời đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Các cơ quan chức năng đã thông báo đến người dân Hà Nội về việc quây đường, xén vỉa hè để phục vụ thi công.
Cụ thể, phần lớn mặt đường gồm cả dải phân cách được quây rào. Đơn vị thi công giữ lại phần đường rộng 1 m (chiều Kim Mã đi Nguyễn Thái Học).
Để phục vụ các phương tiện lưu thông, đơn vị thi công xén 2 m vỉa hè đảm bảo chiều rộng mặt đường dành cho người tham gia giao thông là 3 m. Đường Kim Mã qua đoạn này cấm ôtô và tổ chức 2 chiều cho xe máy.
Đường Kim Mã sẽ chỉ còn 3 m cho 2 chiều xe máy lưu thông. Đồ họa: Hanoi Metro. |
Cũng theo đơn vị này, bãi đỗ xe Ngọc Khánh được tận dụng thành địa điểm phục vụ công trường TBM, làm nhà tạm để vật liệu. Đây cũng là nơi hạ máy TBM tiến hành công tác đào hầm. Tại khu vực này sẽ có 117 cây được dịch chuyển, chặt hạ. Cụ thể, 67 cây dịch chuyển, 50 cây chặt hạ.
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ năm 2006 và được xác định đến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành. Nhưng sau đó, Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội phải lùi tiến độ đến năm 2015, 2017 và đến nay xác định đến 2021 cố gắng hoàn thành.
Xén vỉa hè đoạn từ cầu vượt Nguyễn Chí Thanh đến số 415 Kim Mã để thi công metro Hà Nội. Ảnh: Google Maps. |
Công trình dài khoảng 12,5 km chạy dọc quốc lộ 32 từ Nhổn qua các đoạn đường Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Cát Linh - Trần Quý Cáp và kết thúc ở ga Hà Nội.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,176 triệu euro (khoảng 33.000 tỷ đồng) trong đó vốn vay ODA 899,68 triệu euro (khoảng hơn 25.000 tỷ đồng). Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu euro (khoảng 7.800 tỷ đồng) lấy từ ngân sách thành phố.