Sống xanh không khó là một trong số rất ít sách về môi trường do tác giả người Việt viết cho độc giả Việt. Được sự đồng ý của công ty sách Sống, Zing trích một phần nội dung sách.
Hiện nay, đi bất cứ đâu bạn cũng sẽ nghe những khẩu hiệu sống xanh được hô vang, được biến thành những hành động cụ thể như: Dùng ống hút làm từ thiên nhiên (như tre, cỏ bàng…) thay cho ống hút nhựa, dùng cốc giấy thay cho cốc nhựa, dùng muỗng gỗ thay cho muỗng nhựa… và được cộng đồng hưởng ứng nhiệt liệt.
Nhưng vì có lẽ nhiệt tình quá nên dẫn đến một hiện trạng có thể không mới nhưng đang gây sốt, đó là lợi dụng vào xu hướng “sống xanh” để đánh tráo khái niệm, bán những món đồ mà quy trình sản xuất nó cực kì kém xanh.
Chẳng hạn, lấy ví dụ như mỗi một người đều có riêng một bộ ống hút tre thì để đáp ứng đủ cho dân số cả nước, các công ty sản xuất buộc phải đốn một lượng tre khá lớn.
Chưa kể, ống hút tre chỉ dùng được trong khoảng thời gian ngắn (thường là 3 tháng) là phải thay mới. Tính ra số lượng tre đốn mỗi quý cũng theo cấp số nhân mà tăng lên kha khá. Ngặt thay, tre không thể phát triển nhanh và nhiều trong thời gian ngắn để đáp ứng lượng tiêu thụ sản phẩm “khổng lồ” như vậy.
Số lượng cây tre dần trở nên cạn kiệt, khó có thể phục hồi và con người sẽ tiếp tục tìm một nguyên liệu tự nhiên khác để thay thế. Như vậy, việc hạn chế sử dụng ống hút nhựa trong trường hợp này lại vô tình đẩy tre rơi vào thế bị khai thác đến cạn kiệt.
Học sinh Trung tâm Giáo dục Ngoại ngữ - Giáo dục Thường xuyên Tây Hồ trồng thêm cây xanh. Ảnh Việt Linh. |
Bên cạnh đó, có nhiều nhóm cũng nhân danh “sống xanh” kèm theo những lý do nhân văn khác để thực hiện những hành động… kém xanh.
Bạn tôi có lần tham gia một hoạt động nghe rất tuyệt vời: Quét dọn mộ các anh hùng địa phương để thể hiện lòng tri ân. Nếu chỉ dùng khăn lau sạch mộ, quét dọn lá rơi, dọn cỏ thu gom vào một chỗ cho khu nghĩa trang trở nên sạch đẹp thì không có gì để bàn.
Nhưng người tổ chức lại làm một điều “ngộ nghĩnh” ở bước dọn dẹp, là kêu mọi người lụm lá, cho vào túi nylon rồi đem đốt. Xét về yếu tố sống xanh, quả thực hành động trên chỉ xanh ở hình thức, tức là chụp hình để báo cáo nhìn rất “mướt mắt”, còn bản chất thì chẳng xanh.
Lá cây rụng có thể tự phân hủy, vậy sao không gom lại và chôn ở một hố nào gần đó mà lại cho vào túi nylon - thứ không thể phân hủy được. Chưa kể việc đốt nhựa còn gây ra mùi khó chịu, bạn tôi và nhiều người đã phải bịt mũi chạy ra xa, vì không muốn đi về phải ôm bịch thuốc rồi nằm kêu ca nhức đầu.
Như vậy, sống xanh ở đây chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí còn bị đánh tráo khái niệm, bị lấp liếm bởi những mục đích, tên gọi nghe rất hoành tráng và có vẻ "deep deep".
Nếu là người chuộng hình thức hay chỉ muốn mượn thiên nhiên để thu lợi cho mình thì bạn hẳn sẽ cảm thấy rất thoải mái với hành động trên. Nhưng nếu thuộc tuýp người sống xanh “có tâm” thì tôi tin bạn sẽ như tôi, không đồng tình với kiểu sống xanh hời hợt này.
Tôi nghĩ rằng, sống xanh chỉ thật sự đạt hiệu quả khi chúng ta không làm thay đổi vòng tuần hoàn của thiên nhiên. Chẳng hạn, bạn có thể dùng mây tre để làm ống hút nhưng sau khi thải ra thì nên chôn xuống đất để chúng tự phân hủy thành phân bón hữu cơ, cung cấp dinh dưỡng cho các cây khác.
Sơ đồ như sau: Cây tre - ống hút tre - phân hữu cơ bón cho cây. Khởi đầu là cây thì sau khi trải qua 9 lần 9, 81 “kiếp nạn” cuối cùng vẫn quay về cây, về thiên nhiên.
Chứ khởi đầu là cây tre mà cuối cùng lại trở thành một “vật thay thế” để kiếm tiền, để làm món trang sức đăng lên Facebook sống ảo… rồi trở thành phế phẩm trong bãi rác, có khi bị biến chất thành những thứ không thể tái chế thì làm sao chúng có thể “đầu thai” được.
Khi đó, thiên nhiên làm sao có thể tái tạo được. Có khi con người chúng ta sẽ giống như chú robot Wall-E, vượt mọi khó khăn chỉ để bảo vệ mầm cây xanh cuối cùng giữa trái đất đầy bụi bặm. Quả là kinh khủng nhỉ?