Những ngày qua, Fan Kaiyi sống tại Thượng Hải (Trung Quốc) nhận rất nhiều cuộc gọi không mong muốn. Từ điện thoại bàn đến di động, nữ điều phối viên dự án 38 tuổi liên tục bị các công ty gọi điện chào mời mua nhà đất, bảo hiểm, thuốc men, tham gia lớp tập thể dục đến vay tiền không thế chấp.
Khi nhấc điện thoại lên, Fan mới biết giọng nói bên kia không phải người thật mà là những robot đang quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.
Những con robot tiếp thị có thể gọi 8.000 cuộc mỗi ngày, ngay cả với những điện thoại đã chặn số. Ảnh: SCMP. |
Robot tiếp thị gọi 3.000 cuộc mỗi ngày không biết mệt
“Lúc đầu tôi cũng không biết mình đang nói chuyện với robot. Tôi nói rằng mình không cần dịch vụ ấy, rồi ‘họ’ nhanh chóng mời gọi sản phẩm khác với chức năng tương tự.
Khi được hỏi ‘bạn có nghe những gì tôi vừa nói không’, giọng nói bên kia tỏ vẻ bối rối. Lúc tôi chuẩn bị cúp máy, ‘họ’ đột nhiên thừa nhận mình là trợ lý điện thoại AI”, Fan chia sẻ.
Fan cảm thấy mình quá lãng phí thời gian và “ngốc nghếch khi nói chuyện với một cái máy”. Cô cho biết giọng nói bên kia nghe rất thật, không có dấu hiệu được ghi từ trước rồi phát tự động.
Tại Trung Quốc, sử dụng robot để tiếp thị qua điện thoại (telemarketing) đang trở thành xu hướng mới.
Chia sẻ với SCMP, các nhà cung cấp dịch vụ nói rằng robot tiếp thị có thể “thực hiện hơn 3.000 cuộc gọi mỗi ngày”, “tăng doanh số bán hàng đến 140%” và “không cần con người can thiệp”.
“Khác với con người, những chú robot này không bao giờ mệt mỏi hay tỏ thái độ thất thường. Chúng hoạt động hiệu quả với chi phí thấp. Hơn hết, chúng không bao giờ nghỉ việc”, trích quảng cáo trên website cung cấp dịch vụ robot tiếp thị.
Chi phí trang bị hệ thống robot tiếp thị qua điện thoại chỉ từ 190 USD. Vài hệ thống thậm chí gọi được vào các số đã chặn cuộc gọi.
Fan cho biết tắt máy không phải là giải pháp bởi cô không thể biết đầu dây đang gọi có là số quảng cáo hay không.
“Có thể cuộc gọi đó đến từ khách hàng mới của tôi, shipper giao hàng mà tôi mua trên Taobao, thậm chí là những người giao đồ ăn và đồ lặt vặt”, Fan cho biết.
Với trình độ công nghệ hiện nay, rất khó để phân biệt tổng đài viên tiếp thị là người hay máy. Ảnh: NBC News. |
Bị làm phiền 8 lần/ngày
Tại Trung Quốc, những cuộc gọi quảng cáo qua điện thoại được xếp vào “cuộc gọi làm phiền hoặc quấy rối”.
Zhang Kai sống tại Thành Đô cho biết anh từng nhận 2-3 cuộc gọi tiếp thị mỗi ngày nhưng gần đây, con số trên là 8 cuộc.
“Trước đây, tôi thường trút giận lên tổng đài viên khi bị gọi điện làm phiền. Nhưng giờ khi đầu dây bên kia là robot, tôi không biết làm thế nào để phản ánh cả”. Zhang chia sẻ rằng những con robot đủ thông minh để trả lời các câu hỏi của anh.
“Nếu tôi nói ra tên sản phẩm liên quan, ‘họ’ sẽ cung cấp thêm thông tin của chúng cho tôi”, Zhang nói.
Những phần mềm phản hồi bằng giọng nói đã phát triển mạnh từ khi Trung Quốc công bố kế hoạch Made in China 2025, trong đó dịch vụ là trọng tâm.
Theo hãng nghiên cứu Zion, thị trường dịch vụ giọng nói thông minh của Trung Quốc đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2017, chiếm hơn 1/3 thị trường toàn cầu (6,2 tỷ USD). Thị trường này dự kiến đạt giá trị 19,6 tỷ USD vào năm 2025.
Tại Trung Quốc, trợ lý giọng nói không chỉ tích hợp trên smartphone hay ôtô, nó còn xuất hiện trên TV hay tủ lạnh phục vụ công việc, cuộc sống của mọi người.
Chuyên gia công nghệ Liu Huan cho biết công nghệ giọng nói hiện nay đã phát triển đến mức rất khó phân biệt so với con người. Tuy nhiên, vấn đề là các lập trình viên dường như không quan tâm sản phẩm của mình được sử dụng cho mục đích gì, có hợp pháp hay không.
Đó là lý do Fan và Zhang liên tục nhận cuộc gọi làm phiền từ robot quảng cáo sản phẩm.
Tại Trung Quốc, tiếp thị qua điện thoại được xếp vào cuộc gọi làm phiền, quấy rối. Ảnh: Xiaomei Chen. |
Cần quản lý chặt chẽ hơn
Một số người dùng Internet đã chia sẻ cách tránh những cuộc gọi ấy. Giải pháp phổ biến là không nghe những cuộc gọi có đầu số 95, được nhiều hãng tiếp thị qua điện thoại ở Trung Quốc sử dụng.
Trong khi đó, các nhà phân tích đề xuất chế tài xử phạt nặng hơn với những doanh nghiệp bán dịch vụ qua điện thoại bất hợp pháp. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là quản lý từ nhà mạng.
Ngày 22/7, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã kêu gọi 3 nhà mạng lớn nhất nước này gồm China Telecom, China Mobile và China Unicom quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn cuộc gọi không mong muốn.
Cho đến khi những quy định chặt chẽ hơn về cuộc gọi quảng cáo không mong muốn được ban hành, khách hàng chỉ còn cách cúp máy khi nhận cuộc gọi từ robot mà thôi.