Nokia đã chính thức xác nhận sẽ trở lại thị trường smartphone vào năm 2017. Tin này tạo niềm hân hoan cho người dùng lẫn giới công nghệ, một mặt, Nokia là một huyền thoại đã từng được xác tín bởi lịch sử. Mặt khác, thêm một ông lớn chen chân vào thị trường, đồng nghĩa sức cạnh tranh tăng lên, và người dùng sẽ được lợi khi các nhà sản xuất đua chen tăng cường chất lượng sản phẩm.
Tuy vậy, con đường trở lại đỉnh vinh quang của Nokia sẽ là một cuộc thập tự chinh đầy giông gió, bởi trong vòng 4 năm rời bỏ cuộc chơi, làng công nghệ đã quá nhiều thay đổi. Ánh hào quang năm nào khó lòng soi rọi họ đến với vòng nguyệt quế cuối cùng.
Lợi thế của Nokia có tồn tại?
Nhắc đến Nokia là nhắc đến hai chữ "huyền thoại". Họ là cái tên đã sắt son trong lòng người dùng thế giới, từng thống lĩnh thị trường với 41 triệu sản phẩm bán ra mỗi năm, lợi nhuận tăng 75% mỗi năm vào thời điểm cuối thế kỷ 20.
Nhưng đó là những ngày đầu của thế giới di động. Chưa đầy thập kỷ sau, người dùng đã chứng kiến sự lụn bại của thương hiệu smartphone Nokia, từ dòng Lumia cao cấp, đến "đứa con lai" Nokia X, và cả những người kế nhiệm dưới bóng Microsoft sau này.
Vlad Savov từ The Verge vẫn còn nhắc lại câu chuyện của Lumia 920, "smartphone tân tiến nhất" của năm 2012 với tất cả thiết kế, công nghệ hàng đầu thời điểm đó. Nhưng như Vlad kết luận, Windows Phone OS đã giết chết 920, khi khả năng cạnh tranh của hệ điều hành này gần như là không có.
Nokia từng chết một lần, kể cả với sản phẩm rất tốt. Ảnh: Duy Tín. |
Nokia dường như nhận ra điều đó, khi họ chuyển qua Android cho lần trở về. Tuy vậy, kinh nghiệm của họ ở Android là gần như bằng 0.
Thời thế cũng đã thay đổi, uy tín của Nokia được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn cao cấp, sự nổi loạn trong thiết kế bề ngoài (hãy nhớ đến N-Gage hay "thỏi son" 7280), và một lần nữa, uy tín này trở nên "không liên quan" trong làng di động hiện tại.
Lần trở lại này, lá cờ Nokia được phất trong tay HMD Global, chính xác hơn là FIH Mobile - một nhánh của Foxconn đã giành được quyền sử dụng thương hiệu Nokia.
Những nhà thiết kế, kỹ sư tinh hoa của Nokia trước đây giờ đã đầu quân cho Microsoft hoặc tứ tán khắp nơi. Tương tự với hệ thống cơ sở vật chất, Nokia đã chậm 3 năm so với các đối thủ.
Trong 3 năm qua, Samsung, Apple, hay thậm chí các tên tuổi mới từ Trung Quốc đã kịp xây dựng chuỗi cung ứng, lắp ráp và phân phối trên toàn thế giới. Trong khi đó, Nokia chưa hề hé lộ thông tin về vấn đề này.
Nói cách khác, những hào quang trong quá khứ của Nokia đã không còn ý nghĩa ở thị trường hiện tại.
Có còn 'bền như Nokia'?
Nokia sẽ mang gì đến bàn tiệc smartphone đang ngày càng thừa mứa? Không ai mong chờ một thiết bị từ Trung Quốc với logo Nokia, chìm lẫn trong hằng sa số sản phẩm khác, đó là điều chắc chắn.
Nhưng đó chính xác là những gì Nokia được cho đang mang đến, những tin đồn gần đây nhất cho thấy cả 3 thiết bị gồm Nokia Pixel, Nokia Ara và C2-00 PureView đều chỉ là các thiết bị tầm trung, và không thực sự đột phá.
Thiết bị cao cấp, Nokia D1C cũng rò rỉ những thông số ấn tượng, nhưng hoàn toàn đạt được với các thiết bị Trung Quốc.
Họ không có những tính năng, công nghệ đặc biệt để nhận diện sản phẩm. Họ thậm chí không thể hiện những tính năng mang mục đích quảng cáo (như camera kép với Huawei, hay màn hình cong với Samsung). Với vị thế hiện tại, khó tin Nokia đang có một "con bài tẩy" chưa từng công bố.
Đây có xứng đáng là thiết kế của một huyền thoại? Ảnh: Android Central. |
Nói cách khác, nhìn từ hiện tại, câu chuyện của Nokia đang giống với BlackBerry, cả hai đều có những thiết kế đặc trưng, một hệ điều hành đặc trưng, và giờ đều tiến vào Android với thiết kế, cấu hình không quá nổi bật.
Liệu Nokia có chìm nghỉm giữa hàng trăm thiết bị khác hay không?
Sân chơi nào cho Nokia?
Bàn tiệc đã chật cho smartphone, dù thực khách tiếp theo có là vị cựu vương đáng kính. Thị trường smartphone gần như không tăng trưởng từ quý 2/2015 cho đến nay, với mức chỉ 0,3% trong suốt 1 năm.
Nokia sẽ ngồi vào chiếc ghế nào? Apple đang chiếm hết 91% lợi nhuận ngành di động, Samsung nuốt trọn phần còn lại, thậm chí ăn vào tiền vốn các hãng khác. Các ông lớn khác đều đang thoi thóp với chỉ 2 - 3% lợi nhuận dù ra sản phẩm đều đặn. Nokia liệu có đủ sức tranh giành với các ông lớn kia, nhất là trong bối cảnh Apple lẫn Samsung sẽ tung ra những sản phẩm chiến lược trong năm 2017?
Còn ở phân khúc tầm trung, nơi Nokia dường như cũng đang ngấp nghé? Huawei, Oppo và hàng loạt tên tuổi Trung Quốc khác đang vượt lên và cạnh tranh nhau quyết liệt, đe dọa đến cả những ông lớn Sony, LG. Thậm chí, Xiaomi đang bán hàng không lợi nhuận.
Về doanh thu, có thể thấy Nokia không dễ gì bỗng nhiên cướp được miếng bánh lớn, dù ở phân khúc nào, ít nhất với những thông tin hiện tại.
Hoặc Nokia sẽ đi theo con đường của các hãng di động mới nổi, đánh vào nhóm người dùng phổ thông chuyển lên smartphone, vốn đông đảo và đầy yêu thích thương hiệu Nokia. Sau đó, họ tung ra các phiên bản cao cấp khi nhóm này đã "giàu lên", 1-2 năm sau đó.
Chiến lược đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh chói lòa của Nokia. Người ta không mong chờ nhà vua trở về với một thiết bị tầm trung, và càng không muốn một thất bại trên khúc cao cấp.
Nokia là một huyền thoại, không ai phủ nhận điều đó vào thời điểm này. Nhưng sau ngày trở về trong năm 2017, có lẽ câu nói trên sẽ không còn đúng hoàn toàn.