Từng trải qua nhiều thăng trầm của nền kinh tế đất nước, chứng kiến sự thay đổi của tầng lớp doanh nhân, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch CLB Các doanh nghiệp dẫn đầu (LBC), cho rằng lớp doanh nhân Việt hiện đã lớn lên nhiều, có tư duy mạnh mẽ hơn và tiếng nói được trân trọng hơn.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai. |
Trao đổi với PV nhân dịp kỷ niệm thành lập Ngày doanh nhân VN, ông Trai nói:
- Không phụ thuộc vào sự đặt để của Nhà nước, cộng đồng doanh nhân hiện nay đã có những phản biện, tiếng nói và tham gia các nội dung đàm phán về hội nhập. Những phản ứng với chủ trương chính sách chưa phù hợp hoặc những hiện trạng còn bất cập về mặt vĩ mô đã được doanh nghiệp thể hiện nhiều hơn.
Trong sự phát triển chung, bản thân các doanh nghiệp cũng có những sự chuyển đổi như các công ty gia đình bắt đầu chấp nhận người ngoài vào. Tuy nhiên, sự thay đổi đang rất mạnh mẽ nhưng diễn ra không đồng bộ, vẫn có một bộ phận doanh nghiệp đứng bên lề, tâm thế chờ đợi chứ chưa chủ động.
Theo thống kê gần đây, 71% doanh nghiệp không quan tâm đến Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC) vào năm 2015, 94% không biết về những thuận lợi thương mại để tận dụng hoặc phòng chống nhằm tăng năng lực cạnh tranh khi VN tham gia hiệp định TPP và AEC. Rõ ràng có một sự báo động ở đây khi mà một bộ phận doanh nhân vẫn bàng quan, cho rằng chuyện hội nhập là của Nhà nước, của ai đó mà không phải của mình.
Chẳng hạn gần đây, câu chuyện bán lẻ đang nóng lên với sự đổ bộ ồ ạt của doanh nghiệp nước ngoài, trước khi có chính sách phù hợp từ phía Nhà nước, một số doanh nghiệp đã ngồi lại để tìm cách cứu mình, bàn phương án, tiếc là con số này không nhiều.
Tiếng nói đóng góp của doanh nhân trẻ có nhưng chưa nhiều, phần lớn manh mún và không có tính hệ thống do chưa có sự thấu hiểu bản chất của thực tế và thực dụng khác nhau như thế nào
Ông Phạm Phú Ngọc Trai
- Từng ở cương vị người đứng đầu của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông nhận xét gì về môi trường đầu tư hiện nay giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, liệu thể chế có tạo công bằng chưa?
Trách nhiệm cộng đồng
“Năm 2014, đặt trong bối cảnh đất nước với nhiều biến động đáng chú ý là sự kiện biển Đông, hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm cộng đồng.
Theo tôi, trong một chiến lược phát triển bền vững của một doanh nghiệp có nhiều tiêu chí, nhưng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng là không thể tách rời.
Trách nhiệm này thể hiện qua việc doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận, tôn trọng pháp luật, tạo ra những sản phẩm có giá trị cộng thêm cho xã hội, đóng góp, chia sẻ làm từ thiện”.
- Kể từ khi một loạt hiệp định thương mại được ký kết, tăng trưởng xuất khẩu của VN nhanh hơn nhưng tỉ trọng này chủ yếu nằm bên khối doanh nghiệp FDI, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp VN và doanh nghiệp FDI có sự cách biệt rất xa.
Sự quan ngại là có khi xét về yếu tố tài chính, công nghệ, doanh nghiệp VN đều thua hẳn người ta trong khi năng suất lao động không cao, chưa có biện pháp giữ chân người tài. Sự chuẩn bị cho hội nhập xét về phương diện chủ quan cả doanh nghiệp và Nhà nước đều chưa tốt.
Ở đây, tôi không phân biệt vì bản thân doanh nghiệp FDI đang đóng góp nhiều vào GDP cả nước. Nhưng tôi cho rằng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho doanh nghiệp trong nước hiện chưa phù hợp.
Chẳng hạn bán lẻ nước ngoài vào đông, trong khi các vấn đề về chợ - một kênh phân phối rất dân sinh, gần gũi - lại chưa được quan tâm nhiều, chính sách nào rõ ràng. Hay như công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua doanh nghiệp tự “bơi” là chính.
Nhiều lúc cảm giác tiếng kêu của doanh nghiệp FDI được “nể” hơn khi có một kiến nghị hay chính sách gì từ phía cộng đồng này. Chúng ta luôn đánh giá cao đóng góp của tổ chức kinh tế tư nhân nhưng để nói có sự quan tâm, xuyên suốt và tìm hiểu thấu đáo từ phía cơ quan chức năng đối với khó khăn của doanh nghiệp là chưa tốt. Cải cách hành chính đối với doanh nghiệp FDI rất tốt nhưng chuyện trong nước cũng cần chú ý, phải tạo điều kiện cho doanh nhân chuyên tâm làm ăn, phát triển.
Tôi có làm việc với Phòng thương mại Mỹ (AmCharm), họ rất năng động kết hợp với cộng đồng doanh nhân VN tổ chức rất nhiều hoạt động để doanh nhân tận dụng được thời cơ đến từ các hiệp định đàm phán mới, một phần kinh phí từ Chính phủ Mỹ. Có rất nhiều cơ hội để Nhà nước hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đáng tiếc là các hỗ trợ này chưa rõ ràng.
- Với vai trò tư vấn cho doanh nghiệp, ông thường nghe được những vấn đề gì mà cộng đồng doanh nhân mong muốn để phát triển mạnh hơn nữa?
- Thứ nhất là cải cách hành chính. Gần 30 năm đã trôi qua kể từ khi VN chọn con đường đổi mới, nhưng cải cách hành chính vẫn là mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp, bởi nó chính là nguyên nhân của tất cả nguyên nhân.
Thứ hai là hành lang pháp lý. Hành lang pháp lý cần phải được xây dựng theo luật, kể cả chủ trương hay chính sách, mọi thứ phải rõ ràng dễ hiểu. Một hành lang pháp lý không rõ ràng mà còn đi kèm với quan liêu, nhũng nhiễu thì tất nhiên sẽ gây ra hệ quả môi trường kinh tế hoạt động rất xấu.
Thứ ba là sự minh bạch. Tất cả mọi việc trong vấn đề quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp rất cần điều này vì nếu không, nó lại góp phần cho hai điều tôi vừa đề cập ở trên càng thêm khó khăn.
Cuối cùng là nguồn nhân lực. Với tốc độ gia tăng mạnh mẽ của nền kinh tế như một xu thế tất yếu, chúng ta lấy đâu ra người để vận hành nếu ngay bây giờ không xắn tay khởi động việc đào tạo, đầu tư và nuôi dưỡng những tài năng trẻ đang lúng túng tìm việc sau ngày tốt nghiệp?
- Thế hệ doanh nhân của ông có thể tạm cho rằng đang nhường chỗ cho một thế hệ doanh nhân trẻ đang hình thành và phát triển. Ông có thông tin gì về lớp doanh nhân trẻ ngày nay không, thưa ông?
- May mắn là tôi cũng có cơ hội gặp gỡ được không ít các bạn doanh nhân trẻ. Các bạn được đi học, đào tạo bài bản, có đam mê và cả sự dấn thân đầy bản lĩnh. Thế hệ chúng tôi cũng có những điều kiện nói trên, nhưng lại không có được nhiều tri thức như tầng lớp doanh nhân trẻ bây giờ.
Các bạn có những điều kiện hiện đại nhất để tạo được các nguồn thông tin và xử lý chúng một cách tốt nhất. Thậm chí tôi còn thấy các bạn có điều kiện phát triển tốt nhất mà không cần nghĩ nhiều đến “hạ tầng”.
Hạ tầng ở đây có thể hiểu là nền tảng sẵn có, từ địa điểm, đất đai - nếu muốn tìm nơi đặt xây nhà máy - hoặc nguồn vốn đầu tư, có thể từ gia đình mang lại. Nhưng tất cả thuận lợi (nếu có) này tôi chỉ mong các bạn đừng ngộ nhận là do các bạn tạo ra được. Mà cần phải nhớ thực tế có được ngày hôm nay từ một quá trình rất lâu dài của thế hệ trước đã đi qua và để lại.
Tôi cũng rất kỳ vọng vào thế hệ doanh nhân cha truyền con nối vì có một thực tế không thể phủ nhận: không phải gia đình doanh nhân nào con cái cũng muốn nối nghiệp cha mẹ.
Cho nên những gia đình doanh nhân như ông Lý Ngọc Minh, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, ông Trần Mộng Hùng... đào tạo được những người con biết vượt qua rào cản tâm lý, vốn dễ thấy ở số đông là thích hưởng thụ hơn là thích tự tay mình làm ra tiền, hoàn toàn là điều đáng trân trọng.
Họ, những doanh nhân trẻ kế thừa này, có thể “chết” trên thương trường, nhưng chắc chắn những cái chết của họ không phải là những cái chết từ sự thiếu hiểu biết mà ra! Trong khi thế hệ chúng tôi từng có nhiều cái chết mà chủ yếu từ sự thiếu hiểu biết của mình, như tôi đã đề cập ở trên.
Bà Đặng Thị Minh Phương (Chủ tịch Câu lạc bộ CEO TP.HCM). |
Ổn định việc làm là việc thiện lớn
Trong thời điểm hiện nay, niềm tin là động lực lớn nhất cho doanh nhân để họ duy trì, tồn tại và vượt qua khó khăn để giữ công ăn việc làm cho người lao động.
Để có được niềm tin cần sự quan tâm rất lớn của Chính phủ. Đồng thời các cơ quan chính quyền trực tiếp cần tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động như các chính sách về thuế, hải quan cũng như các chính sách về phí, lệ phí để giảm được giá thành đầu vào.
Về phía tầng lớp doanh nhân phải giữ vững niềm tin và trong mọi thời điểm, doanh nhân ngoài nhắm đến lợi nhuận cần quan tâm đến lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia dân tộc. Ngoài tạo ra công ăn việc làm, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình thì cũng phải tạo được lợi ích chung cho xã hội.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. |
Tổng thống Mỹ tạo cảm hứng cho doanh nhân Việt Nam
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của VN, theo tôi, cần hướng tới hai mục tiêu tận dụng tốt nhất các cơ hội phát triển và qua sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vừa qua, cần bảo đảm sự tự chủ, không lệ thuộc của nền kinh tế VN trong quá trình hội nhập.
Đạt được hai mục tiêu trên, cộng đồng doanh nhân đề nghị cần xây dựng cơ chế để tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp, có đầu mối cụ thể cung cấp các thông tin cơ bản, cập nhật về tất cả nội dung liên quan tới các FTA, tránh trường hợp doanh nghiệp không biết tiếp cận cơ quan nào để biết một cam kết có ý nghĩa gì, thực hiện như thế nào...
Câu chuyện Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu năm nay đã tự tay chọn mua tặng phu nhân chiếc áo khoác thể thao “made in Việt Nam” tại một cửa hàng trên đất Mỹ, theo tôi, là một cảm hứng cho các doanh nhân. Nếu mỗi doanh nhân Việt đều có trách nhiệm với thương hiệu thiêng liêng “made in Việt Nam” thì hàng VN, sức mạnh VN sẽ không chỉ dừng lại như hiện nay.
Hãy làm cho “made in Việt Nam” có được niềm tin với thế giới như người Nhật đã làm nên thương hiệu “made in Japan”. Nước Nhật đã thua trong chiến tranh nhưng chiến thắng trong thời bình.
Chúng ta đã đi qua thời kỳ bong bóng, ồn ào; mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy định vị lại mình, cẩn trọng từ những việc làm nhỏ nhất, không nên chạy theo hư danh, giá trị ảo mà thiết thực hơn để đưa thương hiệu “made in Việt Nam” mạnh mẽ và uy tín trên toàn cầu.