Cuộc truy quét một lán trại của di dân Việt Nam hé lộ những đường dây buôn đưa người từ nhiều nước đến Pháp.
“Xuất phát”.
Đó là 5h45, buổi sáng mát mẻ của ngày 4/6. Mặt Trời mới lên trên dòng kênh thanh bình vùng Nord, chảy qua xã Sauchy-Cauchy, tỉnh Pas-de-Calais.
Theo hiệu lệnh của thiếu tá Cyril Duny - người đàn ông điềm đạm ngoài 50 tuổi, khoảng năm chục cảnh sát, vũ trang và quân phục đầy đủ, lặng lẽ tiến từng bước dài qua những vùng cỏ cao trên con đường dẫn tới một khu rừng dọc con kênh.
Vài phút sau, đúng 6h, họ bao vây một trại người nhập cư Việt Nam. Khu trại núp sau đám cây rừng đã được dựng lên cách đây sáu tháng.
Chỉ một người được trục xuất khỏi lều đầu tiên. “Không có nhiều người đâu”, một giọng lo lắng cất lên trong bộ đàm.
Phía xa hơn, dưới những tấm vải bạt, những tấm ván và mái tôn lượn sóng của căn nhà tạm được dựng giữa khu trại, cảnh sát tìm thấy tám người Việt đang ngủ trên những chiếc giường tầng.
“Dậy! Cảnh sát đây!”. Những tấm thân bật lên trong bóng tối, không nói một lời. Họ rõ ràng là bị bất ngờ trước cuộc viếng thăm vào sáng sớm này. “Họ đưa người nhập cư lên xe tải lúc 2h sáng nay nên đang phải nghỉ ngơi lấy sức”, Cyril Duny cho biết.
Đó là phần đầu cuộc đột kích của cảnh sát Pháp nhằm vào một khu lán trại của người Việt nhập cư bất hợp pháp, đến đất nước này thông qua những đường dây tội phạm và ngành công nghiệp buôn người béo bở.
Phóng sự của Le Figaro theo những nhà điều tra trong nhiều tuần liền, khắc họa một phần cuộc chiến không hồi kết chống lại loại tội phạm nguy hiểm không kém gì tội phạm ma túy.
Hình ảnh từ cảnh sát cho thấy người nhập cư Việt trèo lên một xe tải, chở họ tới Vương quốc Anh. Ảnh: Le Figaro. |
Vượt biên trái phép
Qua những tấm ảnh chụp ban đêm, hai nhà điều tra nhận ra sáu kẻ tình nghi đưa người vượt biên trái phép. Họ đặt tạm tên cho các đối tượng này là XH1, XH2, XH3… Hình dáng, khuôn mặt, ánh mắt, mũ, kính, áo quần, trang sức: các yếu tố đối chiếu đều trùng khớp, dù cho các đối tượng thường ngụy trang vào ban đêm và một vài trong số họ sáng hôm đó đã thay trang phục.
“Chúng tôi đang xác định danh tính của ba người nhập cư, và sẽ tạm giữ sáu đối tượng này”, đại úy Carole L. tóm tắt.
Khám soát tại chỗ, cảnh sát thu giữ được quần áo, điện thoại di động, túi du lịch và sách học tiếng Anh. Họ cho hay rằng những kẻ tình nghi đưa người vượt biên kia tổ chức các chuyến đi tới Anh bằng cách đưa người nhập cư lên xe tải, qua đường cao tốc Rumaucourt trên quốc lộ A26, cách khu trại vài trăm mét.
Đầu tháng 7, ba trong số sáu nghi phạm bị bắt tại Sauchy-Cauchy đã bị tòa sơ thẩm Arras kết án từ 8-18 tháng tù.
Chiến dịch mang tính bước ngoặt này do Cơ quan đấu tranh chống nhập cư bất hợp pháp và lao động nước ngoài không giấy phép (Ocriest), thuộc lực lượng Cảnh sát Biên giới (PAF) khởi xướng. Sứ mệnh không đơn giản: chống lại những đường dây có tổ chức lợi dụng hoàn cảnh của người nhập cư, “giúp” họ trong việc nhập cảnh, di chuyển và ăn ở.
