Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng luỵ FDI mà bạc đãi doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp nước ngoài vào là để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam phát triển chứ không phải để "giết chết" doanh nghiệp Việt như hiện nay, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, Nhà nước đang biệt đãi các doanh nghiệp ngoại hơn là doanh nghiệp nội bằng rất nhiều chính sách hỗ trợ, miễn, giảm thuế, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Đây là một vấn đề lớn. Ban đầu, chúng ta cần nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư để đem vốn, đem công nghệ mới, mở rộng thị trường tại Việt Nam, tạo sức lan toả cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Nhưng đến nay, cần phải nhìn nhận lại, những mục tiêu kỳ vọng từ khu vực FDI mang lại cho nền kinh tế Việt Nam? Phần nào có lợi, phần nào bất lợi và doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được những gì trong làn sóng đầu tư FDI đó?

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Các cơ quan quản lý cũng cần "tính sổ" xem, giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước, bên nào tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động...? từ đó mới thấy, liệu những chính sách ưu đãi cho khu vực FDI có phù hợp không?

Tôi cho rằng, nhiều kỳ vọng của chúng ta từ khu vực FDI chưa đạt được. Nếu nói công ăn việc làm thì có lẽ, DN trong nước tạo ra nhiều hơn. Cái mà ta muốn như chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, trình độ cao chưa thấy, Việt Nam vẫn đa phần là nguồn lao động giá rẻ, trình độ thấp. Chưa kể, còn có vấn đề giả lỗ, chuyển giá phổ biến ở khu vực này.

- Không ít doanh nghiệp Việt Nam than phiền rằng họ khó cạnh tranh với FDI khi mà khu vực này luôn được các địa phương trải thảm đỏ chào đón, với những ưu đãi thuế ở mức cao nhất. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI khi mới vào Việt Nam đều được 4 năm miễn, 9 năm giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và có dự án chỉ áp dụng mức ưu đãi 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm dự án đầu tư. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần xem lại những chính sách ưu đãi như vậy.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhỏ và vừa, còn yếu, lại không được ưu đãi nhiều. Thậm chí, nhiều chính sách chẳng khác nào "bạc đãi" doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn như vấn đề tiền tệ, lãi suất, có giai đoạn, ngân hàng hoành hành, đẩy lãi suất cao khiến doanh nghiệp tiếp cận vốn vô cùng khó khăn, dẫn tới phá sản. Có thể, không cần nhiều ưu đãi nhưng ít nhất, các chính sách phải tạo điều kiện môi trường kinh doanh.

Nếu như các DN FDI được tiếp cận lãi suất chỉ 1-2% khi đầu tư vào đây, thì doanh nghiệp Việt Nam chịu 10 - 15%, làm sao mà họ cạnh tranh được, làm sao mà không bị chèn ép?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ngoài những chênh lệch về ưu đãi thuế, doanh nghiệp Việt còn chịu nhiều thứ chi phí khác như phí quan hệ, phí thủ tục hành chính không minh bạch... Nhìn vào thành tích xuất khẩu của Việt Nam, FDI đã chiếm tới 68%, phần còn lại của các doanh nghiệp Việt Nam là 32% và trong đó, họ nhập rất lớn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Chính sách ưu đãi cho FDI cần có sự chọn lọc, cái gì doanh nghiệp Việt đã làm được rồi thì không nên kêu gọi đầu tư.

Chính sách ưu đãi cho FDI cần có sự chọn lọc, cái gì doanh nghiệp Việt đã làm được rồi thì không nên kêu gọi đầu tư.

Hiện, chúng ta đàm phán ký kết nhiều hiệp định như TPP, hợp tác song phương với các nước, khu vực... nhưng không cẩn thận, tới đây, các hiệp định này sẽ chỉ có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta xuất khẩu với thuế bằng 0% ra nước ngoài, nhưng là xuất hộ cho Trung Quốc thôi. Chúng ta đã có nhiều sản phẩm để xuất khẩu tranh thủ các dòng thuế ưu đãi hay chưa, hay chủ yếu doanh nghiệp FDI có khả năng này? Hay chỉ tạo điều kiện cho họ khai thác cơ hội vì chúng ta không đủ năng lực cạnh tranh?

Ví dụ như ngành may mặc, trong khi TPP còn chưa ký, Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã nhảy vào Việt Nam làm nhà máy sợi rồi. Còn doanh nghiệp Việt Nam thì ở đâu? Có chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển?

- Theo ông, Chính phủ cần thiết lập một chính sách ưu đãi như thế nào để vừa tạo môi trường hấp dẫn FDI, vừa vẫn động viên và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển?

Khi mời gọi doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, chúng ta cần tính với họ nhiều vấn đề khác liên quan đến môi trường xã hội, vấn đề cạnh tranh. Không thể mời FDI bằng bất kỳ giá nào, trải thảm đỏ, cho mọi ưu đãi để rồi, chính FDI lại lấn át doanh nghiệp trong nước và chúng ta trở thành lệ thuộc vào họ. Điều đó là không chấp nhận được. Ngoài ra, chính sách ưu đãi cho FDI cần có sự chọn lọc, cái gì doanh nghiệp Việt đã làm được rồi thì không nên kêu gọi đầu tư.

Nếu cứ để họ vào, thì khác nào "cõng rắn cắn gà nhà". Một phần thực trạng này còn có nguyên nhân từ cơ chế phân cấp đầu tư cho địa phương triệt để. Các địa phương mắc bệnh thành tích, đều chạy đua mời FDI bằng mọi giá, xin nhiều ưu đãi lớn cho họ. Một doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam xin vài chục ha đất thì dễ, nhưng nếu là DN Việt thì khó vô cùng. Như vậy cũng cần xem lại, nếu sai thì nên sửa.

Thứ nữa, các DN FDI than phiền ta không làm được ốc vít, các sản phẩm phụ trợ. Vậy Nhà nước càng cần tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp Việt có thể đầu tư, làm ra được các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, gia nhập được chuỗi giá trị toàn cầu.

Xét cho cùng, FDI là một nguồn lực hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế, nhưng không phải là chủ đạo. Doanh nghiệp Việt mới là lực lượng chủ đạo và cần nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, thuế, đất đai... Khi doanh nghiệp trong nước lớn mạnh thì nền kinh tế quốc gia mới có thể phát triển bền vững được.

Bắt đầu có doanh nghiệp lớn phá sản

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại khi bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn đến nay phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/203016/dung-luy-fdi-ma-bac-dai-doanh-nghiep-viet.html

Theo Phạm Huyền/ Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm