Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng chết dần chết mòn trong văn phòng

Tăng ca triền miên, rời khỏi công ty khi đêm đã khuya, toàn thân rã rời khiến nhiều người cảm thấy chán nản. Thế nhưng, họ vẫn không thể thoát khỏi guồng quay khắc nghiệt đó.

chon cong so anh 1

Tiểu thuyết Tôi muốn tan làm đúng giờ đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên và được phát sóng tại Nhật Bản vào năm 2019. Ảnh: Lost Bird.

Tôi muốn tan làm đúng giờ là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nữ nhà văn người Nhật Bản Kaeruko Akeno. Ngay từ nhan đề, tác phẩm này đã nói lên tiếng lòng của dân công sở ở đất nước Mặt Trời mọc. Nếu không tăng ca và tan làm đúng giờ, nhân viên sẽ bị cấp trên đánh giá là không nhiệt huyết và thiếu trách nhiệm trong công việc. Về nhà ngay sau khi tan sở dần trở thành điều xa xỉ.

Thật khó để làm con cá bơi ngược dòng

Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này là Higashiyama Yui, một cô gái ngoài 30 tuổi, luôn rời khỏi văn phòng vào lúc sáu giờ chiều. Suốt 10 năm làm việc ở công ty này, cô đã giữ thói quen ấy và không có ý định thay đổi. Với Yui, ngoài công việc, cuộc sống còn rất nhiều điều đáng trân trọng. Đừng làm việc như một cái máy mà quên đi việc tận hưởng những hạnh phúc bình dị trong cuộc sống.

Tan làm, Yui sẽ ghé tiệm cơm Thượng Hải gọi một cốc bia và thưởng thức những món ăn yêu thích. Lúc này, cô để tâm trí mình thoát ly khỏi công việc. Những câu chuyện liên quan đến hợp đồng, dự án mới, bản kế hoạch… từ các vị khách ở bàn bên vẫn văng vẳng bên tai cô. Trong xã hội hiện đại, nơi ai cũng phải tranh đua để mưu sinh, con người ta chỉ có thể rời khỏi văn phòng, chứ không thể dứt bỏ công việc ra khỏi tâm trí, dù đó là giờ tan làm hay ngày nghỉ.

chon cong so anh 2

Tiểu thuyết Tôi muốn tan làm đúng giờ của Kaeruko Akeno. Ảnh: Oanh Đỗ.

Thỉnh thoảng, Yui lại nghe thấy ông chủ quán ăn kể rằng vừa có một vị khách quen bị đột tử do làm việc quá sức. Câu chuyện ấy khiến cô rùng mình sợ hãi. Từ khi mới vào công ty, Yui chưa từng tăng ca và cấp trên của cô không phàn nàn gì về điều đó. Thế nhưng, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, mọi chuyện đã thay đổi.

Cơ hội tìm kiếm việc làm trở nên khó khăn, khiến nhiều người trẻ quyết định làm việc cả ngày lẫn đêm mà không màng tới sức khỏe. Những nhân viên mới sẵn sàng tăng ca và đi làm vào ngày nghỉ để chứng tỏ nhiệt huyết và sự tận tụy của họ.

Yui bị đem ra so sánh với Mitani, một nhân viên chuyên cần hiếm có, người ngày nào cũng tăng ca, chưa từng xin nghỉ phép và sẵn sàng đi làm dù đang ốm. Cấp trên còn cho rằng một người lúc nào cũng tan làm đúng giờ như Yui sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới tinh thần và thái độ làm việc của các nhân viên khác.

Điều đó khiến nhân vật chính đứng giữa hai lựa chọn, thỏa hiệp hay đối đầu?

Không lựa chọn nào là hoàn hảo, chỉ có phương án phù hợp

Tác giả Kaeruko Akeno đã gắn bó với công việc văn phòng trong thời gian dài, trước khi dấn thân vào viết lách và trở thành một nhà văn tự do. Vào đầu những năm 2000, nền kinh tế Nhật Bản bước vào giai đoạn suy thoái, để giảm thiểu các chi phí liên quan đến việc tuyển dụng nhân sự, các công ty ở xứ sở hoa anh đào khuyến khích nhân viên làm thêm giờ.

chon cong so anh 3

Nhà văn Kaeruko Akeno. Ảnh: Infobae.

Khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tình trạng thất nghiệp tăng, khiến cho người lao động luôn cảm thấy bất an. Họ luôn nơm nớp lo sợ bị sa thải, vì thế sẵn sàng làm thêm giờ, dù cơ thể cảm thấy kiệt quệ và không đủ tỉnh táo để nhìn vào màn hình máy tính.

Từ khi còn nhỏ, Higashiyama Yui luôn ám ảnh bởi người cha “nghiện” công việc. Ông bận tới nỗi không có thời gian ở bên con cái, thường về qua nhà vài tiếng vào tờ mờ sáng, khi hai anh em cô đã ngủ say. Mẹ của Yui đã đặt một bức ảnh chồng ở cạnh TV, để các con không quên gương mặt bố. Từ nhỏ, cô con gái nhà Higashiyama luôn cho rằng công việc đã cướp mất bố. Bức ảnh ở gần TV được cô gọi đùa là “di ảnh”.

Bởi vậy, khi lớn lên Yui không muốn sống một cuộc đời đầy áp lực và buồn tẻ như bố mình. Cô quyết tâm không để công việc chi phối toàn bộ cuộc sống và chiếm trọn thời gian của bản thân. Nhưng làm được điều đó ở một đất nước có áp lực làm việc khủng khiếp như Nhật Bản không phải là điều dễ dàng.

Bố của Yui luôn tự hào rằng thế hệ của ông đã dựng xây Nhật Bản từ đống đổ nát sau chiến tranh. Người cha ấy, dạy các con coi công ty là gia đình thứ hai và cống hiến hết mình cho công việc.

Nhưng hai anh em cô lại thấy công ty giống chiến trường. Văn phòng tựa mặt trận không tiếng súng. Ở đó, đồng nghiệp không phải là đồng đội, họ chính là kẻ địch đứng trong bóng tối, sẵn sàng đánh lén khi bạn để lộ sơ hở.

Trong tiểu thuyết Tôi muốn tan làm đúng giờ, nhà văn Kaeruko Akeno còn lên tiếng bảo vệ người phụ nữ trước những cạm bẫy vô hình chốn công sở. Là một cô gái cương trực, luôn đứng về lẽ phải Higashiyama Yui luôn muốn các đồng nghiệp nữ đứng lên chống lại tình trạng quấy rối tình dục nơi công sở.

Thay vì đấu tranh để bảo vệ bản thân, nhiều nạn nhân cố tình lờ đi việc này. Họ sợ khi nói ra, sẽ không được bảo vệ mà còn bị đuổi việc, hoặc chuyển đến những bộ phận khác không có cơ hội phát triển.

Đối với nữ giới, khi muốn kết hôn hay sinh con, họ phải đứng trước hai lựa chọn, công việc hay hạnh phúc riêng. Nếu muốn nghỉ sinh đúng thời gian quy định, người phụ nữ có thể bị mất việc. Còn để con nhỏ cho người khác chăm sóc và quay lại văn phòng, họ lại bị mọi người chỉ trích là người mẹ vô trách nhiệm.

Thế nên, phụ nữ Nhật dần hờ hững với hôn nhân và nhiều người quyết định chọn cuộc sống độc thân. Họ thà kết hôn với công việc còn hơn bước vào một cuộc hôn nhân nhiều rủi ro và phải từ bỏ ước mơ của mình.

Vì sao người quá thông minh lại khó có cơ hội để thành công

Sách “Những kẻ xuất chúng” của Malcolm Gladwell cho ta thấy thành công là sự tụ hội của nhiều yếu tố chứ không dừng lại ở tài năng bẩm sinh hay nỗ lực.

Hai mặt của đô thị

Quá trình phát triển, sáng tạo và những góc khuất của đô thị ngày nay đã hiện rõ trong “Metropolis - Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người” của Ben Wilson.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm