Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, giá đất xung quanh khu Hòa Bình, TP Đà Lạt được rao tăng 400-500 triệu đồng/m2. So với 5 năm trước, các lô đất thuộc khu vực nằm trong đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt” thậm chí cao gấp 10 lần.
Cơn sốt đất tại Đà Lạt
Đó là chia sẻ của những người đang tham gia vào làn sóng đầu tư bất động sản Đà Lạt sôi động thời gian qua.
Xác nhận cơn sốt đất tại Đà Lạt từ đầu tháng 3 đến nay, chị Linh Chi, đại diện một doanh nghiệp giao dịch bất động sản trên địa bàn, cho hay lượng giao dịch công ty thực hiện trong 3 tháng gần nhất đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện một công ty bất động sản ở Đà Lạt cho biết, 5 năm trước, giá đất ở khu vực trung tâm chỉ ở mức 30-40 triệu đồng/m2. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Rất nhiều người đến tìm mua đất ở Đà Lạt, đặc biệt là những người đến từ thành phố khác đến mua đất để đầu tư hoặc nghỉ dưỡng", chị thông tin.
Theo các sàn giao dịch bất động sản địa phương, hoạt động mua đi bán lại rất sôi động, nhờ biên lợi nhuận lớn, tăng ít nhất là 20% so với giá mua ban đầu.
“Đất ở Đà Lạt sẽ không giảm mà chỉ có tăng”, chị Linh Chi đánh giá.
Chị Linh Chi khẳng định với một miếng đất có giá 3 tỷ đồng ở Đà Lạt chỉ khoảng 2 tháng sau bán lại có thể lãi 300-400 triệu đồng, nếu giữ trong khoảng 1 năm thì lãi 1 tỷ trở lên là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trao đổi với khách hàng, người phụ nữ này chia sẻ nếu muốn mua vào thời điểm hiện tại, khách vẫn sẽ mua được giá tốt nhưng nếu đợi đến cuối năm hoặc sang năm sau, giá đất sẽ lại thay đổi.
Giá ảo?
Cũng theo thông tin từ những người môi giới, có những lô đất được báo giá với mức tương đương đất trung tâm TP.HCM hay Hà Nội, lên tới 1 tỷ đồng/m2.
Tương tự, lô đất có vị trí được xem là đắc địa khi nằm ngay cạnh khu phức hợp Dalat Centre trên đường Phan Bội Châu cũng được cò đất thông báo giá 1 tỷ đồng/m2.
Tìm đến địa chỉ rao bán trên đường Phan Bội Châu này, phóng viên Zing.vn gặp bà Thư, (52 tuổi), người trực tiếp trông coi lô đất. Thông tin bà Thư cho biết lại không giống như lời rao của cò đất.
“Mảnh đất này có tổng diện tích 1.800 m2, từ trước đến nay được rao với giá bán duy nhất là 300 tỷ đồng, tương đương hơn 160 triệu/m2", bà khẳng định.
Bà Thư cũng nói thêm rất nhiều nhà đầu tư tìm đến đây nhưng chưa ai có thể mua được. Theo bà, lô đất có vị trí tốt và diện tích lớn nhưng 300 tỷ là một số tiền lớn.
“Tuy nhiên, nếu ai có thiện chí lấy ngay thì chủ đất sẵn sàng phân bán thành 3 lô đất nhỏ, mỗi lô sẽ có giá 100 tỷ đồng”, bà Thư chia sẻ.
Mảnh đất được cò đất báo giá 1 tỷ đồng/m2 trên đường Phan Bội Châu được chủ đất đưa ra giá bán chỉ hơn 160 triệu đồng/m2. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Dù xác nhận cơn sốt đất Đà Lạt, chị Linh Chi khẳng định những thông tin về giá đất tăng đến 400-500 triệu đồng/m2 là sai sự thật.
“Giá đất Đà Lạt đang tăng mạnh. 5 năm trước, đất ở khu vực trung tâm chỉ có giá 30-40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay công ty tôi chưa từng có giao dịch nào lên đến 400-500 triệu đồng/m2”, chị cho biết.
Theo chị, bất động sản mặt tiền trên trục đường Nguyễn Chí Thanh rất hiếm có thông tin rao bán, nếu có thì dao động ở mức giá 220-250 triệu đồng/m2. Các tuyến đường trọng điểm như Phan Bội Châu, Bùi Thị Xuân chỉ có giá giao dịch tối đa là 200 triệu/m2.
Ông Bùi Văn Đắc, 63 tuổi, người đã kinh doanh trên đường Phan Bội Châu 37 năm, cho biết trong 6 tháng trở lại đây có rất nhiều lời đồn đoán liên quan đến giá đất. Nhiều ngôi nhà được nói thách lên đến 400-500 triệu đồng/m2 nhưng thực tế không có nhiều giao dịch.
"Thành thực mà nói, khu vực này rất khó có thể buôn bán kinh doanh lớn, chỉ có thể mở cửa hàng ăn, tạp hóa... phục vụ khách du lịch, buôn bán qua ngày do đường phố nhỏ, hạ tầng đã xuống cấp" - ông chia sẻ.
Mặc dù có vị trí đắc địa nhưng con đường Phan Bội Châu được đánh giá là khó có thể đầu tư kinh doanh lớn do hạ tầng xuống cấp. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Cò đất tung tin để thu hút nhà đầu tư
Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, từng cho biết trong năm 2018, giá nhà đất tại Đà Lạt gần như đã lên tới ngưỡng. Việc giá nhà đất khu trung tâm tiếp tục tăng thêm có thể do đề án làm mới khu vực này đã có tác động.
Nói với Zing.vn, ông Võ Văn Hùng, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Đà Lạt, cho biết thời gian gần đây, các cò đất thường đưa ra rất nhiều lời đồn đại về những dự án quy hoạch của thành phố, của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời "hét giá" đất ở các khu vực có liên quan lên cao như đề án quy hoạch chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, sau khi công bố thông tin quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình, giao dịch ở Văn phòng Đăng kí đất đai chỉ nhích lên một chút so với cùng kỳ hàng năm. Đây là điều thường thấy sau Tết Nguyên đán, hoạt động giao dịch thường diễn ra sôi động hơn.
"Đa số người dân đều nắm được khu Hòa Bình là là khu vực nằm trong diện cần được chỉnh trang, chỉ giải tỏa một số khu vực và tuyến phố", ông nhận định.
Ông cho biết cơ quan chức năng cấp thành phố và cấp phường đã làm việc để thông tin rõ đến từng người dân, tránh để họ bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch, gây ra những xáo trộn trong tâm lý và đời sống xã hội.
Ông Võ Văn Hùng cho rằng những thông tin không chính xác này sẽ gây ra nhiều tác động xấu, làm nhũng loạn thị trường, ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch, chỉnh trang thành phố, đặc biệt là quá trình đền bù và di dời người dân.