Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh sát giao thông và cuộc chiến trên những cung đường

Mặc cho máu chảy ướt cổ và vai áo, quyết không để cho đối tượng côn đồ làm hại đến tính mạng của người dân và chạy thoát, Thiếu úy Hiếu đã bắt đối tượng về trụ sở cảnh sát.

"Thế mới là đúng chiến sĩ CAND, vì nước quên thân, vì dân phục vụ đích thực chứ. Xã hội cần lắm những tấm gương dũng cảm trấn áp tội phạm như thế. Chúc anh mau chóng bình phục và tiếp tục công việc của người chiến sĩ"; "Anh thật dũng cảm, là tấm gương sáng cho các đồng đội noi theo. Cảm ơn anh vì đã có hành động đúng lúc ra tay bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật. Giữ được lòng tin của mọi người dân với pháp luật"; "Xã hội rất cần những người như anh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình an cho nhân dân"… đó là chỉ vài ý kiến trong số hàng ngàn comment trên các báo điện tử và các diễn đàn mạng trước hành động dũng cảm của Thiếu úy Võ Minh Hiếu, cán bộ Đội CSGT số 7 Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Hà Nội, đã không quản hiểm nguy lao vào cứu người dân trước những kẻ côn đồ.

Tuy nhiên, từ vụ việc này, một vấn đề đặt ra là cần có hành lang pháp lý cụ thể để CSGT được sử dụng công cụ hỗ trợ khi cần thiết…

Chúng tôi vào thăm Thiếu úy Võ Minh Hiếu ở Bệnh viện 19/8 và gặp cả Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội và Đại tá Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt Bộ Công an đến thăm hỏi, động viên người chiến sĩ dũng cảm. Vết thương ngang cằm phải khâu 10 mũi đang phải băng bó khiến anh rất khó khăn khi nói lời cảm ơn các thủ trưởng và đồng đội đã đến thăm hỏi động viên anh. Nhìn vết thương, tôi không khỏi ớn lạnh bởi nếu không tránh kịp cú chém chết người của tên côn đồ thì chưa biết hậu quả sẽ thế nào.

9h sáng 12/8, Thiếu úy Võ Minh Hiếu đang cùng tổ công tác của Đội CSGT số 7 làm nhiệm vụ phân luồng giao thông tại chốt Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, phát hiện 2 nam thanh niên điều khiển xe môtô theo hướng Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến va chạm với một thanh niên đi môtô cùng chiều trên đường và xảy ra tranh cãi. Để tránh ùn tắc, Thiếu úy Võ Minh Hiếu đã tới giải quyết. Thấy CSGT tiến đến, cả 3 người này dừng "đấu khẩu" và bỏ đi. Tuy nhiên, khi người thanh niên điều khiển xe máy dừng đèn đỏ ở Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, hai đối tượng trên tiếp tục đuổi theo.

Đại tá Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt thăm hỏi, động viên Thiếu úy Võ Minh Hiếu.
Đại tá Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt thăm hỏi, động viên Thiếu úy Võ Minh Hiếu.

Nhận thấy hai đối tượng có thái độ hung hăng, thích gây sự, muốn hành hung người khác nên Thiếu úy Hiếu đã vội vàng đuổi theo ngăn chặn. Đúng như dự đoán, khi đuổi kịp người thanh niên đang dừng chờ đèn đỏ, tên ngồi sau xe nhảy xuống rút ngay trong người hai dao chọc tiết lợn lao tới chém tới tấp vào người thanh niên. Lập tức Thiếu úy Võ Minh Hiếu đã kịp thời lao tới khống chế đối tượng. Nhưng, tên côn đồ lập tức quay sang chống trả chém cảnh sát. Thiếu úy Hiếu kịp thời lách người sang bên né tránh nhát dao chém chính diện vào mặt, khiến lưỡi dao của đối tượng chém đúng phần cằm trái và vai trái.

Mặc cho máu chảy ướt cổ và vai áo, quyết không để cho đối tượng côn đồ làm hại đến tính mạng của người dân và chạy thoát, Thiếu úy Hiếu đã dũng cảm khống chế, bắt giữ đối tượng, đưa về trụ sở Công an phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, để xử lý. Đối tượng điều khiển xe còn lại lợi dụng lúc CSGT khống chế đồng bọn đã nhanh chân bỏ chạy.

