Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm vận Huawei, một chiến dịch mang tên "Tẩy chay Apple" xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc.
Trên Weibo, nhiều người dùng Trung Quốc đặt câu hỏi tại sao phải sử dụng iPhone trong khi điện thoại Huawei có các chức năng tương tự. Một số người khác cho biết rất khó chịu khi chứng kiến chiến tranh thương mại leo thang và sẽ từ bỏ iPhone, chuyển sang dùng Huawei.
Báo South China Morning Post dẫn lời Sam Li, một nhân viên một công ty viễn thông nhà nước ở Bắc Kinh, cho biết anh ta đã bỏ iPhone, dùng điện thoại Huawei. Anh này giải thích: “Thật xấu hổ khi rút chiếc iPhone từ trong túi vào lúc này, khi tất cả các lãnh đạo công ty đều sử dụng Huawei”.
Người dùng trải nghiệm sản phẩm trong một Apple Store tại Trung Quốc. Ảnh: 9to5mac. |
Trong khi đó, chủ một startup thương mại điện tử kêu gọi trên WeChat: “Hãy chuyển sang Huawei! Tôi ghét những kẻ đạo đức giả kia. Thời đại của 5G đã đến. Huawei có nhiều công nghệ tiên tiến hơn so với Apple”, doanh nhân này nhấn mạnh.
Mỗi lời kêu gọi tẩy chay Apple và sử dụng điện thoại Huawei nhận được hàng chục nghìn lượt "thích" trên Weibo. Theo SCMP, "tinh thần dân tộc" và chống Mỹ chính là thứ kích động làn sóng tẩy chay Apple tại Trung Quốc.
Theo CNBC, nếu chính quyền Trung Quốc trả đũa thương mại Mỹ bằng chiêu cấm các sản phẩm Apple thì "Táo khuyết" sẽ tổn thất nghiêm trọng.
Một nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs ước tính doanh thu của Apple trong thời gian tới có thể lao dốc tới 29% nếu các sản phẩm của hãng bị cấm cửa hoàn toàn tại thị trường Trung Quốc.
Trong quý tài chính thứ hai của năm 2019, mảng kinh doanh của Apple tại Trung Quốc đạt 10,22 tỷ USD, chiếm 17% tổng doanh số của hãng.
Tuy nhiên, chuyên gia Goldman Sachs cảnh báo "hệ sinh thái công nghệ" của Trung Quốc có thể tổn thương nếu Apple bị cấm cửa. Đời sống của hàng chục nghìn lao động cũng sẽ rơi vào khó khăn bởi phần lớn dây chuyền sản xuất của Apple đang đặt tại Trung Quốc.
Năm ngoái, Huawei xuất xưởng 206 triệu điện thoại thông minh, bao gồm 105 triệu chiếc tại Trung Quốc, chiếm 24,6% thị phần nội địa. Trong khi dó, thị phần của Apple tại Trung Quốc chỉ là 9,1%.
Trong quý tài chính đầu tiên của năm 2019, thị phần của Apple giảm xuống còn 7%. Ngược lại, thị phần của Huawei tăng lên gần 30%.
Tim Cook phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc vào năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, IDC cho rằng Apple vẫn có sức hút tại thị trường đông dân nhất thế giới. “Apple là một thương hiệu xa xỉ. Sẽ có những người theo chủ nghĩa dân tộc nói không với các sản phẩm Mỹ, nhưng nhiều khách hàng khác không quan trọng điều đó", ông Bryan Ma, phó chủ tịch IDC, nhận định.
Bằng chứng rõ nhất cho sự hấp dẫn của Apple tại Trung Quốc là mới đây, một nhà ngoại giao Trung Quốc lên tiếng chê bai công ty trên Twitter, nhưng lại sử dụng iPhone để đăng tải thông điệp này.
Bản thân người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cũng mới lên tiếng ca ngợi hệ sinh thái của Apple. "Khi gia đình tôi ở nước ngoài, tôi vẫn mua iPhone cho họ", ông Nhậm nói.