Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đừng biến phụ nữ thành búp bê tình dục, ngày ngày bị thao túng tâm lý

Khai thác một chủ đề thú vị của cuộc sống, "Don’t Worry: Darling" là một bộ phim với ý tưởng hay nhưng cách xây dựng nội dung lại thiếu đi sự thú vị, hấp dẫn.

em yeu dung so anh 1

* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Thể loại: Chính kịch, Bí ẩn, Lãng mạn
Đạo diễn: Olivia Wilde
Diễn viên: Florence Pugh, Harry Styles, Olivia Wilde, Chris Pine
Đánh giá: 6.5/10

Là bộ phim chính kịch mang hơi thở bí ẩn, Em yêu, đừng Sợ (Don’t Worry: Darling) dễ khiến khán giả hiểu lầm với một tựa đề lãng mạn như vậy. Trong phim, Alice (Florence Pugh) và Jack Chambers (Harry Styles) hóa thân thành đôi vợ chồng trẻ với cuộc sống “mỹ mãn” tại thị trấn Victory. Đây là cộng đồng dành cho các gia đình tham gia một dự án bí mật mang tên Victory Project (Dự án Chiến thắng).

Thoạt nhìn qua, thị trấn thiên đường này là một thế giới xinh đẹp đầy mộng mơ. Những ông chồng mỗi ngày đều rời khỏi nhà để đi làm kiếm tiền. Trong khi đó, các bà vợ đảm đương nội trợ và đắm chìm trong hẹn hò, tiệc tùng bất tận. Tuy nhiên, một vài biến cố ngoài mong muốn xảy ra khiến chân tướng dần được hé lộ. Đó là khi Alice bắt đầu vỡ lẽ về một sự thật kinh hoàng ẩn sau những điều tưởng chừng như hoàn hảo.

Kể câu chuyện hay bằng ngôn ngữ thiếu hấp dẫn

Lấy bối cảnh những năm thập niên 1950 tại Mỹ, Em yêu, đừng sợ là một bộ phim có ý tưởng hay. Tuy nhiên, cách thức thực hiện chưa tạo nên cảm giác thú vị tương xứng. Đạo diễn Olivia Wilde khá táo bạo khi lựa chọn khai thác chủ đề nữ quyền dưới lăng kính “thao túng tâm lý”. Nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng cách dẫn chuyện dài dòng cùng lối kể ôm đồm khiến tác phẩm nhận về nhiều điểm trừ không thể tránh khỏi.

Điển hình, 30 phút đầu phim lê thê, dàn trải với hàng loạt cảnh tiệc tùng, trò chuyện. Đáng nói là, không hề xuất hiện bất cứ sự kiện đặc biệt hay chí ít là một lời giải thích nào để người xem hiểu được ý đồ đạo diễn muốn truyền tải.

Liên tục sau đó, các nhân vật phụ xuất hiện dày đặc qua những mẩu chuyện nhạt nhòa, không mang lại nhiều ý nghĩa. Bởi vốn dĩ, nội dung phim chỉ tập trung xoáy sâu vào tâm lý của nữ chính Alice, khiến hầu hết vai còn lại thiếu vắng đất thể hiện, không có tính cách hay dấu ấn cụ thể.

em yeu dung so anh 2

Lối kể chuyện dàn trải, lan man trong một kịch bản phim thiếu tình tiết, thừa nhân vật.

Ảnh: Warner Bros.

Chính lối kể chuyện rườm rà và tham lam khi nhồi nhét nhiều chi tiết thừa thãi khiến Don’t Worry: Darling chưa thể lôi cuốn những khán giả khó tính, thiếu kiên nhẫn. Biến cố đầu tiên của phim tới khá muộn, nhưng may mắn thay, cũng thành công đẩy cao tốc độ, nhịp phim. Tuy vậy, cách tiếp cận lại chưa ấn tượng, khéo léo và có phần dễ đoán.

Yếu tố ám ảnh tâm lý được chú trọng xuyên suốt nửa sau tác phẩm, nhưng lại khiến người xem ngộp thở với việc tham lam nhồi nhét visual metaphors (các yếu tố ẩn dụ). Là một sự “học đòi” chưa tới từ các đạo diễn bậc thầy như Christopher Nolan, Peter Weir hay Jordan Peele, những hình ảnh ẩn ý trong phim của Olivia chưa thực sự đem lại cảm giác khéo léo, hiệu quả. Càng khó hiểu hơn, kết phim cũng không có lời giải thích rõ ràng nào về các chi tiết đó, đơn thuần chỉ để mặc sức tưởng tượng của khán giả.

Diễn xuất và yếu tố giải trí dừng lại ở mức khá

Dù bị gắn mác 18+, những cảnh nóng trong phim không bị lạm dụng mà được lồng ghép khá tinh tế. Xúc tác giữa hai nhân vật chính cũng cho thấy sức cuốn hút, tung hứng tương đối ăn ý. Chỉ có điều, giá như Olivia Wilde dành thêm thời gian và khung ảnh để khai thác chiều sâu mối quan hệ này, khán giả sẽ cảm thấy thuyết phục hơn, thay vì chỉ là những màn ân ái hay câu nói “I love you” nghe có vẻ sáo rỗng.

em yeu dung so anh 3

Tương tác giữa cặp đôi Alice (Florence Pugh) và Jack Chambers (Harry Styles) tỏ ra khá ăn khớp. Ảnh: Warner Bros.

