Bài viết là quan điểm của biên tập viên Andrew Martonik, trang tin Android Central.
Từ khi ra mắt đến nay, một trong những thay đổi hầu như không mấy ai nhắc đến trên Galaxy Note10/Note10+ chính là cổng tai nghe 3,5 mm đã không còn nữa. Trên các mặt báo, diễn đàn, mạng xã hội... thông tin hay bài thảo luận về việc Samsung bỏ cổng tai nghe trên Note10 xuất hiện rất ít.
Dường như tin đồn về Note10 bỏ cổng tai nghe đã xuất hiện từ trước nên chúng ta không còn bất ngờ, hoặc có một khả năng khác: Không nhiều người quan tâm đến cổng tai nghe trên smartphone nữa.
Galaxy Note10/Note10+ là dòng smartphone cao cấp phổ thông đầu tiên của Samsung loại bỏ cổng tai nghe 3,5 mm. Ảnh: Duy Tín. |
Chắc chắn nhiều người đã quen với cổng tai nghe trên điện thoại. Từ trước đến nay, nó vẫn xuất hiện mà chẳng ảnh hưởng gì đến chúng ta. Nó vẫn hữu ích, phổ biến. Cổng 3,5 mm vẫn là tùy chọn đơn giản nhất khi cần xuất âm thanh ra loa ngoài, tai nghe hay bất cứ thiết bị phát nhạc nào.
Với người dùng chuyên nghiệp như YouTuber, nhà sản xuất âm nhạc... cổng tai nghe vẫn đóng vai trò quan trọng. Khi quay phim, họ cần cắm micro để thu âm tốt hơn. Khi biên tập, họ cần tai nghe có dây chất lượng cao để nghe rõ những gì phát ra trong video. Với nhiều người, tai nghe có dây vẫn cho chất lượng âm thanh tốt hơn tai nghe không dây.
Rõ ràng cổng tai nghe vẫn đóng vai trò quan trọng với một số ứng dụng nhất định. Tuy nhiên khi càng nhiều hãng smartphone bỏ cổng tai nghe, tôi tự hỏi rằng còn ai quan tâm đến nó không, họ có đủ đông để yêu cầu nhà sản xuất mang lại cổng tai nghe không.
Tôi cho rằng sẽ không có ai không mua Note10 chỉ vì nó không có cổng tai nghe. Nó cũng chẳng đủ quan trọng để người ta bàn tán đến.
Khi mua điện thoại mới, có ai quan tâm đến cổng tai nghe đầu tiên không? Rõ ràng không thể xếp cổng tai nghe ngang hàng với những tiêu chí như màn hình, camera, phần mềm, thiết kế, dung lượng pin, giá bán...
Có nhiều lý do để bạn thực sự quên đi cổng tai nghe và chuyển sang không dây. Tai nghe Bluetooth, dù rẻ hay đắt, vẫn rất tiện. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp loa Bluetooth tại các bữa tiệc nướng, tiệc sinh nhật... Nhiều mẫu xe hơi trong 10 năm qua đã tích hợp kết nối Bluetooth vào hệ thống loa, tương tự dành cho các hệ thống giải trí gia đình.
Tai nghe Bluetooth ngày càng rẻ, và sẽ là lựa chọn thay thế hoàn hảo khi smartphone không còn cổng tai nghe. Ảnh: Lê Trọng. |
Tất nhiên Bluetooth không hoàn hảo khi vẫn còn nhiều lo lắng về bảo mật thông tin, nhưng độ phổ biến của nó hiện nay không thua kém cổng tai nghe là bao.
Còn nhược điểm của kết nối có dây là gì? Dễ bị vướng, rối nếu không giữ kỹ, và cổng tai nghe hay sợi dây có thể gặp vấn đề sau một thời gian sử dụng.
Đương nhiên, bạn vẫn có lựa chọn trong trường hợp bắt buộc sử dụng cổng tai nghe, đó là adapter chuyển từ USB-C sang cổng tai nghe.
Nếu vẫn đang phàn nàn khi nhiều smartphone hiện nay bỏ đi cổng tai nghe, có lẽ bạn nên dừng lại bởi dù có nói gì, nó sẽ... không bao giờ quay lại, cũng giống pin tháo rời hay nút Home vật lý mà thôi.
Trừ khi tất cả người dùng chỉ mua điện thoại khi nó có cổng tai nghe, không có lý do gì để các hãng giữ, chứ đừng nói là mang trở lại cổng tai nghe khi đã loại bỏ cả. Ngay cả Samsung, nhà sản xuất được xem là kiên trì giữ cổng 3,5 mm trên smartphone, cũng đã "buông xuôi".
Có thể nhiều bạn sẽ hụt hẫng, nhưng hãy chấp nhận sự thật. Cổng tai nghe trên smartphone sẽ sớm biến mất, và không còn cách nào khác ngoài... quen với điều đó đi.