Dựng vội hàng rào, mắc đèn nơi nữ sinh bị nước cuốn
Công an quận Thủ Đức, TP.HCM đã lấy lời kể của các nhân chứng cũng như làm việc với Ban Quản lý KTX ĐHQG TP.HCM liên quan đến vụ nữ sinh viên thiệt mạng.
Trong ngày 10/7, Ban Quản lý KTX, trung tâm quản lý đô thị ĐHQG TP.HCM đã phối hợp với chính quyền địa phương đặt biển báo nguy hiểm, dựng hàng rào tạm có tay vịn và mắc đèn đường qua khu vực xảy ra vụ tai nạn nữ sinh bị nước cuốn trôi.
Trước đó, 2 nữ sinh viên (SV) năm cuối trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM trên đường về KTX bị dòng nước cuốn trôi cả người và xe, khiến SV Đinh Thị Phương Thảo (SN 1991, quê Bình Định) thiệt mạng.
Nơi xảy ra cái chết thương tâm của SV Đinh Thị Phương Thảo đã được đặt biển báo nguy hiểm, dựng hàng rào tạm có tay vịn. |
Chờ họp để xác định trách nhiệm
Phó bí thư thường trực Quận ủy Thủ Đức, ông Ngô Thành Lợi, cho biết: “Chúng tôi đã có cuộc họp với UBND quận, công an quận và tức tốc triển khai những biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho người dân cũng như các sinh viên khi lưu thông trên con đường này. Đồng thời, ngành công an phải có trách nhiệm điều tra làm rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm về cái chết thương tâm của nữ SV”.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức, khẳng định: “Hiện trường vụ tai nạn nằm trong dự án của ĐHQG TP.HCM thì trường phải chịu trách nhiệm chính vì đã để xảy ra sự việc đáng tiếc. Lẽ ra, khi thi công, phải lường trước những rủi ro mà các SV sẽ gặp phải. Về phía địa phương, chúng tôi sẽ đề xuất tăng cường tuần tra, chốt chặn để bảo đảm an toàn cho người đi đường”.
Cùng ngày, ông Trần Thanh An, Giám đốc KTX ĐHQG TP.HCM, cho biết công an quận Thủ Đức đã lấy lời khai các nhân chứng cũng như làm việc với Ban Quản lý KTX về những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, đường sá… Khi xây dựng con đường này, đơn vị thi công đã gắn những cột mốc 2 bên nhưng do không lường trước những tai họa nên còn thiếu sót.
Mặt khác còn do thiên tai, chiều hôm đó trời mưa rất lớn khiến nước tràn đường. Qua đây, các đơn vị liên quan cũng đã rút ra bài học lớn.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, nói: “Chúng tôi đã cử người đến chia buồn với gia đình nạn nhân. Trong vài ngày tới sẽ tổ chức họp để xác định trách nhiệm thuộc về Ban quản lý KTX hay là trung tâm quản lý Đô thị ĐHQG TP.HCM”.
Đơn vị quản lý chưa thực hiện đủ chức trách
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), tại điều 44 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ có nêu rõ: “Công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho người, phương tiện”... Trường hợp này, rõ ràng phần đường giao thông ở đây đã không bảo đảm được an toàn và hậu quả là tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra.
Trước đó còn có nhiều trường hợp cả người và xe bị cuốn xuống suối, tức sự nguy hiểm của con đường là có thật và đã được cảnh báo nhưng đơn vị có trách nhiệm quản lý không thực hiện đủ chức trách của mình.
“Bất chấp sự nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người dân, đưa con đường không bảo đảm an toàn vào lưu thông như trường hợp này là đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự ở tội danh quy định tại điều 220 BLHS “Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông”, Luật sư Công nói.
Đừng để “chìm xuồng” Theo luật sư Nguyễn Thành Công, thời gian qua, tại TP.HCM, do sự phát triển chung mà việc cải tạo, sửa chữa hay xây dựng mới các công trình giao thông được thực hiện rộng rãi nhưng sự an toàn khi thi công cho đến an toàn khi công trình đưa vào vận hành đã không được bảo đảm. Khá nhiều vụ việc để lại hậu quả nặng nề làm thiệt hại tài sản, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người dân nhưng rồi bị “chìm xuồng” hoặc chỉ truy cứu trách nhiệm bồi thường theo luật dân sự. Rõ ràng cách xử lý này đã không đủ sức răn đe. Luật sư Công cho rằng trách nhiệm đến đâu cùng với lỗi, thiệt hại đã xảy ra thì cần áp dụng pháp luật một cách chính xác nhằm điều chỉnh tốt các quan hệ pháp luật, tạo sự giáo dục xã hội cần thiết. |
Theo Người Lao Động