Nối tiếp phần 1, Hành tinh cát: Phần 2 đang làm mưa làm gió tại phòng vé khắp toàn cầu. Tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, sau khi phim ra mắt, độc giả Việt từng một thời "bỏ quên" tác phẩm kinh điển nguyên tác của bộ phim, nay "thỉnh cầu" đơn vị xuất bản tái bản và thực hiện các phần tiếp theo.
Nhân dịp này, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng - một người đam mê và nghiên cứu sâu về thể loại khoa học giả tưởng (scifi), đồng thời là dịch giả của hai phần sách Xứ Cát, Hành tinh Cát - đã trò chuyện với Tri thức - Znews về việc dịch, đọc bộ truyện này cũng như về nền văn chương scifi tại Việt Nam.
"Xứ Cát" trở nên thời sự
- Cơ duyên nào đã đưa ông đến với việc chuyển ngữ tác phẩm này?
- Khoảng năm 2007 (tôi nhớ không chính xác lắm), công ty Nhã Nam mời tôi dịch Dune, vì họ biết tôi đặc biệt yêu thích thể loại khoa học giả tưởng (scifi). Tôi nhận lời và cảm thấy hứng thú, bởi đây là lần đầu tiên tôi dịch trọn vẹn một tiểu thuyết scifi, đã vậy lại còn là một tác phẩm rất nổi tiếng và rất đồ sộ theo mọi nghĩa.
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng. Ảnh: FBNV. |
- So với các tác phẩm ông đã dịch trước đó và sau này, thì "Xứ Cát" có điểm gì riêng biệt?
- Thực sự là cho đến lúc đó tôi còn chưa biết Frank Herbert là ai, nhưng để dịch được tốt thì trước hết tôi phải tìm hiểu kỹ về ông, phong cách của ông, cách nhìn thế giới của ông. Một trong những "thách thức" lớn nhất khi dịch Xứ Cát là số lượng khái niệm "độc nhất vô nhị" lần đầu tiên có trong tiếng Anh, chẳng hạn "spice" với một nghĩa rất khác với nghĩa thông thường.
- Ông đã mất thời gian bao lâu để hoàn thành bản dịch này?
- Trong vòng khoảng một năm tôi hoàn thành bản dịch, sau đó là thêm vài tháng làm việc với biên tập viên để "chuốt" lại thành bản tiếng Việt tốt hết mức có thể.
- Ông từng chia sẻ rằng "Xứ Cát" là tác phẩm đa tầng nghĩa, sẽ đáng tiếc nếu đọc xong mà không suy tư. Ông có thể gợi ý những hướng đi độc giả có thể tiếp cận để hiểu sâu tác phẩm hơn? Người đọc cần chuẩn bị tâm thế gì, lưu ý gì khi đọc "Xứ Cát"?
- Trước khi bắt đầu đọc Xứ Cát, chúng ta nhất thiết cần phải tìm hiểu về bối cảnh chung - có thể tạm mượn từ "back story" - của câu chuyện. Cụ thể hơn, ta cần biết rằng các sự kiện trong Xứ Cát diễn ra vào một thời đại cực kỳ xa xôi trong tương lai, khi mà loài người đã trải qua một biến cố cực kỳ lớn là cuộc nổi loạn của người máy có trí tuệ - suốt một thời kỳ rất dài loài người là nô lệ của người máy, và chỉ sau đó loài người mới nổi dậy lật đổ thành công ách thống trị của người máy.
Đó là lý do trong thời Xứ Cát, mặc dù có những phương tiện công nghệ cực kỳ tiên tiến như là tàu vũ trụ, nhưng loài người lại hoàn toàn không sử dụng trí tuệ nhân tạo: họ đã quá sợ cái thứ đó rồi, đã có kinh nghiệm xương máu về nó rồi, và đã thề sẽ không bao giờ sử dụng nó nữa.
Thú vị thay, vấn đề này giờ đây trở nên thời sự hơn bao giờ hết. Nó thời sự không kém gì vấn nạn suy thoái môi trường, lại cũng một chủ đề lớn khác làm Frank Herbert bận tâm. Nói cách khác, nếu đọc Xứ Cát mà chúng ta chỉ hứng thú với "trò chơi vương quyền" thì đấy là ta chỉ mới thưởng thức có mỗi lớp ngoài của nó mà thôi.
Nếu như bên cạnh chuyện thưởng thức trọn vẹn lớp ngoài ấy chúng ta biết đào sâu vào các lớp bên trong, thì tác phẩm không đến nỗi bị phí hoài: vì nó đã gặp những người đọc nhìn thấy và hấp thụ được nó một cách tổng thể.
Văn chương scifi chưa phát triển mạnh tại Việt Nam
- Từ "Xứ Cát" nhìn rộng ra, ông nhận định ra sao về việc xuất bản, giới thiệu các sách thuộc dòng văn chương khoa học viễn tưởng (scifi) tại Việt Nam so với thế giới?
- Hồi tôi còn trẻ, trong thời bao cấp, người ta dịch scifi rất nhiều và nếu tôi không lầm thì có khá nhiều người đọc. Tại sao thời nay, mọi thứ thuận lợi hơn nhiều so với thời đó, người đọc hầu hết lại không hào hứng với văn chương scifi, tuy rằng phim scifi thì lại hoan nghênh?
Trước hết, nói về điện ảnh, chúng ta không thể bỏ qua công nghệ marketing đạt mức thượng thừa về tính chuyên nghiệp của cỗ máy Hollywood. Cộng với nguồn tiền khổng lồ của các ông chủ đứng sau lưng nó, thì chẳng lạ gì rằng cứ là phim bom tấn của Hollywood, bất kể scifi hay không, đều có thể chiếm lĩnh thị trường không chỉ Việt Nam mà khắp thế giới. Văn chương scifi thì không có cỗ máy marketing và không có bể tiền tương đương như thế.
Mặt khác, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, ở Trung Quốc, một nước rất gần Việt Nam về rất nhiều phương diện, văn chương scifi lại có vị thế vững vàng. Theo tôi biết, ở Trung Quốc có những giải thưởng dành riêng cho văn chương scifi, có lượng độc giả đông đảo của văn chương scifi.
Chỉ trong bối cảnh như vậy, một nhà văn scifi xuất sắc như Lưu Từ Hân (tác giả bộ Tam Thể rất nổi tiếng) mới có thể xuất hiện. Để có một đỉnh cao đích thực, trước hết phải có chân đế đủ rộng, sâu và vững. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc là những nước có nền văn chương scifi mạnh trước hết là do ở đó có lượng người đọc scifi đủ đông đảo.
Và, điều quan trọng cần nói ở đây là, ở các nước này, cũng như một số nước khác có nền văn chương scifi mạnh, có dòng scifi "đại chúng" dành cho số đông và dòng scifi "hàn lâm" dành cho một lượng người đọc ít hơn. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là: văn chương (và điện ảnh) scifi không phải chỉ có những cuốn sách bom tấn và những bộ phim bom tấn.
Sách Xứ Cát. Ảnh: Hải Dương. |
- Xứ Cát từng không được độc giả Việt đón nhận nồng nhiệt cho đến khi phim "Hành tinh cát" phần 1 và 2 lần lượt ra mắt. Từ đây ông có nhận định gì về việc bạn đọc Việt Nam tiếp cận với dòng sách khoa học giả tưởng (scifi)?
- Ở Việt Nam, hầu như chỉ có những người sẵn sàng bỏ tiền đi xem các bộ phim scifi bom tấn của Hollywood và do vậy sẵn sàng tìm đọc những cuốn sách scifi vốn là nguồn gốc của các bộ phim đó, điển hình là trường hợp Xứ Cát / Hành tinh cát.
Tuy nhiên, người đọc (và người xem) Việt Nam có lẽ rất ít biết (và rất ít quan tâm) đến những cuốn sách/bộ phim scifi hàn lâm hơn, không phải thriller bom tấn. Chẳng hạn như Roadside Picnic của anh em nhà Strugatsky được Andrey Tarkovsky dựng thành kiệt tác Stalker; tiểu thuyết Solaris của Stanislaw Lem, cũng được Andrey Tarkovsky dựng thành phim cùng tên; On the Silver Globe, cuốn tiểu thuyết kỳ tuyệt của nhà văn Ba Lan Jerzy Zulawski, được đạo diễn Andrzej Zulawski dựng thành phim cùng tên…
Nhìn lại một số phim scifi thuộc hàng ‘bom tấn’, ta sẽ thấy rằng ẩn sâu bên trong cốt truyện ‘thriller’ là một hạt nhân triết lý sâu xa.
Các tác phẩm này, như tôi vừa nói, là một dạng scifi khác hẳn, đầy triết lý, hoàn toàn không phải thriller, tuy nhiên nó chính là một phần quan trọng không thể không nhắc tới khi nói đến scifi.
Và, nếu nhìn lại một số phim scifi thuộc hàng "bom tấn" chẳng hạn Arrival, ta sẽ thấy rằng ẩn sâu bên trong cốt truyện thriller (tạm dịch: giật gân - PV) là một hạt nhân triết lý sâu xa, và nếu người xem chúng ta bỏ qua thì thật đáng tiếc. Scifi không chỉ là thriller và bom tấn, đó là một trong những điều mấu chốt mà theo tôi có nhắc lại nhiều lần cũng không thừa.
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã quen thuộc với độc giả Việt Nam với nhiều tựa sách dịch trong hàng chục năm qua, tiêu biểu có thể kể đến Biên niên ký chim vặn dây cót (Haruki Murakami), Súng, vi trùng và thép (Jared Diamond), Xứ Cát, Cứu tinh Xứ Cát (Frank Herbert), Thế giới như tôi thấy (Albert Einstein), Mãi đừng xa tôi (Kazuo Ishiguro),...