Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đừng coi văn học thiếu nhi là dòng chảy khác biệt'

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng người lớn và thiếu nhi cần có sự ngang bằng trong sáng tác và tiếp cận văn chương, do vậy đừng coi văn học trẻ em là dòng chảy khác biệt.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào Rằm tháng Giêng vừa qua, thơ thiếu nhi không xuất hiện trên sân khấu như mọi năm, thay vào đó, có một không gian cho các câu lạc bộ thơ thiếu nhi với tên gọi "Không gian thơ thiếu nhi Việt Nam".

Sau ngày thơ, Zing.vn có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh – một trong những người phụ trách không gian này - để lắng nghe ý kiến của chị về vai trò của văn học thiếu nhi trong những ngày hội văn chương lớn.

Nguyen Thuy Anh anh 1
Tiến sĩ Giáo dục, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thụy Anh.

'Tôi tiếc vì không có sân thơ cho thiếu nhi'

- Ngày Thơ Việt Nam diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám cách đây vài ngày không hề có sân thơ dành cho thiếu nhi. Chị có tiếc?

- Tiếc chứ. Năm ngoái, chúng tôi đã cố gắng hết sức để các em nhỏ có sân khấu trình diễn những sáng tác của mình, đồng thời thể hiện những bài thơ mà các nhà thơ viết cho thiếu nhi. Tôi thấy hiệu ứng rất tốt, gây xúc động mạnh đối với nhiều người xem.

Ngày thơ Việt Nam năm nay không có sân thơ thiếu nhi nhưng các em vẫn có một không gian để tương tác với bạn đọc. Dù chỉ có 2 gian chứ không phải 3 gian như Hội Nhà văn thông báo với truyền thông, nhưng như vậy cũng rất tốt.

Năm sau, tôi hy vọng sẽ có cả hai, vừa có không gian vừa có sân thơ dành cho các em.

- Theo chị, đâu là nguyên nhân của sự thay đổi này?

- Tôi nghĩ là có rất nhiều lý do cho việc không có sân thơ thiếu nhi như thời gian, kinh phí, nhân lực. Thế nên, tôi không trách. Năm ngoái, rất nhiều thầy, cô giáo phải chuẩn bị 2-3 tháng để có được 30 phút trơn tru trên sân khấu. Và nếu muốn có một sân thơ cho thiếu nhi trong năm tới, có lẽ phải chuẩn bị luôn từ bây giờ.

Việc Hội Nhà văn giao hẳn cho một trường hoặc câu lạc bộ thiếu nhi là rất tốt. Bây giờ có rất nhiều câu lạc bộ và nếu tin tưởng các đơn vị, Hội Nhà văn sẽ nhẹ nhàng hơn.

Tôi biết là các trường luôn sẵn sàng tham gia những ngày hội ý nghĩa như thế này. Bên cạnh đó, cũng nên kêu gọi xã hội hóa để không gặp khó khăn về kinh phí.

- Sau nhiều năm đồng hành với sân thơ hoặc không gian thiếu nhi ở Ngày thơ Việt Nam, chị thấy những ngày hội văn học có tác dụng gì trong việc phát triển tâm hồn văn chương cho các em?

- Trước hết, chúng ta đừng coi văn học thiếu nhi là một dòng chảy khác biệt. Người lớn và thiếu nhi cần thiết phải có sự ngang hàng. Chúng ta nên quan tâm đến văn học thiếu nhi và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em vì đó chính là độc giả của văn học sau này.

Ngày hội cũng là cơ hội để các em tương tác với các nhà văn, nhà thơ. Tại đó, các em có quyền bày tỏ việc mình thích từ này, không thích từ kia với chính tác giả của bài thơ đó.

Chúng ta phải coi ngày hội là một không gian để vui chơi. Trong thời buổi có rất nhiều thứ để lôi cuốn trẻ em như hiện nay thì phải biến văn chương thành một trò chơi hấp dẫn. Như thế, các em mới cảm thấy thích thú và tham gia.

Nguyen Thuy Anh anh 2
Các em nhỏ tham gia "Không gian thơ thiếu nhi Việt Nam".

Văn chương nên được bắt đầu bằng cảm giác

- Truyền thông từng than phiền về việc chúng ta đang thiếu những ca khúc đúng nghĩa dành cho thiếu nhi. Theo chị, văn học có rơi vào thực trạng tương tự?

- Tôi sẽ không kêu ca về việc thiếu hay đủ vì nó rất tương đối. Tất nhiên, tôi luôn mong muốn số lượng tác phẩm nhiều hơn, phong phú hơn để các em nhỏ có nhiều lựa chọn.

Trước đây, chúng ta từng có những phong trào sáng tác rất mạnh. Bây giờ, muốn có được phong trào như vậy thì phải quan tâm đến người viết bằng cách giới thiệu tác phẩm của họ đến với thiếu nhi: Giới thiệu trên truyền thông, các sự kiện văn học và cả trong trường học.

Phải kích thích người sáng tác thì mới có tác phẩm mới.

- Nhân việc chị đề cập đến chuyện "kích thích người sáng tác", chị nghĩ gì về những hành động được cho là thui chột tâm hồn văn chương của trẻ?

- Cách đọc, học thơ không đúng trong nhà trường cũng có thể giết chết cảm giác của các em. Khi đọc một bài thơ, chúng ta chỉ nên cho các em nói thật cảm giác của mình: Buồn, vui hay rưng rưng. Tại sao chúng ta cứ phải phân tích thơ cho các em.

Tôi nghĩ văn chương nên được bắt đầu bằng cảm giác, đừng bắt đầu bằng việc phân tích, mổ xẻ. Giống như khi ta cầm một vật gì đó lên, phải xem sắc màu, hình dáng ra sao đã, đừng vội mở tung nó ra.

Nguyen Thuy Anh anh 3
Tên của các nhà thơ được ghi trên hình giấy bông hoa, đám mây trong không gian thiếu nhi ở Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15.

- Văn chương Việt từng có những người được xem là thần đồng. Hiện nay, chị có phát hiện được gương mặt nào sáng giá có thể coi là hiện tượng hoặc thần đồng?

- Tôi rất sợ câu chuyện về các hiện tượng, thần đồng. Sáng tác văn chương từ nhỏ, không có nghĩa sẽ được gọi hoặc trở thành thần đồng. Mỗi em bé là một tâm hồn thơ, hãy trân quý trước thay vì cứ phải tìm kiếm những thần đồng.

Tôi đồng ý nhà thơ Trần Đăng Khoa từng được xem là một thần đồng. Nhưng chả nhẽ thần đồng lại nhiều thế? Cách đây vài năm, tôi thấy có bé Ngô Gia Thiên An là một hiện tượng thơ rất thú vị. Và bây giờ, rất vui là em vẫn đang phát triển sự nghiệp thơ của mình.

TS. Nguyễn Thụy Anh từng bảo vệ luận án Tiến sĩ Giáo dục học tại Hội đồng khoa học trường ĐH Tổng hợp sư phạm Moskva (Nga) năm 2002. Chị đã tham gia vào nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, tư vấn cho sự phát triển toàn diện về trí tuệ và nhân cách cho trẻ nhỏ ngay từ những năm đầu đời.

Nguyễn Thụy Anh cũng là người sáng lập và là Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, một mô hình hoạt động xã hội hỗ trợ cho việc hình thành, củng cố và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng nói chung, và của trẻ em trong gia đình nói riêng.




Bài & ảnh: Quang Đức

Bạn có thể quan tâm