“Chúng tôi làm việc với cơ quan tố tụng và truy tố những người này theo luật hình sự, hành vi phạm tội có tổ chức”, Julien Gentile, người đứng đầu Ocriest từ 2011 cho tới đầu tháng 9 vừa qua, cho biết.
Mọi biện pháp nghiệp vụ đều được sử dụng cho chiến dịch này. Kết quả tăng đều hàng năm: năm 2018, 321 đường dây (tăng 7% cùng kỳ) đã bị triệt phá trong các chiến dịch nhỏ của Ocriest, lực lượng cơ động vùng của PAF, và các cơ quan cảnh sát khác.
Những nghi phạm được đưa đi lúc 7h45 sáng ngày đột kích. Ảnh: Le Figaro. |
201 đường dây nửa đầu năm 2019
Dù thủ đoạn của những tay buôn người thường xuyên thay đổi, việc triệt phá những tháng gần đây vẫn tiến triển đều với 201 đường dây bị phanh phui trong nửa đầu năm 2019, và 500 nghi phạm phải ra hầu tòa.
Chiếm phần lớn trong số này là các mạng lưới người Afghanistan, người Kurd ở Iraq, Algeria, Iran, Morocco. Cũng có cả những đường dây người Tunisia, Haïti, Bờ Biển Ngà, Congo, Comoros, Albania và Nigeria, đôi khi bao gồm cả những đối tượng thuộc các băng đảng chuyên mại dâm. Một tập hợp quốc tịch phong phú khiến Ocriest mỗi lần thẩm vấn đều phải nhờ cậy đến hàng trăm chuyên gia ngôn ngữ.
Cuối tháng 6, các cơ quan chống tội phạm đã tập trung triệt phá một đường dây nhập cư trái phép từ Trung Quốc vào vùng thủ đô Paris. Khi tới Roissy, hàng chục người nhập cư với visa du lịch đã được một gia đình Trung Quốc “phụ trách”. Họ cung cấp cho mỗi cá nhân trung bình 500 euro để lao động bất hợp pháp. Một số phụ nữ trẻ đã rơi vào tay những tên ma cô.
Được đặt trong một tòa nhà kín cổng cao tường của Bộ Nội vụ tại Lognes thuộc Seine-et-Marne, trụ sở của Ocriest, nơi 120 nhân viên làm việc, giống như một tổ ong vậy. Đây là nơi tập hợp và đối chiếu hơn 1.500 thông tin tình báo mỗi năm, tới từ các nhân chứng và các cơ quan đối tác tại Pháp cũng như nước ngoài. Sáu nhóm làm việc, mỗi nhóm khoảng hơn chục điều tra viên, chia nhau trung bình mỗi năm 40 vụ việc do Ocriest trực tiếp giải quyết.
Với sự giúp đỡ của các viện kiểm sát và thẩm phán, các cuộc điều tra có thể kéo dài từ hai tháng tới một năm, tập hợp đầy đủ bằng chứng để bắt đầu khám xét và bắt giữ.
“Không thể chờ đợi quá lâu rồi mới can thiệp, bởi các đường dây dễ dàng biến mất và tái tổ chức ở một nơi khác”, Cyril Duny, người đứng đầu các đơn vị thực hiện chiến dịch truy quét của Ocriest, giải thích.
Chiếm một phần tư số hồ sơ của Ocriest, những đường dây đưa người trái phép tới Anh nằm trong số những ca “khó nhằn” nhất. Các cửa khẩu, đặc biệt là Calais, Dunkerque và đoạn đường hầm dưới eo biển Manche tại Coquelles, được kiểm soát gắt gao hàng đầu.
Năm ngoái, hơn 33.000 người nhập cư đã được tìm thấy trên những chiếc xe tải dọc theo khu vực này. Con số trên tăng 17% so với 2017. Kết quả là các tay buôn người - chủ yếu từ Albania, Kurd ở Iraq và Afghanista, thậm chí là Việt Nam - đã tìm đến những khu vực xa xôi và ít người qua lại hơn.
“Chúng tôi điều tra thấy những kẻ buôn người đi kiếm người nhập cư tại các vùng hẻo lánh hơn, cho họ lên xe tải con chở đến đường cao tốc gần Reims, thậm chí tận Dijon, rồi đẩy họ lên xe tải hạng nặng, nhằm thẳng nước Anh”, Julien Gentile trình bày.