Người điều khiển xe môtô va chạm với hai đối tượng trên là anh Nguyễn Mạnh Hà (SN 1985) ở Nam Từ Liêm sau đó cũng được CSGT đưa vào Bệnh viện 103 cấp cứu. Sau khi đưa đối tượng gây án về Công an phường Thanh Xuân Trung, lúc này Thiếu úy Võ Minh Hiếu mới chịu để đồng đội đưa vào viện cấp cứu.

Tại Công an phường Thanh Xuân Trung, đối tượng gây án được làm rõ là Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1987). Đồng bọn của Hùng bỏ chạy là Trần Minh Thùy (SN 1988), đều trú tại thôn 10, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Khi kiểm tra thu giữ trong người đối tượng Hùng, ngoài 2 con dao chọc tiết lợn đối tượng dùng để chém người dân và CSGT, CSGT còn thu giữ nhiều vam phá khóa xe máy; qua điều tra, Cơ quan Công an xác định Hùng và Thùy nằm trong đường dây trộm cắp, cướp tài sản lớn; Trần Minh Thùy có 1 tiền án về hành vi cướp.

Những ngày qua, đã có rất nhiều lời khen ngợi dành cho hành động dũng cảm của Thiếu úy Hiếu. Quả thực nếu không có hành động dũng cảm này, rất có thể anh Nguyễn Mạnh Hà đã bị nguy hiểm tới tính mạng bởi hai kẻ côn đồ này đều là những tên cướp chuyên nghiệp. Trước hành động dũng cảm quên mình vì nhân dân phục vụ của Thiếu úy Võ Minh Hiếu, Đại tá Trần Sơn Hà cho biết sẽ phát động phong trào học tập, nêu gương dũng cảm của Thiếu úy Võ Minh Hiếu trong lực lượng CSGT toàn quốc.

Có lẽ chưa bao giờ, CSGT lại thành một nghề luôn phải đối mặt với nguy hiểm như bây giờ vì ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, CSGT còn thường xuyên phải đối mặt với đủ các loại tội phạm. Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, năm 2013, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã bắt giữ 686 đối tượng hình sự, trong đó có 124 đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, 28 đối tượng cướp, cướp giật, 15 đối tượng truy nã… thu 208 bánh heroin, 8,95 kg thuốc phiện; 29 khẩu súng các loại, 117 viên đạn; 54 kg thuốc nổ, 80 gói thuốc nổ…

Sáu tháng đầu năm 2014, qua công tác tuần tra, kiểm soát, đã bắt 439 đối tượng (109 đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, 2 đối tượng truy nã, 118 đối tượng trộm cắp, 29 đối tượng cướp, 42 đối tượng tàng trữ trái phép vũ khí, 32 đối tượng vận chuyển thuốc nổ trái phép, 71 đối tượng vận chuyển pháo…), thu 19 bánh heroin, 6.685gr heroin, 5.400 viên ma túy tổng hợp, 11 khẩu súng và 522 viên đạn, 180 kg thuốc nổ, 100 kíp nổ, 848,8 kg pháo…

Thiếu úy Võ Minh Hiếu khi được đồng đội đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Thiếu úy Võ Minh Hiếu khi được đồng đội đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Mới đây nhất, tối 10/8, tổ CSGT thuộc Đội tuần tra dẫn đoàn Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM khi tuần tra trên đường Phạm Văn Đồng thì nghe tiếng tri hô "cướp, cướp" của người dân. Nhìn theo hướng xe cộ lưu thông về hướng quận Gò Vấp, tổ công tác phát hiện 3 thanh niên đi trên 2 xe máy phóng với tốc độ cao rất khả nghi nên lập tức truy đuổi. Đến đoạn giao cắt với đường sắt trên đường Phạm Văn Đồng, 2 thanh niên đi trên 1 xe máy điều khiển chạy ngược về hướng cầu Bình Lợi 2. Hai CSGT cũng tách ra truy đuổi 2 đối tượng này và sau đó đã khống chế, bắt giữ.