Một điểm cộng tuyệt vời cho Don't Worry Darling là việc đầu tư dàn dựng bối cảnh, phục trang một cách cẩn thận, chi chút. Từng bữa tiệc, những bộ đầm cho tới đồ nội thất hay xe hơi đều được nhà làm phim tính toán sử dụng một cách kỳ công, tỉ mỉ. Thú vị ở chỗ, chính sự thơ mộng và hoàn mỹ thái quá lại tạo nên cảm giác bất an, kỳ lạ không chỉ đối với riêng Alice mà cả những khán giả theo dõi.

Khó có thể phủ nhận, Don’t Worry: Darling đã thành công mang tới những thước phim đẹp, với những góc quay hợp lý, chuyển động liên tục để tôn vinh ý tưởng của đạo diễn. Thị trấn Victory qua ống kính của Matthew Libatique hiện lên bóng bẩy, thơ mộng, và đầy gọi mời. Trong khi đó, những phân cảnh đặc tả tâm lý nhân vật lại đem tới chiều sâu, sự bí ẩn và mơ hồ khó diễn tả.

Đáng tiếc ở chỗ, Libatique có vẻ thận trọng khi từ chối những góc máy mạo hiểm, đột phá. Điều này vô tình khiến cho ngôn ngữ quay phim thiếu vắng nét độc đáo, sáng tạo. Chưa kể, việc sử dụng những cú máy ngắn và cắt cảnh dày đặc ở phần đầu bộ phim nhiều khi khiến khán giả mất kiên nhẫn.

Hình ảnh đẹp, nhưng âm nhạc trong Em yêu, đừng sợ không quá ấn tượng, chỉ dừng lại ở mức khá. Hiếm có thời khắc nào trong phim xuất hiện mà thiếu vắng nhạc nền. Chính vì vậy, âm thanh tạo cảm giác chưa đắt giá, khiến người xem “bội thực”.

Việc các nhà làm phim xử lý nhạc nền quá to và ồn ào, đặc biệt trong những cảnh nghỉ dưỡng, tiệc tùng là một điều không cần thiết, dễ gây khó chịu, mất tập trung. Bù lại, thanh âm trong những thước phim cao trào lại tỏ ra khá xuất sắc, tạo nên sự căng thẳng, kịch tính phù hợp.

em yeu dung so anh 4

Bộ phim chưa thực sự tận dụng tốt dàn diễn viên nổi tiếng, có kinh nghiệm. Ảnh: Warner Bros.

Với thể loại chính kịch/hồi hộp, yếu tố diễn xuất đóng vai trò quan trọng hơn cả. Bởi vậy, dễ thấy nữ chính Florence Pugh đã nỗ lực rất nhiều trong bộ phim này. Từng có kinh nghiệm tham gia một số tác phẩm trước đó như Midsommar, Little Women (2019) hay Black Widow (2021),... nữ diễn viên trẻ đã phần nào lột xác khỏi những vai diễn tiền nhiệm. Cô thể hiện khá tốt những phân đoạn tức giận hay bùng nổ cảm xúc. Tuy nhiên, ở Florence lại thiếu đi sự tinh tế và sâu sắc trong những cảnh giằng xé nội tâm.

Nhập vai chồng của Alice, Harry Styles cũng có một màn trình diễn không tệ. Dù chỉ là một ca sĩ lấn sân diễn xuất, Harry vẫn thể hiện sự tự nhiên, tạo được thiện cảm. Nhưng đáng tiếc nhất là, Don’t Worry: Darling đã bỏ lỡ viên ngọc sáng Chris Pine. Với năng lực, kinh nghiệm dày dạn và một “đôi mắt biết nói”, anh hoàn toàn xứng đáng được đạo diễn khai thác và phát triển tính cách sâu hơn. Tuy nhiên, “hoàng tử Hollywood” lại gần như thiếu vắng hoàn toàn đất diễn trong bộ phim lần này.

Chung quy, tác phẩm của Olivia Wilde vẫn là một bộ phim có ý tưởng hay nhưng chưa biết cách khai thác, xây dựng diễn biến sao cho hấp dẫn. Tập trung vào khai thác yếu tố tâm lý, Don't Worry: Darling lạm dụng các yếu tố ẩn dụ hòng tạo cảm giác bí ẩn cùng không khí nặng nề. Dẫu ý đồ của đạo diễn chưa thực sự được chuyển tải thành công, bộ phim ít nhiều vẫn có những điểm sáng thú vị, lôi cuốn được khán giả.

Taylor Swift lạc lõng, 'chết yểu' trong kịch bản phim thảm họa

Amsterdam đánh dấu sự trở lại của David O. Russell sau 7 năm rời xa màn ảnh. Dù sở hữu dàn diễn viên khủng, kịch bản lại là yếu tố khiến chất lượng phim mất điểm trầm trọng.

Đã tới lúc Người Dơi gác kiếm

Trải qua rất nhiều tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, có lẽ đã đến lúc Người Dơi trao lại bộ áo choàng của mình cho một siêu anh hùng khác.

Tống Khang

Bạn có thể quan tâm