Các điều tra viên mật của Ocriest và lực lượng cơ động địa phương luôn cố gắng theo vết các điểm trung chuyển người này ngay trong quá trình những kẻ buôn người “tác nghiệp”.
Người di cư đốt lửa sưởi ẩm ở Calais (Pháp), gần đường hầm eo biển Manche nối Pháp với Anh. Ảnh: Reuters. |
Đường dây người Việt "nhỏ nhưng tổ chức rất tinh vi"
Quay trở lại vụ Sauchy-Cauchy, Ocriest đã chú ý tới hoạt động trung chuyển người nhập cư Việt Nam bằng xe tải tại Calais từ đầu năm nay. Các tài xế cho biết được yêu cầu dừng tại đường cao tốc khu vực Rumaucourt, cách các cửa khẩu 140 km. Cảnh sát đã tìm ra trại trung chuyển trong rừng, gần kênh Nord.
“Đầu năm 2018 chúng tôi đã phá một trại lớn người nhập cư trái phép từ Việt Nam tại Angres. Chính những kẻ đầu sỏ của mạng lưới này đã tiếp tục lập trại tại Sauchy-Cauchy”, Cyril Duny cho hay. Hồi tháng 4, một đội điều tra của Ocriest đã thực địa và lắp đặt một máy quay bí mật để quan sát khu vực Rumaucourt.
Trong vòng hai tháng, các điều tra viên quan sát từ xa những hoạt động về đêm của hội buôn người Việt Nam. Gậy trong tay, chúng mở cửa xe tải để chất lên đó những người nhập cư được đưa ra điểm trung chuyển bằng taxi từ vùng thủ đô Paris hoặc từ miền Đông nước Pháp. Các tài xế không hề hay biết việc này. Từ các bằng chứng ghi bằng máy quay, một hồ sơ bắt quả tang đã được thiết lập.
Cảnh sát theo dõi các đường dây. Ảnh: Le Figaro. |
“Chúng tôi theo dõi sát sao những đường dây người Việt Nam. Chúng nhỏ thôi nhưng được tổ chức rất tinh vi, với các hoạt động liên quan đến buôn bán ma túy, đặc biệt tại những trang trại trồng cần sa trái phép”, Julien Gentile cho hay.
Công tác điều tra không phải lúc nào cũng dễ dàng. Các mạng lưới Albania - rất khó theo dõi - thường áp luật mafia vào các trại nhập cư và đặt các điểm trung chuyển khắp miền Bắc nước Pháp. Táo tợn hơn, những tên buôn người người Kurd tại Iraq thỉnh thoảng lại “giành thị phần” của “đồng nghiệp” Albania bằng vũ khí.
“Người Kurd Iraq nằm trong số những đối tượng nguy hiểm nhất, chúng sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ chuyện làm ăn”, người đứng đầu Ocriest giải thích.
Bằng chứng: hình ảnh từ máy quay cho thấy các tay buôn người Kurd Iraq trùm kín đầu, tay cầm kiếm, súng và dao rựa đi lại quanh những điểm đỗ xe tại miền Bắc và miền Đông nước Pháp. Hồi tháng 4, các điều tra viên và cảnh sát đã suýt chặn đứng một xe tải con chở những kẻ buôn người người Kurd Iraq vừa từ Calais trở về. Thế nhưng chúng đã tẩu thoát thành công bằng cách thay đổi lộ trình.
“Thỉnh thoảng trong quá trình truy đuổi, chúng nhận ra chúng tôi và cố tình cho chúng tôi xem những đứa trẻ nhập cư ngồi trong xe chúng để khiến chúng tôi từ bỏ ý định can thiệp”, một cảnh sát cho hay. Quả thực, liều lĩnh tạo va chạm mạnh hay làm bất cứ điều gì nguy hiểm đến tính mạng người nhập cư cũng là không cần thiết.
Nhiều lợi nhuận so với buôn ma túy
Tiền từ hoạt động buôn người từ Pháp qua Anh khơi gợi những thèm khát. Công tác giám sát được tăng cường khiến hoạt động trái phép trên trở nên phức tạp hơn, và do đó cũng đắt đỏ hơn: từ 2.000-5.000 euro cho một người nhập cư thành công. Với một chuyến chở 20 người nhập cư mỗi đêm, hội buôn người có thể bỏ túi 100.000 euro chỉ trong 24 giờ.
