Dược Hậu Giang cho biết kết quả sụt giảm lợi nhuận trong quý I đã được dự báo từ trước. Ảnh: DHG. |
CTCP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) đã công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu thuần đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong quý đầu năm nay, giá vốn hàng bán của hãng dược phẩm này tăng tới hơn 21% khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp còn gần 41%. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi giảm mạnh từ đâu năm cũng khiến doanh thu hoạt động tài chính (phần lớn là lãi tiền gửi ngân hàng) của Dược Hậu Giang giảm 26%, chỉ mang về gần 39 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm, nhiều chi phí phát sinh của công ty dược phẩm này ghi nhận mức tăng 2 chữ số. Trong đó, chi phí tài chính tăng 10% (gồm chi phí lãi vay tăng gần 17%); chi phí quản lý tăng gần 30% và chi phí bán hàng tăng hơn 2%.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý I của Dược Hậu Giang đã giảm 38% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 222 tỷ đồng.
Lý giải về kết quả kinh doanh này, Dược Hậu Giang cho biết đây là kết quả đã được dự báo trước và nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp. Hãng dược phẩm cho biết lợi nhuận quý I giảm do lãi suất tiền gửi giảm mạnh dẫn tới doanh thu tài chính giảm. Bên cạnh đó, nhà máy Betalactam mới chuẩn bị đi vào hoạt động đã làm tăng các chi phí ghi nhận ngay. Ngoài ra, tỷ trọng doanh thu khác có biên lợi nhuận thấp gia tăng cũng kéo lợi nhuận sau thuế giảm.
Năm nay, Dược Hậu Giang lên kế hoạch doanh thu thuần 5.200 tỷ đồng, tăng 4% so với năm ngoái, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.080 tỷ đồng, giảm gần 7%. Như vậy, kết thúc quý I, Dược Hậu Giang đã thực hiện được 24% chỉ tiêu doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
LỢI NHUẬN DƯỢC HẬU GIANG SUY GIẢM TRONG QUÝ I | ||||||||||
Tình hình kinh doanh theo quý của Dược Hậu Giang. Nguồn: BCTC DN. | ||||||||||
Nhãn | I/2022 | II | III | IV | I/2023 | II | III | V | I/2024 | |
Doanh thu thuần | tỷ đồng | 1065 | 1119 | 1162 | 1330 | 1229 | 1153 | 1099 | 1535 | 1259 |
Lợi nhuận sau thuế | 255 | 235 | 262 | 236 | 361 | 263 | 166 | 261 | 222 |
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Dược Hậu Giang đạt hơn 6.200 tỷ đồng, trong đó các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt gần 1.400 tỷ đồng, giảm 9% sau một quý.
Ngược lại, tổng nợ phải trả của Dược Hậu Giang đạt hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 540 tỷ đồng.
Dược Hậu Giang tiền thân là Xí nghiệp quốc doanh Dược phẩm 2/9, thành lập ngày 2/9/1974 và là doanh nghiệp dược nội địa lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường.
Vào tháng 5/2016, Công ty Chế tạo thuốc Taisho (Nhật Bản) đã chi 100 triệu USD để mua 24,44% cổ phần của Dược Hậu Giang tại mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Đến giữa năm 2019, đối tác Nhật này đã nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên trên 51% và chính thức trở thành công ty mẹ của hãng dược lớn nhất Việt Nam.
Đây là thương vụ đã được Taisho theo đuổi nhiều năm và phải chi hàng nghìn tỷ đồng để trở thành cổ đông chi phối Dược Hậu Giang. Sau khi về tay người Nhật, doanh thu công ty ghi nhận ở mức quanh 4.000 tỷ đồng/năm.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.