Suốt nhiều năm liền, mối quan hệ giữa Apple và Trung Quốc luôn là hình mẫu điển hình về cộng sinh trong kinh doanh. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ “béo bở” với lượng lớn người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền mạnh tay cho các sản phẩm của hãng.
Đồng thời, đây cũng là quốc gia duy nhất có khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu khổng lồ của tập đoàn nhờ chuỗi cung ứng tinh vi. Màn hợp tác này đã đóng góp không nhỏ cho tham vọng toàn cầu của cố CEO Steve Jobs và giờ là Tim Cook.
Song, thế kìm kẹp này với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần suy yếu. Thách thức của gã khổng lồ Cupertino tại đại lục có vẻ khó vượt qua. Giữa năm 2024, Apple đã rơi khỏi top 5 hãng smartphone lớn nhất tại Trung Quốc, chỉ chiếm 14% thị phần và đứng ở vị trí thứ 6. Đứng trước tập đoàn Mỹ là những cái tên quen thuộc: Vivo, Oppo, Honor, Xiaomi và đương nhiên có cả Huawei.
Nhiều người nhanh chóng quy kết sự tụt dốc này cho tình hình căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung. Tuy nhiên, theo Howard Yu, giáo sư Quản lý và Đổi mới tại Trường Kinh doanh IMD, Thụy Sĩ, việc khẳng định rằng người tiêu dùng Trung Quốc chỉ mua sản phẩm nội địa vì lòng tự hào dân tộc là quá đơn giản và khó thuyết phục.
Nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở chính các sản phẩm gần đây của Apple. Cụ thể là màn ra mắt không mấy ấn tượng của iPhone 16.
Màn ra mắt iPhone 16 nhàm chán
Từng có thời điểm, mỗi lần iPhone ra mắt đều là một sự kiện toàn cầu. Những hàng dài người hâm mộ xếp hàng bên ngoài Apple Store là cảnh tượng quen thuộc tại các thành phố lớn như New York và Thượng Hải.
Nhưng vào năm 2024, sự kiện giới thiệu iPhone 16 “mang lại cảm giác quen thuộc đến nhàm chán, như một bản nhạc cũ lặp đi lặp lại”, trích lời giáo sư Yu.
Người đứng chờ mua iPhone 16 tại Apple Store Orchard, Singapore. Ảnh: Brian Teo. |
Thế hệ iPhone mới nhất chỉ mang đến những nâng cấp nhỏ như chip A18 nhanh hơn, màn hình lớn hơn một chút, viền mỏng hơn và nút Camera Control ở cạnh bên. Mặc dù những cải tiến này đều có giá trị về mặt kỹ thuật, chúng thiếu đi sự đột phá người dùng mong đợi.
Phản ứng từ phía nhà đầu tư phản ánh rõ sự thờ ơ của người tiêu dùng. Cổ phiếu của Apple đã giảm 3% sau khi có tin tức lượng đặt trước iPhone 16 Pro/Pro Max thấp hơn so với các phiên bản tiền nhiệm.
Thậm chí, gã khổng lồ Cupertino đã phải giảm giá iPhone 16 tại các thị trường như Australia và Ấn Độ, như thể hãng đã dự đoán trước tình trạng nhu cầu sụt giảm.
Nhưng theo giáo sư tại Trường Kinh doanh IMD, không phải mọi thứ đều u ám. Nếu những cải tiến về phần cứng không đủ để thuyết phục người dùng chi thêm tiền, Táo khuyết vẫn còn một “phao cứu sinh” khác: Apple Intelligence.
AI khó “cứu” Apple tại Trung Quốc
Những chatbot AI như ChatGPT và Gemini mang lại hàng loạt tiện ích như nhắc nhở bố mẹ đón con, theo dõi giấc ngủ hay tính toán lượng thức ăn tiêu thụ. Tim Cook đã nhìn thấy cơ hội từ những công nghệ này. Vì thế, Táo khuyết đang chuẩn bị tích hợp các khả năng AI này vào một thiết bị duy nhất để mang lại trải nghiệm người dùng liền mạch.