Trong những cuộc khám xét tại Romania ngày 12-13/6, cảnh sát Pháp và Romania đã tìm thấy 500.000 euro tiền mặt các loại, một khoản rất nhỏ lợi nhuận của đường dây buôn hơn 300 người Kurd Iraq sang Anh.
Một lái xe đưa người nhập cư đang trốn trong xe tải của ông ta ở Ouistreham, Pháp, xuống xe. Ảnh: Reuters. |
Theo Europol, hoạt động buôn người nhập cư là mảng “kinh doanh” mang về 3-6 tỷ euro mỗi năm trên toàn lục địa già.
“Đó là hoạt động tội phạm mang lại rất nhiều lợi nhuận so với buôn ma túy, và càng ngày càng tinh vi hơn”, Roland Crepinko, Giám đốc Trung tâm chuyên trách nạn buôn bán người nhập cư của Europol, cảnh báo.
Một số mạng lưới thậm chí còn cung cấp dịch vụ VIP “tận cửa”, chẳng hạn như đi từ Iraq vượt qua eo biển Manche, với chỗ trú thoải mái trong cabine xe tải và một hệ thống thanh toán từ xa.
“Cứ mỗi đoạn của hành trình, các tay buôn lại gửi tin nhắn để thông báo rằng người nhập cư đã ‘vượt ải’ ổn thỏa và gia đình họ có thể trả tiền. Số tiền lên đến 10.000-20.000 euro cho toàn chuyến đi”, một chuyên gia của Europol cho hay.
Phần lớn người nhập cư không đủ điều kiện để chi trả cho một “dịch vụ” như vậy. Nếu như vượt biên sang Anh là tốn kém nhất, thì các chuyến vượt biên từ Bắc Phi sang khu vực Schengen rồi vào Liên minh châu Âu với mức giá linh hoạt hơn lại chậm chạp hơn bởi lượng người quá đông.
Việc Italy đóng cửa cảng biển vào năm 2018 đã ảnh hưởng lớn đến các chuyến vượt biển từ Libya, khiến các tay buôn phải chuyển hoạt động sang Morocco và Tây Ban Nha.
“Cò mồi” tại Almeria
Khi tới Tây Ban Nha, người nhập cư nhờ cậy những tay buôn giúp họ vượt dãy Pyrénées với chỉ vài trăm euro. Đôi khi họ sử dụng các nền tảng chia sẻ ôtô, như BlaBlaCar, hoặc bus giá rẻ. Trong tháng 6, cảnh sát của Ocriest đã tra hỏi năm người tại vùng thủ đô Paris, tình nghi chuyển người nhập cư trái phép qua lại giữa Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ. Hai trong số họ là một cặp anh em gốc Morocco.
Theo các điều tra viên, những đối tượng này có công ty xe bus riêng. Chúng trộn lẫn các “khách hàng” của mình vào số hành khách bình thường. “Khách hàng” do đám trung gian tại Almeria đưa đến. Phí dịch vụ: 80 euro vào vụ cao điểm, 160 euro mùa thấp điểm. Những kẻ tổ chức hoạt động này có thể nhận sơ sơ 60.000 euro lợi nhuận.
Cặp anh em trên kháng lại buộc tội bằng cách giải thích rằng họ không kiểm soát giấy tờ tùy thân của hành khách đi bus. Thế nhưng cảnh sát đã tìm thấy một người Morocco nhập cư trái phép đang sinh sống ngay trong trụ sở công ty vận tải của họ. Một dấu hiệu của buôn bán người có tổ chức. Các nghi phạm phải đối mặt với mức án tù từ 3-5 năm nếu bị buộc tội.
“Bản án là khá nặng”, Julien Gentile cho biết, “một tài xế đồng phạm chở hai hay ba người nhập cư cũng có thể bị khép án 3-5 năm tù”.
Ngoài cuộc chiến chống các đối tượng đưa người vượt biên trái phép, Ocriest còn theo dấu những kẻ cung cấp và buôn bán giấy tờ giả đủ loại. “Loại tội phạm này rất nguy hiểm. Chúng thường được tổ chức nhỏ lẻ, theo cộng đồng người, các đối tượng cung cấp dịch vụ được liên hệ nhát một, qua truyền miệng”, đại úy Guyonne M., người đứng đầu chiến dịch mang tên “Châu Phi”, cho biết.
Nhiều mạng lưới đã bị triệt phá. Mỗi giấy tờ giả trị giá từ 50-5.000 euro. Trong tháng sáu, cảnh sát của Ocriest đã bắt chín người Ấn Độ, ba trong số đó bị tình nghi làm giấy tờ lưu trú giả. Một nhóm điều tra khác cũng bắt được một cặp đôi tình nghi bán giấy tờ giả qua Internet. Khám xét nhà, cảnh sát thu được vật liệu in và cả vũ khí.
Người nhập cư bất hợp pháp bị bắt trong một cuộc truy quét ở Nice năm 2011. Ảnh: Reuters. |
Hy Lạp, điểm quay vòng giấy tờ giả
Tang vật thu giữ được trong các chiến dịch cho thấy sự “tài tình” của những “chuyên gia” làm giả giấy tờ: máy vi tính, máy in hạng xịn, giấy chất liệu đặc biệt, máy ép dẻo, bảng lót cắt, bản khắc in chữ “Cộng hòa Pháp” mua tại Trung Quốc.
“Một số đối tượng cứ lặng lẽ làm tại nhà từ nhiều năm nay. Khi bị bắt họ phân trần rằng chẳng làm hại ai. Thế nhưng giấy tờ giả đã nuôi dưỡng nạn buôn người nhập cư. Thậm chí chúng còn giúp ích cho những tên khủng bố muốn đặt chân tới Pháp”, một điều tra viên nhận định.
Những kẻ làm giả giấy tờ có thể cung cấp đủ loại: chứng minh thư, hộ chiếu, giấy phép lưu trú, chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh, chứng nhận bệnh lý, xác nhận cư trú hay thậm chí bảng kê khai lương. Hồi năm 2017, các đối tượng bị bắt ở Senegal khai họ làm giả giấy khai sinh nhờ móc ngoặc được với một cựu binh có thể giúp xác nhận quốc tịch Pháp.
Năm ngoái, cảnh sát triệt phá một đường dây tại Congo chuyên làm giả chứng nhận để cấp visa Thổ Nhĩ Kỳ - cửa ngõ dễ dàng thâm nhập khối Schengen. Hồi tháng sáu, hai người Bờ Biển Ngà bị bắt vì tình nghi phạm tội tương tự.
“Những đường dây này rất linh hoạt. Gần đây, Hy Lạp trở thành nơi xoay vòng giấy tờ giả nhiều nhất châu Âu”, Guyonne M. cho biết. Các nhân viên Ocriest đang có trong tay 500 chứng minh thư và hộ chiếu giả mạo do các đồng nghiệp Hy Lạp thu giữ.
Libya, hố đen đích thực
Mặc cho tất cả cố gắng, hợp tác quốc tế trong việc đẩy lùi tình trạng này vẫn không mấy hiệu quả. “Đức, Bỉ, Hà Lan hợp tác tốt cùng chúng tôi. Italy và Tây Ban Nha, chán hơn một chút. Người Anh thì không mấy quan tâm đến các đường dây này. Trong khi đó, sự hỗ trợ của từ nước khác phập phù, lúc có lúc không”, một cảnh sát chia sẻ.
Phía bên kia Địa Trung Hải, Morocco và Algeria hiếm khi tỏ ra hợp tác, trong khi đó Libya chính là hố đen lớn của các băng đảng buôn bán người nhập cư, với mạng lưới những kẻ tiếp tay, dẫn những con người khốn khổ vào con đường lao động cưỡng bức hoặc nô lệ tình dục.
Với Senegal và Niger, Ocriest bắt đầu nhìn thấy những triển vọng tích cực hơn trong hợp tác song phương.
“Họ hiểu rằng bọn tội phạm này đang hủy hoại nền kinh tế quốc gia. Và chúng tôi cũng rất mong có thể dập tắt chúng từ gốc”, Julien Gentile cho hay. Với sự hợp tác này, việc định vị các thuê bao của những tay buôn người Senegal và Niger tại Pháp đang trở nên dễ dàng. Đôi khi chỉ sau vài cuộc gọi, cảnh sát đã có thể tiến hành vây ráp.