Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng nghĩ người hướng nội coi thường người khác

Người hướng nội thường cảm thấy ngại ngùng khi trò chuyện cùng người mới quen. Họ hiếm khi là người mở lời trước, vì vậy thường bị gắn mác coi thường người khác.

Bi an huong noi anh 1

Hình minh họa. Nguồn: Freepik.

Hãy nhớ lại lần đầu tiên bạn chạm mặt một người hướng nội. Có phải họ sẽ tránh ánh mắt bạn, hay liên tục nói chuyện với một người quen để tránh phải tiếp chuyện bạn không? Thực ra, những hành vi này không nói lên tất cả về một người hướng nội: Có khi chính bản thân họ cũng không biết tại sao mình lại hành xử như vậy.

Nếu bạn tiếp xúc đủ lâu và đủ kiên nhẫn để tìm hiểu tính cách thực sự của họ, bạn sẽ nhận ra điểm khác biệt khá lớn giữa con người họ vào lần gặp đầu tiên và trong khoảng thời gian sau đó.

Viết tới đây, tôi lại nhớ mình từng quản lý một nhóm thực tập sinh chừng 10 người. Tất cả đều là sinh viên vừa ra trường hoặc chuẩn bị tốt nghiệp. Có một em gái trong số đó làm tôi nhớ đến tận bây giờ. Buổi đầu tiên tới thực tập, em phải thực hiện một nhiệm vụ cơ bản như các bạn thực tập cùng nhóm, đó là gọi điện thoại cho khách hàng.

Tôi nhớ như in suốt cả buổi em không thể cầm nổi chiếc điện thoại lên để bấm số khách hàng, chứ chưa nói tới trao đổi hay tư vấn gì với họ. Em ngồi nép trong một góc, từng biểu hiện trên gương mặt và giọng nói của em đều dễ khiến người ta phát cáu.

Bởi khi đang thực tập ở vị trí này, ít nhất em cũng phải chủ động hỏi han và tìm kiếm sự tư vấn từ những bạn khác hoặc từ tôi. Tôi còn nhớ em đã sợ run chỉ vì bị hỏi vài câu rất bình thường từ một người đồng nghiệp.

Thế nhưng, tôi vẫn rất bình tĩnh. Tôi luôn chủ động trò chuyện mỗi khi em căng thẳng hoặc trong giờ nghỉ trưa. Tôi tiếp cận em một cách từ tốn và không có bất kỳ ý định ngoài lề nào. Ở em, tôi thực sự nhìn thấy hình ảnh của chính mình vào những năm mới bắt đầu làm thêm thời đại học.

Hồi ấy, tôi cũng sợ sệt và né tránh tiếp xúc với người khác y như em bây giờ vậy. Em từng nói với tôi: “Đây là nơi đầu tiên em thực tập. Em rất muốn được học hỏi mọi thứ từ công việc mới này.”

Lúc bấy giờ, tôi mới nhận ra ẩn sâu bên trong em có nội lực rất lớn. Tôi nhận ra qua cách thể hiện, lời nói và cả ánh mắt của em. Quả thật, sau rất nhiều cố gắng, năng lực của em cũng đã tiến xa hơn so với thời điểm bắt đầu. Và đặc biệt, em là một trong những thực tập sinh ở lại lâu nhất trong nhóm thực tập sinh khi ấy.

Vậy nên, bạn không thể hiểu hết về một người chỉ trong lần gặp đầu tiên, đặc biệt là những người hướng nội với nhiều suy tư. Bạn chỉ có thể thực sự thấu hiểu một người khi sẵn sàng chậm rãi theo dõi từng biểu hiện tưởng chừng khó gần ấy. Người hướng nội không xa lánh xã hội, có chăng chỉ là họ có quá nhiều mối nghi ngờ về xung quanh và cả về chính mình mà thôi.

Có lẽ bạn sẽ nghĩ: Chẳng phải vẫn có rất nhiều người hướng nội gần như cắt đứt kết nối hoàn toàn với xã hội hay sao? Đúng vậy, tôi không thể phủ nhận điều đó. Nhưng có thật là họ muốn cắt đứt kết nối, hay đang có tâm tư gì rất khó để giãi bày?

Trái tim người hướng nội rất dễ bị tổn thương, và cũng thường bị vết thương bao phủ. Trái tim vốn dĩ có cái nhìn riêng. Và tầm nhìn của trái tim người hướng nội rất dễ bị che mờ bởi màn sương mù cảm xúc dày đặc. Họ dễ dàng ghi nhớ một mốc thời gian không mấy tươi vui, khi cảm xúc của họ bị kéo thẳng xuống hố sâu không đáy.

Tôi lại nhớ tới em trai của bà nội tôi. Vào thời điểm tôi đặt bút viết cuốn sách này, ông đã ngoài 70. Hồi còn học trung học, ông nội rất hay cho tôi “bám đuôi” trên chuyến xe buýt dọc theo những con đường tràn ngập cây và hoa. Hồi đó, tôi hay được đi cùng ông vào trong thành phố thăm chú thím.

Ông trẻ mà tôi nhắc tới phía trên cũng hay đồng hành cùng ông cháu tôi. Cứ mỗi lần đi thăm chú thím và các em, ông nội lại kêu tôi đạp xe vào trong nhà ông trẻ để mời ông đi cùng.

Dear Introvert/ Skybooks và NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY