Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dung mạo các vị vua triều Lê qua ghi chép sử sách

Sử sách khi viết về vua Lê Thánh Tông sử dụng hết các mỹ từ để mô tả: Vua sinh ra thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu.

Vị vua khai sáng vương triều Hậu Lê là Lê Thái Tổ được sử sách đương thời dành những lời văn bay bổng để mô tả khá kỹ từ tướng mạo đến dáng vẻ. Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép nhưng ở sách Lam Sơn thực lục còn ghi chi tiết hơn:

Lúc nhỏ, tinh thần và vẻ người coi rất mạnh mẽ, nghiêm trang; mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, mặt vuông; vai trái có 7 nốt ruồi; đi như rồng, bước như hổ, tóc, lông đầy người, tiếng vang như chuông, ngồi như hùm ngồi! Kẻ thức giả biết là bậc người cực sang! Kịp khi lớn, thông minh, khôn, khỏe, vượt hẳn bọn tầm thường.

Sử sách không tả về diện mạo vua Lê Nhân Tông, chỉ nói vua “vẻ người tuấn tú, đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang” nhưng khi viết về vua Lê Thánh Tông thì cũng sử dụng hết các mỹ từ để mô tả:

dung mao anh 1

NSƯT Hữu Châu (trái) và NSƯT Thành Lộc trong vở Vua thánh triều Lê. Ảnh: NLĐO.

Vua sinh ra thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước.

Toàn thư chép thêm một giai thoại thần bí để giải thích về một chi tiết trên gương mặt nhà vua: tục truyền rằng, thái hậu khi sắp ở cữ, nhân thư thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, Thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất.

Con trai vua Lê Thánh Tông là vua Lê Hiến Tông được tả chi tiết hơn về dung mạo “vua sinh ra, dáng vẻ thiên tử, mũi cao, mặt rồng, thần thái trang nghiêm, tươi đẹp khác thường”.

Nhưng nhà Lê sơ chỉ sau vua Lê Túc Tông đã dần đi vào suy vong bởi những vị vua bạo tàn, hoang dâm và ăn chơi như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, khiến sử sách gọi họ là “vua quỷ, vua lợn”. Điều này được ghi cả vào trong chính sử, như chuyện khi sứ nhà Minh sang gặp vua Lê Uy Mục, đã viết hai câu thơ rằng: “An Nam tứ bách vận vưu trường Thiên ý như hà giang quỷ vương?”. (Tức là: Vận nước An Nam 400 năm rất dài, Không biết lòng trời như thế nào lại giáng sinh ông vua quỷ sứ?)

Hoặc vào năm 1513, khi sứ đoàn nhà Minh gồm Chánh sứ Trạm Nhược Thủy và Phó sứ Phan Hy Tăng sang phong vương, sau khi gặp mặt vua Tương Dực, Hy Tăng đã nói với Nhược Thủy rằng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu”.

Quả nhiên, sau đó, vua Tương Dực bị Trịnh Duy Sản giết, nước ta rơi vào loạn lạc. Đến thời Lê trung hưng, dung mạo các vị vua Lê lại được tả bằng những từ rất ước lệ như vua Lê Kính Tông là “vua tướng mạo hùng vĩ”, vua Lê Huyền Tông thì “vẻ người đoan nghiêm”, chỉ có vua Lê Thần Tông được tả kỹ hơn là “sống mũi cao, mặt rồng, vẻ người thanh tú”.

Lê Tiên Long/NXB Tổng hợp

Bình luận

SÁCH HAY