Tháng 10 năm 1989, tốt nghiệp khóa 18 hệ Cao đẳng Học viện Biên phòng, trung úy Nguyễn Quang Dũng về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Na Mèo, giữa vùng rừng núi biên giới Việt - Lào heo hút phía tây tỉnh Thanh Hóa.
Đồn biên phòng này nằm ở độ cao gần 1.000 mét so với mực nước biển. Từ thành phố Thanh Hóa lên Na Mèo gần 250 km, đường núi quanh co, uốn lượn như sợi mỳ tôm, xe chạy đẫy một ngày đường mới tới nơi.
Được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội Trinh sát của Đồn Biên phòng, nắm bám tất cả động tĩnh của các loại tội phạm trong và ngoài khu vực biên giới, Nguyễn Quang Dũng không một chút đắn đo, nề hà với công việc nguy hiểm.
Để biết chắc từng loại đối tượng đang làm gì, ở đâu, Dũng lặn lội khắp “hang cùng, ngõ hẻm” ở các cánh rừng biên giới hai huyện Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa và Viêng Xay của tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Chỉ cần nghe đồng bào báo tin, có đối tượng đang ẩn náu ở đâu là Dũng biết vị trí ấy ở bản nào, cánh rừng nào, đi qua mấy con suối thì tới.
Có lần lội bộ đi đánh bắt bọn tội phạm ma túy ở vùng đồng bào dân tộc Mông bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), cách xa đồn 45 km, Dũng và các chiến sĩ của đơn vị phục kích trong rừng 3 ngày 3 đêm, ăn lương khô, uống nước suối, vắt bám từ gót chân lên đến đỉnh đầu.
Bọn tội phạm ma túy đứa cầm súng K.63, đứa mang theo lựu đạn. Phát hiện cả toán lọt vào ổ phục kích, Dũng lao từ trên núi cao xuống, đè chặt một tên trong vòng tay cứng như thép, cả tổ phục kích vọt ra, quật ngã từng tên một, bắt gọn cả toán, thu 5 bánh heroin.
Thượng tá Nguyễn Quang Dũng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Thanh Hóa |
Năm 2007, bão số 6 đổ bộ vào Thanh Hóa, mưa tầm tã, trôi đất trôi cát, lúc đó đang là Phó Đồn trưởng Trinh sát, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Dũng trực tiếp dẫn bộ đội của đồn đi đánh bắt bọn tội phạm ma túy ở Bản Khà cách xa đồn 25 km. Nửa đêm, trời đổ mưa như trút nước, cả tổ bị lạc trong rừng sâu tối như bị bịt mắt.
Lợi dụng trời mưa bão, bọn tội phạm ma túy lén lút vượt biên giới từ Lào vào Việt Nam. Dũng quyết định cho anh em “tập kích” thẳng vào đội hình của chúng.
Vừa bắt được một tên, thu 600 viên ma túy tổng hợp, bất ngờ một góc núi ngấm sũng nước đổ ụp xuống, nước suối dâng lên cao ngập đến cổ. Dũng lệnh cho anh em vượt qua suối sâu trở về đơn vị.
Còn mình trực tiếp áp giải tên bị bắt, cầm giữ túi nylon chứa 600 viên ma túy giơ lên cao để khỏi bị hòa tan trong suối, bình tĩnh dẫn tội phạm lội qua suối. Tên tội phạm thấy Dũng quá kiên cường, mặt lạnh lùng như Bao Thanh Thiên, hắn rất sợ hãi, cứ thế lầm lũi về nhà tạm giữ của Đồn Na Mèo...
Đến đây, tôi đã nhận ra thế nào là Dũng “sóng thần”. Đánh tội phạm ma túy theo kiểu từ trên núi cao đổ ụp xuống, kẹp chặt đối tượng, cứ như sóng thần.
Biết cả “con kiến” đang ở gốc cây nào trong rừng
Năm 2009, Nguyễn Quang Dũng giữ chức Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Mỗi lần đi họp, lãnh đạo huyện khi nghe thượng tá Dũng báo cáo tình hình an ninh trật tự, hoạt động của các loại tội phạm qua biên giới, tình hình ngoại biên, kinh tế, xã hội ở các bản người Mông trong huyện, hay tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc... chính xác đến từng nóc nhà, từng con người, thì lấy làm phục lắm.
“Có bao giờ Dũng phải day dứt vì công việc chưa?” - tôi hỏi. Suy nghĩ một lát, Nguyễn Quang Dũng chậm rãi: “Có chứ anh”. Đó là lần, Dũng chỉ huy bộ đội phục kích, bắt hai người vận chuyển thuốc phiện qua biên giới.
