Có đến 4 xe máy chìm ở nơi nữ sinh bị nước cuốn
Sáng 9/7, Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết sau khi vớt thi thể sinh viên Đinh Thị Phương Thảo ở suối Nhum, đơn vị này còn xác định bên dưới lòng suối có 4 chiếc xe máy.
Trong đó có chiếc xe máy của sinh viên Trần Thị Hoàng Thu chở Thảo khi gặp nạn vào tối 8/7 và 3 chiếc xe của bốn nạn nhân khác.
Vào thời điểm Thảo gặp nạn, 4 nạn nhân này cũng bị nước xoáy cuốn nhưng may mắn họ đã kịp thời bỏ xe để thoát thân.
Hiện trường nơi sinh viên Đinh Thị Phương Thảo bị nước cuốn dẫn đến tử vong. |
Người dân địa phương gọi đoạn đường nhựa hẻm 167, tổ 15, khu phố 1, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức - nơi sinh viên Đinh Thị Phương Thảo gặp nạn - là đoạn đường “tử thần”. Mỗi khi mưa to, dòng nước từ suối Nhum chảy cuồn cuộn, cuốn trôi người và xe xuống suối.
Anh Lê Văn Ngọt, một người trồng rau tại khu vực gần cầu Suối Nhum, kể mỗi khi mưa, nước suối dâng lên ào ạt khiến nhiều người bị nước cuốn trôi cùng xe máy xuống suối.
“Nhiều lần tôi cùng người dân nghe tiếng kêu cứu của nạn nhân. Nhiều nạn nhân biết bơi hoặc may mắn bấu víu vào thân cây, cột phân cách nên sống sót, còn xe máy và đồ đạc bị cuốn xuống suối phải chờ nước rút mới kéo lên bờ. Cách đây khoảng một tuần, ba người dân cũng bị nước cuốn trôi xuống suối nhưng may mắn thoát chết” - anh Ngọt cho hay.
Anh Hoàng, một người dân ở đây, bức xúc: “Tai nạn xảy ra dồn dập như vậy nhưng không thấy cơ quan chức năng làm hàng rào, biển cảnh báo. Mỗi khi mưa to, người dân ở đây lại hì hục ra cầu để hỗ trợ, đẩy xe cho người đi đường”.
Ông Phạm Hồng Sơn, chủ tịch UBND P.Linh Xuân, cho biết trước đây ông chưa nghe phản ảnh chuyện người dân bị nước cuốn trôi khi qua cầu Suối Nhum. Đến khi xảy ra tai nạn đau lòng nói trên, phường cùng các lực lượng cứu hộ đã tìm nạn nhân ngay trong đêm.
Sáng 9/7, phường đã đến bệnh viện Đa khoa Thủ Đức chia buồn cùng gia đình nạn nhân và cán bộ, viên chức của phường đã góp tiền để hỗ trợ một phần cho gia đình đưa nạn nhân về quê an táng.
Chiều 9/7, phường đã mời Ban quản lý dự án xây dựng ĐH Quốc gia để họp khẩn về vụ việc trên. Tại cuộc họp, phường đã đề nghị đơn vị này có biện pháp để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc trung tâm quản lý đô thị của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đoạn đường trên thuộc địa phận thị xã Dĩ An (Bình Dương) và thuộc dự án cải tạo rạch Suối Nhum do UBND tỉnh Bình Dương thực hiện. ĐH Quốc gia chỉ làm hệ thống cống xuyên qua con đường vành đai 3 bắc ngang qua suối Nhum. Năm 2008, ĐH Quốc gia làm đường vành đai 3 (đoạn 1).
Đến khi làm đoạn tiếp theo (đoạn 2) là đoạn đường có hệ thống cống suối Nhum, do không giải phóng được mặt bằng (thuộc P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) nên không thể thi công. Trước khi xảy ra vụ tai nạn, ĐH Quốc gia đã duyệt kế hoạch làm mới hệ thống cống thoát nước với đường kính lớn hơn để có thể thoát nước nhanh hơn.
Cũng theo ông Sang, chiều 9/7 ĐH Quốc gia đã cho lắp hai biển cảnh báo nguy hiểm ở hai đầu miệng cống suối Nhum (đường vành đai 3). Chiều nay (10/7) tiếp tục cho lắp bốn trụ đèn cảnh báo và hệ thống thanh chặn ở hai bên đầu đường (để ngăn người đi lại khi nước lớn) và lắp đặt hệ thống lan can bảo vệ chạy dọc hai bên cống suối Nhum nhằm ngăn người bị trôi, trượt xuống suối.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng đơn vị nào chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn khiến sinh viên Đinh Thị Phương Thảo tử vong, ông Sang chỉ nói: “Do chưa giải phóng được mặt bằng để làm đường nên ĐH Quốc gia không thể làm cống lớn hơn khi chưa làm đường. Trước khi xảy ra vụ tai nạn, ĐH Quốc gia đã phê duyệt kế hoạch làm cống mới nhưng chưa kịp làm thì vụ tai nạn đã xảy ra”.
Theo Tuổi Trẻ