Không chỉ các đô thị vùng đồng bằng thấp bị ngập úng mà cả những thành phố vùng cao cũng không tránh khỏi như Đà Lạt, Sơn La, Bắc Kạn... Trong bối cảnh đó, không ít người liền quay sang... đổ tội cho ông trời làm biến đổi khí hậu.
Thật ra, hiện tượng biến đổi khí hậu là có và trong thực tế đã tạo ra những trận mưa lớn bất thường, chu kỳ xuất hiện lại các trận mưa lớn cũng thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, việc ngập úng ở đô thị còn nhiều nguyên nhân khác. Đó chính là tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra quá nhanh mà thiếu tầm nhìn của những nhà quy hoạch, chỉnh trang và quản lý đô thị.
Nhiều khu phố sầm uất và đông dân cư chỉ một vài năm đã hình thành, không gian đô thị mở rộng nhanh chóng như mạch dầu loang theo làn sóng di dân khó kiểm soát từ các vùng nông thôn đổ vào.
Trong khi đó, nhiều công trình xây dựng lại không theo một quy chuẩn nào, trên tổng thể mặt bằng các công trình nền cao thấp kiểu nhấp nhô theo ý chủ nhân khiến việc thu gom nước chảy về nơi trũng gặp quá nhiều chướng ngại.
Mặt khác, đất tự nhiên dần dần bị bêtông hoặc nhựa hóa toàn bộ làm khả năng thấm rút tự nhiên xuống tầng đất bị cản trở, các vùng đất trũng, sông rạch bị san lấp vô lối khiến không gian trữ nước không còn nữa.
Bên cạnh đó, ý thức cộng đồng và môi trường của nhiều cư dân cũng đáng báo động, lắm người vô tư xả rác và muôn vàn chất thải khác xuống các hố ga, cống rãnh, mương thoát nước, trong khi khả năng duy trì việc nạo vét hệ thống thoát nước trong thành phố còn hạn chế.
Một nguyên nhân nữa là hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang trong quá trình chìm xuống dần dần. Quá trình lún sụt địa chất cũng không đồng đều tùy theo cấu trúc đất nền và tải trọng các công trình đô thị chất lên nó, điều này làm cho các ống cống thoát nước gãy sụt, lồi lõm.
Lún sụt cũng là hệ quả của việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên nước ngầm cho dân sinh và sản xuất, khiến cao độ lớp nước trữ dưới đất hạ thấp nhanh chóng gây hiện tượng sụt lún đô thị rất nghiêm trọng.
Căn bệnh ngập úng này ngày càng khó chữa trị nếu như không có những giải pháp tổng hợp và đồng bộ từ chính quyền đô thị và sự tham mưu của các nhà khoa học. Quan trọng nhất là việc quy hoạch phát triển và chỉnh trang đô thị phải có tầm nhìn xa, có lồng ghép các yếu tố biến động tự nhiên và xã hội.
Quy hoạch đô thị nên chừa diện tích cần thiết, các không gian chảy và chứa nước ở các khu đất ngập nước tự nhiên hoặc nhân tạo, đầu tư các công trình kiểm soát và điều tiết nước mưa, nước thải, nước triều, giải pháp giãn dân, hạn chế mật độ xây dựng công trình.
Song song đó, các biện pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên phải đi cùng với những chế tài từ các quy định nghiêm ngặt như một sự thay đổi dần các thói quen, xa hơn nữa là thay đổi một tập quán và văn hóa cộng đồng trong bối cảnh không gian đô thị.
Biến đổi khí hậu, suy cho cùng cũng là một hệ quả của tiến trình phá hoại tài sản thiên nhiên của con người, sẽ ngày càng trở nên rõ rệt và khắc nghiệt hơn.
Tuy nhiên, đổ mọi yếu kém trong kiểm soát ngập úng cho biến đổi khí hậu cũng là một sự tắc trách đáng phê phán không thua gì việc một ai đó vô ý thức xả rác bừa bãi vào hệ thống thoát nước chung của toàn thành phố.
TS Lê Anh Tuấn (Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ)