Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dung mạo vua Quang Trung và vua Gia Long qua ghi chép sử sách

Quang Trung là người cao lớn, tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông... Vua Gia Long cao trên trung bình, thân thể cường tráng, tướng đạo mạo, đáng kính tương xứng với tầm vóc.

nguyen hue anh 1

Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh. Ảnh: Spiderum.

Vua Quang Trung trong lịch sử là một nhân vật đặc biệt cả về sự nghiệp lẫn phương diện cá nhân nên dù chép về kẻ thù, bộ sử triều Nguyễn Đại Nam liệt truyện (phần Truyện Ngụy Tây) đã mô tả khá kỹ chân dung ngài: “Huệ tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ”.

Một bộ sách khuyết danh có tiêu đề Tây Sơn thuật lược, ra đời đầu triều Nguyễn, cũng dùng những từ mang màu sắc thần thoại để tả vua Quang Trung: “Huệ có một con mắt nhỏ nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu...”.

Trong tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí, các tác giả thuộc Ngô gia văn phái cũng miêu tả tương tự: “Quang Trung là người cao lớn, tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông. Kỳ lạ nhất là cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối, nó khiến nhiều người khi thấy đều run sợ, hãi hùng... không một người nào dám nhìn thẳng vào mắt ông”.

Chúng ta không thấy các sử quan nhà Nguyễn chép về dung mạo vua Gia Long. Nhưng trong ghi chép của một người Pháp gốc Việt từng có thời gian thường xuyên ra vào cung cấm là Michel Đức Chaigneau, ghi trong sách Souvenirs de Huế (Kỷ niệm ở Huế) xuất bản tại Pháp năm 1867, đã để lại những dòng mô tả rất chi tiết về chân dung vua Gia Long.

Michel Đức sinh năm 1803 tại Huế, là con trai của một người phụ nữ gốc Việt và Jean-Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng), người theo phò Nguyễn Ánh từ lúc còn tranh đấu với nhà Tây Sơn và sau khi thành công, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, Jean Baptiste Chaigneau đã được phong làm võ quan, chức Chưởng cơ, tước Thắng Đức hầu, làm quan trong triều đình nhà Nguyễn đến tận năm 1824 mới về Pháp. Do cha được nhà vua trọng dụng nên Michel Đức thường xuyên có cơ hội theo cha vào cung và nhiều lần gặp gỡ vua Gia Long.

Qua cuốn sách kể trên, chúng ta được biết: “Vua Gia Long da trắng, mắt sáng, chòm râu hoàn toàn bạc và dày hơn râu những người đàn ông khác trong xứ”. “Vua Gia Long cao trên trung bình, thân thể cường tráng, tướng đạo mạo, đáng kính tương xứng với tầm vóc, nét mặt đầy trang nghiêm và có sắc diện, chứng tỏ một tâm hồn cao đẹp”, ông viết tiếp.

Đặc biệt, Michel Đức còn tả kỹ rằng: “Hai bên má của nhà vua có hai hột cơm đen đều mọc râu, tạo thành hai chòm râu nhỏ hai bên, cạnh chòm râu lớn ở chính giữa nhưng không hoàn toàn pha trộn vào nhau”.

Tác giả mang 2 dòng máu Pháp - Việt này cũng cho biết vua Minh Mạng cũng có 2 nốt ruồi đúng chỗ như vậy, người ta bảo rằng đó là dấu vết riêng của nhà Nguyễn.

Tuy nhiên, qua ảnh các vị vua triều Nguyễn để lại sau này, từ các vua Đồng Khánh, Hàm Nghi, Thành Thái... chúng ta không còn nhìn thấy các vị có hai chỏm râu nhỏ hai bên như mô tả về các vị vua đầu triều Nguyễn.

Lê Tiên Long/NXB Tổng hợp

Bình luận

SÁCH HAY