Điều day dứt của Dũng trong vụ án này là, một trong hai người đó lại là đảng viên, người dân tộc Thái, ở xã Na Mèo, địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng.
Dũng bảo, cái đau của vụ án đó, chính là cán bộ, chiến sĩ ở đồn phải rất công phu, mất nhiều năm mới phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp được một đồng chí là người dân tộc vào Đảng, nay người đó chỉ vì một chút nhẹ dạ, nghe lời bọn xấu lôi kéo, mà phải chịu mất đi một đảng viên, thì day dứt, đau đớn lắm.
Chính vì nỗi đau lần đó mà Dũng và cán bộ, chiến sĩ ở đồn quyết phải nắm chắc từng động tĩnh của mỗi con người được giao quản lý, bảo vệ.
Biết cụ thể, chính xác đến từng gốc cây, ngọn lúa ở trong rừng, trên nương, trong từng góc tối của mỗi con người, để làm việc được tốt hơn, bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ chức chính trị ở cơ sở được chu toàn hơn, để không còn phải day dứt, đau đớn, mỗi khi phải bập còng số tám vào tay người ta.
Có lẽ vì thế, mà anh em ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, mới thầm phục người đồn trưởng của mình về công tác nắm tình hình. Ngồi ở đồn, nhưng Dũng biết “con kiến” đang ở gốc cây nào trong các cánh rừng biên giới.
Tính đến cuối năm 2014, thượng tá Nguyễn Quang Dũng đã có 25 năm gắn bó với Đồn Biên phòng Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa. Người con ấy của đất Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa), có người vợ ở cách chỗ anh công tác tới gần 250 km, sống nhờ đồng lương nghỉ hưu non 1,8 triệu một tháng, với hai con trai và “nhạc mẫu” hơn 80 tuổi.
Ngồi trò chuyện với tôi giữa núi rừng biên giới Việt - Lào của xứ Thanh, Dũng thủ thỉ: “Tuy lương hưu của vợ rất thấp, nhưng hoàn cảnh gia đình anh cũng không đến nỗi nào.
Chỉ thương là thương đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng chưa làm được gì nhiều, để đồng bào bớt nghèo, bớt khổ”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo cùng với lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn (Lào) tuần tra song phương. |
25 năm ở Na Mèo, Dũng có tới 15 cái tết ở lại với bà con các dân tộc. Dũng bảo, ngày tết, nhà đồng bào nào nghèo là bộc lộ hết ra, nhìn thấy mà xót xa, thương cay, thương cực cho bà con.
Có lần, Dũng lên bản Cha Khót ăn tết với đồng bào dân tộc Thái, cách xa đồn tới 18 cây số đường rừng. Thấy bà cụ hơn 80 tuổi phải vào rừng đào củ mài, củ nâu ăn tết, lòng anh như bị ai xát muối.
Đang là mồng 2 tết, Dũng tức tốc cuốc bộ 18 km qua núi cao, vực sâu, trở về đồn cõng xuống cho cụ 15 kg gạo, cùng với một ít bánh chưng và thịt lợn. Nhận quà tết của Dũng, nước mắt cụ Vi Thị May và mấy đứa cháu lam lũ cứ tuôn rơi.
Đấy! Tấm lòng của Dũng đối với bà con các dân tộc ở vùng biên giới Na Mèo cũng mạnh bạo và dữ dội như những cơn sóng thần vậy. Đã sống vì nhân dân là sống thủy chung, son sắt. Đã làm vì nhân dân là làm cho bằng được, làm thật tốt mới yên lòng.
Tôi nhớ mãi chuyện Dũng kể vào một đêm giao thừa, anh chỉ huy 5 chiến sĩ của đồn đi tuần tra đường biên giới Việt - Lào trên đỉnh núi Tà Ngưng cao 800 mét so với mực nước biển. Rét xuống gần 0 độ C, nước trên đỉnh núi Tà Ngưng đóng băng, bánh chưng, giò chả các chiến sĩ mang theo cứng như sắt nguội.
Giao thừa vừa điểm, Dũng và 5 chiến sĩ của đồn đem bánh chưng, giò chả, thắp nến, thắp nhang đặt lên cột mốc đường biên giới quốc gia M.326. Tất cả đứng nghiêm chào cột mốc trên đường biên tổ quốc, mặc cho nước mắt tuôn rơi.
Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, thay mặt cán bộ và đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới huyện Quan Sơn, Dũng dõng dạc: “Người chiến sĩ quân hàm xanh xin nguyện vì tổ quốc, vì nhân dân... giữ gìn toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng dù có phải hy sinh xương máu...”.