Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả John Naughton, The Guardian.
Đầu tháng 7, Anne Borden King đăng tải trên Facebook cá nhân về việc cô đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Kể từ đó, "Facebook của tôi liên tục xuất hiện quảng cáo về các dịch vụ chăm sóc ung thư", King kể lại.
Các quảng cáo lần đầu tiên xuất hiện trên Facebook của King như thuốc trị ung thư, các loại hạt ngăn ngừa ung thư đến các liệu pháp điều trị ung thư không gây độc hại.
King là thành viên của tổ chức giám sát khoa học Bad Science Watch, và là đồng sáng lập của chương trình Chống sự tự kỷ giả mạo. Với kiến thức của mình, cô dễ dàng nhận ra các chỉ số, các lời nói trong quảng cáo trên Facebook là sai sự thật, một số phương pháp điều trị còn nguy hiểm và phản khoa học.
Facebook có hồ sơ riêng của mỗi người dùng
"Khi tôi thấy mẫu quảng cáo trị ung thư, tôi biết mình đã bị Facebook phát hiện và sắp sếp vào nhóm đối tượng sẽ bị những quảng cáo tương tự tiếp cận", King chia sẻ.
Facebook đã sắp xếp King vào danh sách người đang điều trị ung thư, hay một cá nhân đang nghiên cứu về ung thư, hoặc là cả 2 trường hợp. Các thuật toán ghi lại mọi thứ người dùng làm và chia sẻ trên Facebook để xây dựng một hồ sơ riêng, giúp các nhà quảng cáo tiếp cận chính xác với những nhu cầu của người dùng.
Từ hồ sơ cá nhân riêng, đội ngũ quảng cáo sẽ tạo ra những chương trình quảng bá sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhu cầu, dù là thầm kín nhất của người dùng. Những tác vụ này được thực hiện trên một hệ thống độc lập, tinh vi và rất dễ sử dụng do Facebook phát triển.
Đối với người làm quảng cáo, họ muốn tiếp cận tới nhiều hơn những người có nhu cầu sử dụng sản phẩm của họ. Đối với Facebook, họ muốn các nhà quảng cáo phải chi tiêu tiền nhiều hơn.
Tuy nhiên, những người dùng bình thường như King, bị đối xử như một biến số trong các thuật toán hiển thị quảng cáo của Facebook. Cỗ máy tự động kết nối giữa người dùng có nhu cầu tới sản phẩm phù hợp, không quan tâm đến việc King có phải là một bệnh nhân ung thư hay không.
Facebook có nhiều định dạng hiển thị để liên tục quảng cáo sản phẩm tới người dùng. Ảnh: Facebook. |
Tháng 9/2017, một nhóm phóng viên và nhà nghiên cứu từ tổ chức ProPublica đã thử nghiệm tính năng chạy quảng cáo trên Facebook, để xem công cụ này có giúp họ quảng bá sản phẩm tới những người chống Do Thái không. Đây là chủ đề được xem là "hành vi phân biệt đối xử", một nội dung bị cấm quảng cáo trên Facebook.
Kết quả là hệ thống quảng cáo của Facebook đã chỉ ra được có 108.000 người dùng có "đặc tính" như vậy, tổng hợp từ các từ khóa mà họ đã tìm kiếm hoặc chia sẻ trước đó. Để đăng quảng cáo tiếp cận số lượng người này, số tiền phải trả là 30 USD.
ProPublic đã liên hệ với Facebook sau đó, công ty này cho biết đã xóa đi hạng mục quảng cáo tới những người chống Do Thái và hứa tìm cách giải quyết vấn đề.
Hãy cảnh giác vì sự độc tài của Facebook
Đầu năm 2020, Facebook vấp phải làn sóng chỉ trích khi chậm trễ trong việc xử lý những tin giả, tin không đúng sự thật liên quan tới đại dịch Covid-19.
Đến cuối tháng 5, cái chết của công dân da màu George Floyd châm ngòi cho một làn sóng biểu tình rộng khắp nước Mỹ, lúc này Facebook vẫn thể hiện sự lỏng lẻo trong quy trình kiểm duyệt nội dung mang tính kích động thù địch và bạo lực, đặc biệt là đến từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau đó, chiến dịch tẩy chay quảng cáo Facebook mang tên "Stop Hate for Profit" với sự tham gia của hơn 800 doanh nghiệp lớn nhỏ toàn cầu, với mục tiêu tạo áp lực tài chính buộc Facebook phải thay đổi.
Trong cuộc họp với ban lãnh đạo của phong trào tẩy chay, Facebook vẫn xác định họ vô tội. Facebook nói nhiều về sự thay đổi, nhưng không đưa ra hành động cụ thể nào để xử lý vấn đề. "Buổi họp rất lâu, nhưng vô nghĩa", Jonathan Greenblatt, Chủ tịch Liên đoàn Chống phỉ báng ADL cho biết.
Facebook vẫn xác định họ "vô tội" sau rất nhiều chỉ trích về sự lỏng lẻo trong quy trình kiểm duyệt nội dung mang tính kích động thù địch và bạo lực. Ảnh: New York Times. |
Sự độc tài của Facebook đến từ việc các kỹ sư phần mềm của họ đã tạo ra một cỗ máy hoàn hảo, có thể kết nối chính xác từ những nhu cầu rất nhỏ của người dùng đến một sản phẩm hữu hình.
Sự thật đáng buồn là các nhà quảng cáo sẽ tiếp tục chi tiền cho Facebook vì nó hiệu quả hơn các công cụ quảng bá khác như bảng quảng cáo ngoài trời hay quảng cáo trên TV, đặc biệt trong việc tiếp cận đúng người dùng có nhu cầu.
Điều này đặt câu hỏi về đạo đức kinh doanh khi Facebook đã lợi dụng căn bệnh ung thư để quảng bá sản phẩm phù hợp, như trường hợp của King. Hay lợi dụng cái chết của George Floyd để quảng bá cho những cá nhân/tổ chức cổ vũ và kích động bạo lực.
Một trong những điều thú vị của mạng xã hội là nó cho phép bạn kết nối với nhiều người khác và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các mạng xã hội hiện nay sử dụng những thuật toán tự động để thu thập dữ liệu và bán nó cho các nhà quảng cáo, người dùng cần hiểu và lường trước hậu quả trước khi đăng tải bất kỳ nội dung nào lên Facebook.