Apple Intelligence sẽ tận dụng thế kiểm soát của Apple đối với phần cứng và phần mềm để tạo ra một trải nghiệm đồng nhất và tập trung vào quyền riêng tư của người dùng. Vấn đề ở đây là gã khổng lồ không thể xây dựng một mô hình AI đa dụng ngay từ đầu. Ngay cả Copilot của Microsoft cũng phải sử dụng công nghệ ChatGPT. Vì thế, Apple khó lòng bắt kịp về mặt nghiên cứu.
iPhone 16 là thiét bị đầu tiên của Apple được thiết kế "ngay từ đầu" cho AI. Ảnh: Brian Teo. |
Thay vào đó, hãng sẽ tích hợp công nghệ của OpenAI vào Siri và các công cụ viết mặc định như văn bản, email, tìm kiếm... Điều này có nghĩa là người dùng không cần gửi truy vấn lên đám mây. Tất cả chức năng AI sẽ được xử lý trực tiếp trên thiết bị nhằm bảo vệ dữ liệu và tăng tốc độ phản hồi.
Nhờ đó, Siri sẽ thông minh và có thể đối thoại tự nhiên hơn, nhận ra ý định của người dùng, mà không hiển thị quảng cáo từ Facebook hay Google. Đây là một bước đột phá lớn và sẽ tạo ra sự khác biệt.
Song, tấm vé AI này vẫn không thể cứu Apple tại Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh chưa cho phép các dịch vụ AI nước ngoài như ChatGPT hoạt động. Tất nhiên, tập đoàn Mỹ có thể hợp tác với Baidu để tích hợp các mô hình ngôn ngữ lớn nội địa, nhưng những mô hình này vẫn chưa thể so sánh với OpenAI về độ tinh vi, giáo sư Yu nhận định.
Công nghệ Mỹ-Trung ngày càng xa cách
Như vậy, tình thế của Apple tại Trung Quốc lại quay về điểm xuất phát. Không có công cụ AI phù hợp để tích hợp vào thị trường Trung Quốc sẽ làm suy yếu vị thế của hãng.
Tình hình càng thêm khó khăn khi các thương hiệu như Huawei, Oppo và Vivo tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ. Huawei Mate XT đã khiến cả thế giới chú ý với thiết kế màn hình gập 3 siêu mỏng. Khi mở ra, nó có kích thước gần bằng một chiếc iPad mini.
Mate XT có giá 2.800 USD tại Trung Quốc hoặc cao hơn nếu xuất khẩu sang thị trường khác. Ảnh: Bloomberg. |
Giá không hề rẻ, nhưng người tiêu dùng Trung Quốc lại yêu thích sản phẩm này. Với mức giá lên đến 2.800 USD, Mate XT đã thu hút hơn 3 triệu đơn đặt hàng chỉ trong vài ngày.
Tuy nhiên, thành công của Huawei không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Apple gặp khó khăn. Các thương hiệu như Oppo và Vivo đã không ngừng cải thiện về độ tin cậy, hiệu suất và tính năng phần cứng, từng bước rút ngắn khoảng cách với gã khổng lồ Cupertino.
Công nghệ Mỹ và Trung Quốc ngày càng tách rời nhau. “Apple vẫn sẽ tiếp tục thống trị tại thị trường phương Tây. Nhưng với Trung Quốc, sân chơi giờ đây thuộc về Huawei và các đối thủ nội địa khác”, giáo sư Yu cho biết.
Dù mối quan hệ giữa Apple và Trung Quốc có bền chặt đến đâu, sự trỗi dậy của các thương hiệu nội địa cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tại quốc gia này sẽ khiến tập đoàn mất dần sức ảnh hưởng.
Ngay cả Tim Cook cũng khó có thể đảo ngược xu thế này, giáo sư Yu kết luận.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn