Nhiều đoạn tuyến hư ngay sau khi máy móc đơn vị thi công vừa rút đi.
Theo Sở GTVT tỉnh Gia Lai, đường Trường Sơn Đông đoạn qua tỉnh Gia Lai được Tổng cục Đường bộ bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2013 - 2014, đi qua sáu huyện và một thị xã tại tỉnh này, tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.
Tuyến đường này ngoài vai trò về an ninh quốc phòng còn là “con đường ánh sáng” kết nối một dọc các buôn làng, các xã vùng xa liền mạch với trung tâm các huyện phía đông tỉnh Gia Lai. Thế nhưng hiện nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng.
Từ ngã ba đường giáp ranh với thị trấn Kon Chro, đi dọc tuyến đường dẫn qua thị xã Ayun Pa có thể dễ dàng nhận thấy đường bị bong tróc bề mặt với mật độ dày đặc.
Đường Trường Sơn Đông đoạn qua huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) chi chít các vết gia cố, khắc phục dù đang còn thời hạn bảo hành. |
Tại đoạn đi qua xã An Trung, Chư Glong... (huyện Kon Chro) đường xuất hiện nhiều vệt lún liền kề nhau, nhiều vệt lún có bề rộng hàng mét. Mặt đường hư hỏng với mật độ dày đặc chủ yếu trên các đoạn được thảm bêtông nhựa đoạn qua trung tâm huyện Ia Pa.
Tại đoạn qua thôn Kim Tân, trung tâm huyện Ia Pa nhiều nơi mặt đường bóc lên từng mảng, người đi đường phải lách theo hình răng cưa để tránh ổ voi, ổ gà. Kế các đoạn hư hỏng nặng vừa mới được gia cố, đắp vá thì lại có các mảng bong tróc bề mặt khác đội lên.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ qua điện thoại, đại tá Hà Huy Hùng - đại diện Ban quản lý dự án 46 (Bộ Quốc phòng), chủ đầu tư đường Trường Sơn Đông qua tỉnh Gia Lai cho biết đơn vị này đã có báo cáo gửi Sở GTVT và UBND tỉnh Gia Lai về hiện trạng xuống cấp của đường Trường Sơn Đông qua tỉnh Gia Lai.
Ông Hùng cho biết trước mắt đã yêu cầu các nhà thầu khắc phục các đoạn đường hư hỏng, xử lý gia cố các vết lủng để xe cộ qua lại.
Ông Lê Văn Hạnh - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai - nói khúc đường hư hỏng nặng nhất kéo dài khoảng 40 km từ thị trấn Kon Chro về đến trung tâm huyện Ayun Pa, đoạn này vẫn đang trong thời gian bảo hành.
“Nguyên nhân làm đường xuống cấp là do các đơn vị liên quan không khảo sát đánh giá hết được cấu tạo địa chất dẫn đến việc sử dụng biện pháp thi công không phù hợp, phần nền đất chưa được gia cố kỹ.
Khu vực này nền đất yếu, thay vì làm bêtông ximăng thì hầu hết lại thảm bêtông nhựa. Một lý do khác là lượng xe quá khổ quá tải chở mía, nông sản của người dân các huyện tập trung trên đường này rất lớn, trong khi việc giám sát chưa tốt” - ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, không chỉ người dân mà UBND các huyện có đường đi qua cũng phàn nàn về việc đường xuống cấp. Sở GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục các đoạn đường bị hư hỏng.
“Một tuyến đường mới đưa vào sử dụng nhưng đã hư hỏng là điều rất đáng tiếc, việc vá lại, gia cố chỉ là biện pháp đã rồi, không thể bằng đường mới được” - ông Hạnh nói và cho biết vừa có văn bản gửi Ban quản lý dự án 46 đề nghị đơn vị này có trách nhiệm sửa chữa, bảo đảm an toàn giao thông tại các đoạn đường hư hỏng trên tuyến đường này.
Đơn vị làm đường vừa đi thì xuất hiện vệt lún
Một người dân ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) cho biết dù đường còn rất mới nhưng nhiều ổ gà xuất hiện trên mặt đường, tạo ra những bẫy rất nguy hiểm cho xe cộ đi lại vào ban đêm.
Đại diện Phòng kinh tế hạ tầng Ia Pa cho biết đường Đông Trường Sơn xuống cấp quá nhanh, đơn vị làm đường vừa rút đi thì đường đã xuất hiện các vệt lún.