Giây phút định mệnh của 2 nữ sinh viên bị nước cuốn chìm
Lúc mọi người đưa được Thu lên bờ thì mặt mày cô đã tím tái, mũi miệng đầy nước và khó thở. Khi biết bạn mình mất tích, Thu gào khóc trong sợ hãi.
Trưa 9/7, tại sân của nhà Đại thể của bệnh viện Đa khoa Thủ Đức (TP.HCM) có hàng trăm sinh viên, thầy cô cùng người thân đã rơi nước mắt tiễn đưa sinh viên Đinh Thị Phương Thảo (22 tuổi, khoa Quản trị kinh doanh của trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) về quê nhà (tỉnh Bình Định) để an táng.
Vừa mất đi người bạn thân, vừa còn sợ hãi vì mới thoát khỏi tử thần, sinh viên Trần Thị Hoài Thu (23 tuổi), cho biết ở chung phòng kí túc xá đại học với Thảo từ năm đầu của đại học. Đôi bạn vừa thi tốt nghiệp, dự định về quê chơi hè, nhưng sau đó quyết định ở lại tìm việc làm. Do năm học tới không còn được ở kí túc xá nên chiều 8/7, Thu chở bạn đi tìm nhà thuê trọ. Trên đường về, trời đổ mưa rất lớn.
"Khi về đến đường nội bộ KTX, đoạn qua Suối Nhum, cách KTX khoảng 300m nước chảy ào ạt như thác, tràn qua mặt đường. Vì trời sắp tối nên chúng tôi cố chạy qua để về phòng. Tuy nhiên, dòng nước chảy mạnh và gió lớn nên đã xô ngã cả 2 cùng xe máy. Tôi bị trôi khoảng 20m thì bám vào cành cây ven rạch rồi được mọi người cứu. Khi đấy tôi nhìn quanh thì không thấy Thảo đâu…”, Thu, cô bé được cứu sống nghẹn ngào kể lại.
Hoài Thu đau đớn khi bạn thân của mình ra đi mãi mãi. |
Lúc mọi người đưa được Thu lên bờ thì mặt mày cô đã tím tái, mũi miệng đầy nước và khó thở. Nhưng khi biết bạn mất tích, thì em đã gào khóc trong sợ hãi. Sau đó 2 giờ, Thảo được tìm thấy và được đưa đến bệnh viện với hy vọng mang manh, nhưng rồi tia nhỏ hi vọng đó cũng tắt ngấm.
Có mặt tại nhà Đại thể, ông Huỳnh Thanh Tú, Phó khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh tế - Luật, nói: “Thảo là sinh viên gương mẫu, hòa đồng và tích cực trong các hoạt động đoàn hội. Chúng tôi vừa xét tốt nghiệp và Thảo xếp loại giỏi với điểm trung bình 8,1. Em là một trong số ít sinh viên sẽ được đặc cách để học lên cao học của trường”.
“Cái bẫy” chết người
Ghi nhận tại hiện trường, đoạn đường đi ngang qua cống thoát nước dài hơn 10m, rộng 3m, bị sạt lở một góc khá lớn bên phải, là nơi mà 2 sinh viên bị nạn. Hai bên đường cống chỉ có cọc tiêu, không có lan can bảo vệ, bên dưới là dòng kênh sâu. Theo người dân, đây là lối đi nội bộ để sinh viên ra vào KTX mỗi khi mưa lớn, cống nhỏ nên nước thoát không kịp. Biết đây là cái bẫy nguy hiểm nên mỗi trận mưa người dân địa phương ra hỗ trợ những phương tiện lưu thông qua lại.
Anh Lê Văn Ngọt (SN 1980, quê Đồng Tháp, người trực tiếp tìm 2 sinh viên bị nạn) cho biết mỗi khi trời mưa lớn, biết khu vực sẽ bị ngập sâu nên chúng tôi đứng 2 đầu cống để hỗ trợ những người đi qua đây. Khoảng 10 phút trước khi 2 em bị nạn, anh Ngọt cùng một số người đã cứu được một bà cụ đi bán vé số ngang qua khi bà bị nước cuốn trôi gần 100m và kẹt vào một cành cây.
Nhiều bạn trẻ đã không thể kìm lòng trong buổi tiễn đưa Thảo. |
“Lúc đó trời mưa to, nước ở nhiều khu vực dồn về con suối nhỏ này nên thoát không kịp, khiến con đường bị ngập. Như mọi lần, tôi đứng từ xa la lớn để cảnh báo mọi người đi lại. Thấy 2 sinh viên đi qua, tôi chưa kịp chặn lại thì 2 em cùng xe máy đã bị cuốn xuống dòng nước chảy cuồn cuộn. Thấy vậy, tôi lao xuống để cứu một em, còn em kia thì mất tích. Tôi rất buồn khi không cứu được em Thảo”, anh Ngọt kể.
Cũng theo anh Ngọt, mỗi khi mùa mưa đến thì một ngày có 2 - 3 người bị dính cái “bẫy” chết người này. Hơn một tháng nay đã có tất cả 6 trường hợp bị nước cuốn trôi nhưng được anh Ngọt và một số người trồng rau gần đó cứu thành công.
Anh Ngọt kể lại lúc nhảy xuống cứu người, và cảm thấy rất buồn khi không cứu được cô gái còn lại. |
Ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm quản lý Đô thị (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết do còn vướng giải tỏa mặt bằng cũng như dự án cải tạo rạch Suối Nhum nên đường và cống chỉ làm tạm. Tuy nhiên qua sự việc đáng tiếc này, Đại học Quốc gia TP.HCM đã kiến nghị thực hiện ngay việc xây dựng cầu, đường để bảo đảm an toàn cho việc đi lại. Trong khi chờ đợi, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ cho lắp đặt đèn chiếu sáng, bố trí lực lượng bảo vệ, hướng dẫn, cảnh báo người qua lại khi trời mưa lớn.
T. Hoài
Theo Infonet