Tại Hội nghị triển khai công tác quản lý Nhà nước về GTVT, phát triển hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, ngoài các dự án đang triển khai, dự kiến khởi công đầu tư 46 dự án trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020 gồm 31 dự án đường bộ, 6 tuyến đường sắt, 4 dự án BRT, 5 dự án xây dựng bến xe, tổng kinh phí khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.
Nhưng ông Trường đánh giá giao thông thủ đô vẫn còn những tồn tại như nguồn lực còn khó khăn nên một số nội dung quy hoạch khó thực hiện được đúng theo lộ trình; việc đầu tư các phương thức vận tải công cộng khối lượng lớn để giải quyết ùn tắc còn chậm, đặc biệt là tiến độ các tuyến đường sắt đô thị, phương thức vận tải công cộng chủ yếu bằng xe buýt vẫn phải bù lỗ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận, so với TP HCM, Hà Nội có thuận lợi khi các cửa ngõ đều có đường cao tốc nhưng khi vào TP thì lại ùn tắc. Vì vậy cần có điều tiết giao thông từ xa, chứ không để phương tiện ập đến cửa ngõ rồi mới tháo gỡ.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT cho hay, "chúng ta chỉ nghiên cứu tới việc tuyến cao tốc đâm vào Hà Nội chứ còn kết nối vào Hà Nội như thế nào, hoàn chỉnh ra sao thì còn vướng. Nên việc tổ chức giao thông là vô cùng khó khăn".
Kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội đang thay đổi, tuy nhiên việc kết nối là một bài toán khó. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Thứ trưởng Đông cũng bày tỏ lo ngại, thời gian qua, tiến trình, lộ trình quy hoạch giao thông thủ đô đều chậm và đều trượt. Ví dụ, khi xe buýt đã đến ngưỡng, không thể phát triển hơn khi đạt hiệu suất 15% nhưng đường sắt đô thị vẫn chưa hoàn thành.
Còn ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nêu vấn đề, Hà Nội cần khẩn trương quy hoạch và kết nối bằng đường tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với các trạm xe buýt và các trạm dừng.
"Vì hiện nay người đi bộ chủ yếu là đi qua đường rất nguy hiểm. Phải tổ chức làm sao cho các bến đỗ xe buýt kết nối trực tiếp với các nhà ga đường sắt đô thị" - ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng lưu ý, Hà Nội cần đi trước một bước khi triển khai hệ thống vé điện tử, để người tham gia các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt đô thị đều có khả năng sử dụng vé điện tử.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin thêm, hiện Bộ GTVT đang quy hoạch mặt bằng công năng của ga Hà Nội để kết nối các tuyến đường sắt nội đô cũng như hệ thống giao thông ngầm nhưng chưa hoàn thiện.
"Thực tế tuyến metro số 3 chưa kết nối được với ga Hà Nội. Điểm kết nối đang ở trước cửa cung Văn hóa Việt Xô (đường Trần Hưng Đạo - PV). Người dân phải đi bộ thêm mấy trăm m mới tới ga Hà Nội" - ông Đông nói.
Chưa đồng tình với phương án này, Bí thư Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT cần lấy ga Hà Nội làm điểm kết nối trung tâm, thiết kế đồng bộ với tất cả các tuyến giao thông. "Không thể để đồng bào đi tàu tới Trần Hưng Đạo rồi lại bảo đi bộ vào ga Hà Nội là không thể chấp nhận được" - ông Hải nói.
Theo Bí thư Hà Nội, nếu không kết nối tốt các dự án giao thông, người dân đang đi tuyến ngầm lại phải trèo mặt đường thì hiện tượng ùn tắc không thể thuyên giảm. Vì vậy, trong tiến trình thực hiện các dự án giao thông, các nhà ga, đầu nối cần phải được chuẩn bị trước.
"Hiện các kết nối đa phương tiện rất bất cập. Bây giờ mình làm từ đầu, làm toàn mấy tỷ đô la mà chỉ tặc lưỡi là thành đơn phương tiện ngay" - ông Hoàng Trung Hải nói.
Đánh giá việc kết nối các dự án giao thông là bài toàn khó, ông Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ GTVT và TP phải phối hợp với nhau, đưa đầu bài cho tư vấn, thuê tư vấn quốc tế để giải quyết chứ không thể nhắm mắt làm được.
Ông Hoàng Trung Hải yêu cầu Hà Nội phải kết nối giao thông đa phương tiện. |
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đánh giá, hạ tầng giao thông của thủ đô Hà Nội nói riêng và Vùng thủ đô còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển. Các tuyến đường vành đai, như vành đai 1, 2, 3, các trục hướng tâm và các tuyến phố chính đô thị đều chưa kết nối hoàn chỉnh, các tuyến vành đai 4, 5 chưa được đầu tư xây dựng.
Vì vậy, ông Hải đề nghị các đơn vị liên quan làm thật gấp việc đầu tư 8 dự án trọng điểm, 7 công trình cấp bách chống ùn tắc giao thông trong năm 2016. Các dự án đường vành đai 4, 5, đề nghị Bộ GTVT làm việc với từng tỉnh để kêu gọi đầu tư đồng bộ mạng lưới đường vành đai, đường xuyên tâm nhằm giãn mật độ dân cư.
Để có giải pháp lâu dài cho những hạn chế này, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị Bộ GTVT phối hợp cùng thành phố Hà Nội chủ động bắt tay ngay kế hoạch để triển khai quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội và quy hoạch chung Vùng thủ đô, chuẩn bị trước những khâu, những việc chuẩn bị thực hiện ngay khi Quy hoạch được phê duyệt.
"Chúng ta cần có những giải pháp, cách làm mới, chủ động, lâu dài, tránh tình trạng dự án vừa hoàn thiện đưa vào sử dụng đã quá tải" - Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Ông Hải đề nghị Bộ GTVT giao ban thường xuyên với Hà Nội 3 tháng/lần.