Chiều 16/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri ghi nhận những kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.
Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời.
Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp; tiếp tục chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển và thi chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc kiêm Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, tình trạng “cát tặc”, phá rừng diễn ra nghiêm trọng và kéo dài.
Nạn khai thác cát làm sạt lở bờ sông và sẽ còn tiếp tục gây sạt lở, báo chí phản ánh rất nhiều nhưng nhiều chủ tịch tỉnh, thành phố chưa thực sự lên tiếng nên cần nhấn mạnh trong báo cáo lần này.
“Đề nghị chủ tịch tỉnh, thành phố phải có tuyên bố chung và chương trình hành động cụ thể đối với tình trạng khai thác cát trái phép, phá rừng trên địa bàn quản lý để mặt trận, báo chí và nhân dân giám sát, coi đây là tiêu chí cụ thể để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của mỗi đồng chí”, ông Mẫn nói.
Cũng trong chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay qua hơn 2.000 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết hơn 3.300 kiến nghị của cử tri.
Góp ý vào báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban An ninh - Quốc phòng Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, thực tế các ý kiến liên quan đến Trung ương (chiếm khoảng 20%) thì cơ bản làm bài bản, trách nhiệm. Tuy vậy, cấp tỉnh, huyện, xã còn bao nhiêu vấn đề bức xúc, nhất là về an sinh xã hội.
“Đối với cấp Trung ương thì không có vấn đề gì lớn, nhưng bức xúc nhiều là ở địa phương với những vụ việc cụ thể. Tôi lo đơn thư đi lòng vòng vì có tình trạng việc xảy ra ở xã không giải quyết, huyện thì đưa lên tỉnh và rồi lại để xã giải quyết nhưng xã có giải quyết đâu!”, ông Việt khẳng định.
Theo ông Võ Trọng Việt, những kiến nghị cử tri lặp đi lặp lạivề vấn đề lớn cần đề xuất Ban Dân nguyện tập hợp, nhất là vấn đề ở tầm quốc gia để tăng cường giám sát thì đảm bảo khi báo cáo trước cử tri cả nước nhân dân sẽ đồng tình.
“Đừng để kiến nghị của người phải chạy vòng vo, đừng làm đẹp nhau.Tôi nói thật, làm như thế dân khổ lắm”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nói.