Năm đôi tàu khách trong diện được đề nghị dừng chạy bắt đầu từ 1/1/2014 gồm có: Vinh - Đồng Hới (ký hiệu là VĐ 31/32), Đồng Hới - Huế (ĐH 41/42), Gia Lâm - Đồng Đăng (ĐĐ 3/4), Yên Viên - Hạ Long (R 157/158) và Long Biên - Quán Triều (91/92).
Theo tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đây là năm đôi tàu có hiệu quả kinh doanh thấp nhất trong tổng số 180 đôi tàu đang khai thác của ngành đường sắt. Đặc điểm chung của các đôi tàu này là cự ly vận chuyển ngắn, giá thành vận tải cao trong khi sản lượng vận tải thấp và bị cạnh tranh gay gắt bởi các phương tiện khác.
Mỗi năm ngành đường sắt phải bù lỗ xấp xỉ 100 tỉ đồng cho những tàu kinh doanh kém hiệu quả. |
Đơn cử, đôi tàu R157/158 vận chuyển hành khách từ ga Yên Viên (Hà Nội) đến ga Hạ Long. Mặc dù là đôi tàu khách duy nhất chạy trên khu đoạn Kép - Hạ Long dài 106km và trên khu đoạn Mạo Khê - Hạ Long nhưng không có hàng hoá để vận chuyển. Doanh thu bình quân vì thế chỉ đạt chưa tới 4 triệu đồng/ngày, chỉ bằng 5% so với chi phí chạy tàu.
Ngay với đôi tàu VĐ 31/32, dù được chạy trên đường sắt Bắc - Nam vừa phục vụ khách ở nơi ít bị cạnh tranh bởi phương tiện khác lại vừa phục vụ khách ở các ga mà tàu Thống Nhất không dừng đón trả khách, song doanh thu cũng rất thấp, chi phí bỏ ra gấp hơn năm lần chi phí thu về. Bình quân mỗi ngày doanh thu của đôi tàu này chỉ đạt khoảng 13 triệu đồng, bằng 17% chi phí. Trong khi đó, đôi tàu ĐH 41/42 cũng được chạy trên đường sắt Thống Nhất, nối hai trung tâm du lịch - di sản thế giới là Huế và Phong Nha Kẻ Bàng nhưng doanh thu cũng không khá hơn là bao, chỉ khoảng 14 triệu đồng, bằng 22 - 28% chi phí bỏ ra.
Theo ông Phạm Công Trịnh, Phó tổng giám đốc tổng công ty Đường sắt Việt Nam, kết quả kinh doanh trong năm 2011 mà năm đôi tàu khách này mang lại là lỗ gần 75 tỷ đồng. Và con số này của năm 2012 tiếp tục tăng thêm hơn 17 tỷ đồng nữa. Trong đó, nhiều nhất là đôi tàu Yên Viên - Hạ Long lỗ 19,5 tỷ đồng trong năm 2011 và 23,5 tỷ đồng năm 2012. Tiếp đó là đôi tàu Vinh - Đồng Hới lỗ 19,5 tỷ đồng năm 2011 và 22,6 tỷ đồng năm 2012.
Từ giữa năm 2013, để từng bước giảm dần kinh phí phải bù đắp cho các đoàn tàu này, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch hội đồng thành viên tổng công ty Đường sắt, cho biết ngành đã cố gắng giảm lỗ bằng một loạt biện pháp như tổ chức lại biểu đồ chạy tàu hợp lý, gia tăng dịch vụ và nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có, đồng thời điều chỉnh tăng giá vé nhằm tăng doanh thu nhưng vẫn đảm bảo hút thêm khách.
Tuy nhiên, mới đây, tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải phát đi văn bản tới các địa phương có các đôi tàu chạy qua, các đơn vị thành viên và bạn hàng “xin ý kiến” về “sự cần thiết phải duy trì chạy các đôi tàu này”. Thế nhưng, cũng trong văn bản “xin ý kiến” này, ngành đường sắt đồng thời thông báo kế hoạch dự kiến dừng chạy tàu, kể từ ngày 1/1/2014. “Mặc dù tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tìm nhiều biện pháp như tăng giá cước, gia tăng thêm dịch vụ, chạy tàu hợp lý… nhưng vẫn không bù đắp được khoản phí thiếu hụt của các đoàn tàu”, vì vậy, “để giảm bớt gánh nặng trong sản xuất kinh doanh”, ngành sẽ tạm ngưng chạy tàu và “mong các cơ quan, bạn hàng thông cảm”, văn bản của tổng công ty Đường sắt viết.
Cùng với việc tạm dừng năm đôi tàu khách nói trên, tổng công ty cũng thông báo dừng chạy đôi tàu chở hàng Mạo Khê - Cổ Thành, cũng từ năm 2014. Trong hai năm 2011 - 2012, ngành đường sắt cũng phải bù lỗ cho đôi tàu này hơn 18 tỷ đồng.