Với khoản tiền phạt 1 tỷ USD, ZTE được chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận sử dụng công nghệ của nước này cho sản xuất smartphone và thiết bị mạng.
Lệnh cấm kéo dài hai tháng qua khiến tập đoàn viễn thông Trung Quốc lao đao. ZTE từng tuyên bố khai tử mảng smartphone vì không được phép sử dụng chip di động Qualcomm và hệ điều hành di động Google Android.
Giờ đây, ZTE phải kết nối lại với khách hàng, đồng thời cần giải quyết hàng loạt vấn đề hóc búa về cách thức kinh doanh vốn đầy rẫy cáo buộc hối lộ, thổi giá và vi phạm luật pháp nước sở tại.
Bengt Nordstrom, giám đốc công ty tư vấn viễn thông Northstream, Thụy Điển cho rằng ngay cả khi lệnh cấm được gỡ bỏ, các nhà mạng sẽ phải cân nhắc khi nối lại hoạt động với ZTE, đó là chưa kể hãng này phải thực thi các biện pháp minh bạch và tuân thủ quy định.
Chỉ cần hai tháng bị Mỹ cấm vận, ZTE đã lao đao. |
Giải cứu ZTE là ưu tiên hàng đầu của quan chức Trung Quốc thời gian gần đây. Sau nhiều thảo luận căng thẳng, chính quyền Trump đã đồng ý cho ZTE cơ hội thứ hai nhằm giảm thiểu căng thẳng với Bắc Kinh trước khi ông Trump lên đường đi Singapore gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Những cáo buộc với ZTE, vốn là nhà sản xuất không tên tuổi trước khi trở thành tập đoàn lớn được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, cùng thái độ có vẻ như thông cảm của Tổng thống Trump nói lên nhiều điều về các công ty Trung Quốc.
Ngổn ngang bê bối
Các công ty Trung Quốc xuất hiện khắp nơi trên thế giới, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, giải trí và đường sắt. Lãnh đạo nước này muốn xây dựng các tập đoàn mang thương hiệu quốc gia với chất lượng được cả thế giới thừa nhận, theo New York Times.
Thế nhưng, tai tiếng khi hoạt động ở nước ngoài cùng các lo ngại về an ninh quốc gia và sản phẩm kỹ thuật cao của Trung Quốc khiến nỗ lực này không đạt kết quả như mong đợi.
Vi phạm lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm sang Iran và Triều Tiên chỉ là giọt nước tràn ly khiến Bộ Thương mại Mỹ tung cú knock-out với ZTE.
Theo thỏa thuận mới nhất với chính phủ Mỹ giữa tuần trước, ZTE phải thay thế ban lãnh đạo và lãnh đạo cao cấp. Mỹ sẽ cử cán bộ giám sát làm việc tại ZTE nhằm đảm bảo hãng tuân thủ quy định. Những người này sẽ báo cáo trực tiếp về Washington.
ZTE đối mặt với nhiều cáo buộc hối lộ, nâng giá hợp đồng và gián điệp nước sở tại. |
Đây không phải lần đầu tiên ZTE đối mặt với cáo buộc về hành vi kinh doanh đáng ngờ. Tại Kenya, một hợp đồng giữa ZTE và cảnh sát địa phương đã bị hủy bỏ năm 2013 do bị nâng giá. Tại Algeria, hai lãnh đạo ZTE bị buộc tội hối lộ năm 2012.
Zambia cũng hủy bỏ một hợp đồng với ZTE năm 2013 sau khi phát hiện dự án bị thổi giá. Tại Philippines, hãng viễn thông Trung Quốc bị cáo buộc đút lót quan chức năm 2007 trong đó có cả tổng thống.
Do những vết đen này, quỹ đầu tư quốc gia Na Uy - một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - tuyên bố năm 2016 rằng sẽ gạt ZTE ra khỏi danh mục đầu tư. Ban đánh giá của quỹ nói đang tồn tại nguy cơ không thể chấp nhận được rằng ZTE liên quan tới hoạt động hối lộ, và rằng công ty này rất có thể sẽ “ngựa quen đường cũ”.
Tại Trung Quốc, hồ sơ của ZTE cũng dính nhiều tì vết. Một lãnh đạo của China Mobile, mạng di động lớn nhất trong nước, bị tòa kết án năm ngoái vì nhận hối lộ của nhiều công ty, trong đó có công ty con của ZTE.
Rắc rối với Mỹ có vẻ nghiêm trọng hơn. Trong nhiều năm qua, các quan chức Mỹ liên tục bày tỏ lo ngại thiết bị ZTE có thể bị chính phủ Trung Quốc sử dụng cho mục đích gián điệp hoặc phá hoại mạng lưới. Cáo buộc này cũng chống lại Huawei, công ty viễn thông lớn khác của Trung Quốc, đồng thời là đối thủ của ZTE.
Các nhà mạng lớn của Mỹ như AT&T bị cấm mua thiết bị của hai công ty trên. Nhiều khả năng, các nhà mạng nhỏ của Mỹ sẽ theo chân AT&T nếu đề xuất mới của Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ được chấp thuận.
Doanh nghiệp nhà nước, tư nhân điều hành
Trụ sở chính của ZTE tại Trung Quốc. |
ZTE có tên đầy đủ là Zhongxing Telecommunications Equipment, bắt đầu hoạt động từ năm 1985 khi còn là liên doanh giữa công ty hàng không Nhà nước quản lý và hai công ty ngoài.
ZTE gia nhập thị trường quốc tế vào những năm 90 và được xem là điển hình mới của công ty Trung Quốc thuộc sở hữu Nhà nước nhưng lại do tư nhân điều hành.
Cổ phiếu ZTE được niêm yết công khai. Ít ai biết rằng cổ đông lớn nhất của tập đoàn này là hai doanh nghiệp Nhà nước và nhận được nhiều ưu ái. Năm 2012 khi ZTE thua lỗ, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã bơm 20 tỷ USD để vực dậy công ty.
Với hàng loạt biến cố gần đây, có vẻ lãnh đạo ZTE đã thấm nhuần bài học. New York Times có trong tay thư chủ tịch ZTE, Yin Yimin, gửi nhân viên trong đó yêu cầu toàn bộ ban lãnh đạo và nhân viên công ty phải xem sự việc gần đây là bài học, tuyệt đối không để tình trạng này xảy ra một lần nữa.
Mỹ cấm cửa ZTE vì ngoan cố và gian dối
Đằng sau lệnh cấm vận ZTE là góc tối ít người biết. New York Times dẫn lời Bộ Thương mại Mỹ cho biết ZTE đã sử dụng công nghệ của Mỹ để xây dựng và duy trì mạng viễn thông tại Iran, đồng thời có nhiều hoạt động kinh doanh vi phạm lệnh cấm của Mỹ.
Sau khi Mỹ tiến hành điều tra, ZTE đã nói dối quan chức chính phủ Mỹ rằng hãng đã ngừng xuất khẩu thiết bị sang Iran. Nguồn tin của Bộ Thương mại Mỹ còn cho biết ZTE đã yêu cầu nhân viên hủy tài liệu liên quan tới hoạt động kinh doanh với Iran, thậm chí còn có kế hoạch nối lại hoạt động này trong lúc cuộc điều tra đang diễn ra.
ZTE từng tuyên bố khai tử mảng sản xuất smartphone do lệnh cấm của Mỹ. |
Tháng 3/2017, Washington đã phạt ZTE số tiền 1,19 tỷ USD, đồng thời ra lệnh kiểm toán ngay lập tức. Một năm sau đó, ZTE nói với Bộ Thương mại Mỹ rằng trước đó hãng thông tin sai khi nói đã kỷ luật nhân viên liên quan tới vi phạm lệnh cấm bán thiết bị cho Iran.
Ngay lập tức, Bộ Thương mại Mỹ lệnh cho các công ty của Mỹ không được bán công nghệ cho ZTE trong 7 năm. Cơ quan này cho rằng thái độ gian dối của ZTE cho thấy đây không phải đối tác tin cậy về sử dụng sản phẩm, phần mềm và công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ.
Trong dàn xếp mới nhất để nối lại hoạt động, ZTE phải trả Mỹ 1 tỷ USD cộng thêm 400 triệu USD tiền bảo lãnh. Đây là khoản tiền phạt cao nhất từ trước tới nay của Mỹ với doanh nghiệp bị cấm vận.
Tại Trung Quốc, có thể ZTE không gặp rắc rối vì chính phủ có thể lệnh cho các nhà mạng mua thiết bị của hãng này. Tuy nhiên, nhà phân tích viễn thông Edison Lee của Jefferies tại Hong Kong cho rằng nếu ZTE không cư xử khôn khéo, họ có thể làm mếch lòng giới lãnh đạo cấp cao.
Tuần vừa rồi, trang web đài phát thanh China Radio International, Trung Quốc đăng tải loạt ý kiến nói rằng nước này không nên nuông chiều “những đứa trẻ lớn xác”, ý nói ZTE và các tập đoàn lớn của Nhà nước, luôn dựa dẫm vào chính phủ trong những thời điểm cam go.