Tại Cơ quan Công an, 3 tên cướp được xác định là Võ Thành Khang, có 1 tiền án về tội cướp giật tài sản; Đặng Thanh Phúc, có 2 tiền án về tội tàng trữ và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và cố ý gây thương tích; Đặng Thanh Hậu, có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích; cả 3 đều thường trú tại quận 12. Khám xét trong người 3 đối tượng, Công an thu giữ 1 sợi dây chuyền và 1 điện thoại di động; chiếc điện thoại di động chúng khai nhận cướp giật được của một người đi đường tại quận Gò Vấp.

Nhưng, nguy hiểm của CSGT không chỉ phải đối mặt với tội phạm mà còn từ chính sự chống đối của người vi phạm Luật Giao thông. Mỗi năm, cả nước  xảy ra hàng chục vụ người vi phạm Luật Giao thông chống người thi hành công vụ. Năm 2012, cả nước xảy ra 62 vụ CSGT bị chống trả trong khi thi hành công vụ, làm 1 đồng chí hy sinh, 16 đồng chí bị thương; năm 2013, xảy ra 32 vụ, làm 12 đồng chí bị thương…

CSGT Phú Thọ kiểm tra xe quá tải trên Quốc lộ 2.
CSGT Phú Thọ kiểm tra xe quá tải trên Quốc lộ 2.

Có lẽ ở Việt Nam không có luật nào bị vi phạm nhiều như Luật Giao thông đường bộ. Điều đáng nói là có một bộ phận người vi phạm Luật Giao thông hiện nay rất manh động, sẵn sàng chống trả Cảnh sát khi bị xử lý. Giữa tháng 7 vừa qua, TAND TP Thanh Hóa đã tuyên phạt bị cáo Trần Quang Độ (kẻ đã đánh một trung tá CSGT Thanh Hóa hồi giữa tháng 5/2014) 15 tháng tù giam về hành vi chống người thi hành công vụ. 

Mới đây, vào sáng ngày 8/8, tổ tuần tra của Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải -  Phòng CSGT Đà Nẵng, khi làm nhiệm vụ tại ngã tư Phan Tứ - Ngũ Hành Sơn, phát hiện 2 đối tượng đèo nhau trên xe máy BSK 92H-0775 vượt đèn đỏ, Trung tá Cường liền ra hiệu lệnh dừng xe. Nhưng khi anh tiến đến để kiểm tra giấy tờ thì đối tượng cầm lái xe máy đã rồ ra, tông  thẳng vào người, kéo anh đi gần 20m, sau đó phóng xe bỏ chạy. Kẻ manh động này là Nguyễn Hoài Nhân (trú Đại Chánh, Đại Lộc, Quảng Nam) cùng chiếc xe vi phạm sau đó bị công an bắt giữ.

Nhưng, điều đáng nói là trong nhiều trường hợp, khi CSGT bị tấn công, người dân thay vì hỗ trợ Công an trấn áp kẻ vi phạm thì lại chỉ đứng nhìn hoặc lấy điện thoại ra… quay clip. Lý do của hành động vô cảm này có thể từ tâm lý ngại va chạm; nhưng có một nguyên nhân khác đó là do nhiều người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm với CSGT, vì thế khi xảy ra các vụ việc thanh niên ngổ ngáo gây sự, tấn công CSGT, người dân đã chỉ đứng nhìn.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt rất trăn trở rằng tai nạn giao thông đang là vấn đề nóng bỏng khi mà mỗi ngày có 30 người chết; hàng ngày gần 18.000 CSGT trong toàn quốc đang phải làm việc hết mình để giải quyết ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông chỉ với một mong muốn hạn chế tối đa thiệt hại vì tai nạn giao thông; để mỗi gia đình yên ấm, hạnh phúc, không phải chịu nỗi đau mất người thân vì tai nạn giao thông. "Nhưng chúng tôi cũng đề nghị luật pháp và thể chế phải công bằng, trong khi chúng tôi căng mình ra bảo vệ nhân dân thì cũng đề nghị nhân dân và những người có lương tri giúp chúng tôi để có cuộc sống yên bình".

Ngày 17/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo Nghị định, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp nhận hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao, hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nghị định cũng quy định trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được phép sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Nghị định quy định, việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/sukien/2014/8/83907.cand

Theo Nguyễn Thiêm/An Ninh Thế Giới

Bạn có thể quan tâm