Ngày 24/5, ông Dương Thanh Bình- Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 (TP.HCM) cho biết, quá trình triển khai thí điểm thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè đã được người dân ủng hộ do việc đóng phí, mức phí được thực hiện theo quy định.
Đường Phan Chu Trinh (phường Bến Thành) là 3 tuyến đường có số hộ dân đăng ký cho thuê vỉa hè cao nhất. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Bên cạnh đó, việc cho phép sử dụng tạm một phần hè phố được triển khai qua phần mềm khá thuận tiện, minh bạch, người dân dễ dàng đăng ký.
Ông Bình cho biết, tính đến nay, trên địa bàn quận đã có 180 trường hợp đăng ký sử dụng tạm thời một phần vỉa hè với tổng diện tích hơn 1.400 m2.
Quận 1 dự kiến tổng số phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè thu gần 750 triệu đồng. Đến nay, có 47 trường hợp đã đóng phí cho thuê vỉa hè với số tiền thu được hơn 230 triệu đồng.
Theo thống kê, phường Bến Thành có số hộ dân đăng ký nhiều nhất với 61 trường hợp thuê vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu có 29 và Phan Chu Trinh có 20.
Dù vậy, một số tuyến đường người dân vẫn chưa "mặn mà" hoặc đăng ký thuê vỉa hè rất ít như đường Chu Mạnh Trinh chưa có hộ dân đăng ký, đường Hoàng Sa chỉ có 1 trường hợp, đường Hàm Nghi có 5 trường hợp...
Trước đó, ngày 9/5, UBND quận 1 (TP.HCM) triển khai thí điểm cho thuê vỉa hè tại 11 tuyến đường gồm Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (phường Bến Thành); Hoàng Sa (phường Tân Định), Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), Hải Triều và Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé); Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Các tuyến đường này đều đảm bảo điều kiện rộng ít nhất 3 m, trong đó có 1,5 m dành cho người đi bộ với giá thuê là 100.000 đồng/m2/tháng (trừ đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang có mức thuê là 50.000 đồng/m2/tháng).
Vỉa hè đường Hải Triều, phường Bến Nghé đã được được sắp xếp trật tự khi quận 1 (TP.HCM) thí điểm cho thuê vỉa hè. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Về cách thức đăng ký, người dân vào phần mềm "Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1". Sau đó, người dân có thể tra cứu từng tuyến đường để biết thông tin về mục đích sử dụng, diện tích sử dụng và mức đóng phí. Toàn bộ quá trình người dân đăng ký sử dụng tạm thời vỉa hè, nộp phí, UBND phường theo dõi, giám sát đều được thực hiện trên nền tảng số.
Sau khi người dân tra cứu và đăng ký trên phần mềm, hồ sơ sẽ được phường khảo sát, thẩm định và tối đa trong vòng 3 ngày sẽ duyệt phương án, chuyển mã QR đến người dân đóng phí sử dụng.
Việc đăng ký sử dụng vỉa hè cũng được quy định áp dụng đối với những chủ hộ chính thức của căn nhà hoặc người đã đăng ký thuê nhà. Đối với những người kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, khi muốn sử dụng vỉa hè phải được chủ hộ căn nhà đứng ra thuê. Việc này giúp thuận lợi trong công tác quản lý, cũng như đảm bảo quyền lợi của chủ nhà.
Kể từ ngày 1/1/2024, Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố do HĐND TPHCM ban hành chính thức có hiệu lực.
Mục tiêu của nghị quyết là góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè, lập lại trật tự giao thông và đảm bảo công khai, minh bạch.
Nguồn thu phí sẽ được nộp vào ngân sách để góp phần thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị và quản lý duy trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.
Theo đó, Sở GTVT TP được giao tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, bao gồm dải phân cách, đảo giao thông trên các tuyến đường do sở quản lý.
UBND các địa phương tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do địa phương quản lý.
Sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.