Chiều 22/11, với trên 92% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ngay sau đó, Chính phủ đã tổ chức họp báo chuyên đề về nội dung này.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (dự án) được xem xét kỹ lưỡng, căn cứ trên cơ sở pháp luật.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho dự án đều là công nghệ tiên tiến nhất và có mức độ an toàn rất cao.
"Việc dừng thực hiện dự án không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay", Người phát ngôn Chính phủ nói.
Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư (năm 2009), dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới.
"Mặt khác, nước ta đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay.
Tiếp tục phát triển hợp lý các nguồn năng lượng thay thế
Ông Mai Tiến Dũng thông tin việc dừng thực hiện dự án không làm ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện do có thể bổ sung các loại hình nguồn điện khác trong hệ thống như các nguồn điện than, nguồn điện năng lượng tái tạo, nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Bên cạnh đó, Chỉnh phủ cũng xem xét biện pháp tăng cường mua điện từ các nước láng giềng, nhất là từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Năng lượng mới. |
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Chính phủ xem xét đầu tư thay thế nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và các nhà máy tua bin khí sử dụng LNG nhập khẩu với tổng công suất khoảng 6.000 MW.
"Các dự án này đảm bảo thay thế sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, giai đoạn sau 2030, Việt Nam tiếp tục phát triển hợp lý các nguồn điện than và LNG nhập khẩu, xem xét đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Đối với các cơ sở hạ tầng đã đầu tư, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm sử dụng tối đa, có hiệu quả đối với các cơ sở hạ tầng đã đầu tư thuộc phạm vi dự án để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay dù đối tác Nga và Nhật Bản đều bày tỏ sự đáng tiếc song về mặt cơ bản họ đều bày tỏ sự cảm thông và tôn trọng quyết định của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đánh giá cao và cảm ơn sâu sắc thiện chí, sự hỗ trợ của Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản.
Ông Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ tiếp tục quan tâm đến việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận, có giải pháp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư tại tỉnh này khi dừng dự án.
Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư năm 2009, dự kiến gồm 2 nhà máy. Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000 MW.
Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thời gian lập dự án đầu tư kéo dài thêm khoảng hai năm và tiến độ tổng thể cũng phải điều chỉnh so với dự kiến ban đầu.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng việc dừng dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là bất khả kháng, do bối cảnh khó khăn kinh tế chung của quốc tế và trong nước.