Gary Lineker, vua phá lưới World Cup 1986 từng có một tuyên bố nổi tiếng “Bóng đá là cuộc chơi của 22 gã chạy theo trái bóng và người Đức luôn chiến thắng”. Đó cũng có thể là tuyên bố gói gọn là lịch sử bóng đá Đức. Họ đã tham dự World Cup 19 lần (tính cả giải đấu trên đất Nga), lọt vào bán kết 13 lần, vô địch 4 lần.
“Chiến thắng” là keyword lớn nhất của người Đức tại sân chơi World Cup. Họ luôn tới để chinh phục cúp Vàng, chứ chưa bao giờ để đá cho vui. Và người Đức sẽ làm mọi thứ để có được chiến thắng. Trước Thụy Điển, khao khát chiến thắng ấy một lần nữa sôi sục như thác lũ.
Đây rồi tinh thần Đức!
HLV Joachim Loew đã nghĩ gì khi trọng tài Szymon Marciniak tặng cho Jerome Boateng chiếc thẻ vàng thứ hai, khiến người Đức chỉ còn chơi với 10 người bắt đầu từ phút thứ 83, thời điểm mà tỉ số vẫn là 1-1 và Đức gần như sẽ bị loại nếu kết quả trên bảng tỉ số giữ nguyên cho đến khi hết trận?
Ông Loew không để cho ai biết mình nghĩ gì. Ông thay người, Jonas Hector rời sân để Julian Brandt vào sân. Đức chấp nhận chơi với chỉ 1 hậu vệ lúc đó trên sân là Antonio Rudiger cùng 8 cầu thủ phía trên chỉ có đúng một nhiệm vụ: sút tung lưới Thụy Điển. Một canh bạc tất tay, được ăn cả ngã về không của ông Loew.
Canh bạc tất tay của HLV Joachim Loew đã thành công với cú sút phạt siêu đẳng của Toni Kroos. Ảnh: Reuters. |
Sau cùng thì ông đã thành công. Toni Kroos đã sút tung lưới Thụy Điển từ một pha dàn xếp đá phạt như trong sách giáo khoa khi trận đấu chỉ còn chưa đầy 2 phút là kết thúc. Marco Reus đã đưa bóng mở rộng góc sút trước khi ngôi sao của Real bẻ trái bóng đi thẳng vào lưới. Người Đức vỡ òa. Từ ngưỡng cửa bị loại, hy vọng bảo vệ ngôi vô địch bỗng hồi sinh với Die Mannschaft.
Trong giây phút ngặt nghèo nhất, thứ tinh thần Đức tưởng chừng như đã mất bỗng hồi sinh đầy mạnh mẽ. Đó là tính cách từng giúp Đức lội ngược dòng thắng Hungary trong trận chung kết World Cup 1954 dù bị dẫn 0-2, lội ngược dòng thắng Hà Lan 2-1 tại chung kết World Cup 1974 dù bị dẫn bàn ngay phút thứ 2, hay lội ngược dòng thắng Pháp trên chấm luân lưu tại World Cup 1982 dù bị dẫn 3-1 trong hiệp phụ.
Đó là thứ tính cách biến ĐT Đức trở nên độc nhất vô nhị trên thế giới. Người ta biết một trận đấu của Đức sẽ diễn ra cho tới phút cuối cùng. Người ta cũng biết dẫn trước chưa hẳn là đã hay với người Đức, thậm chí còn là... dở bởi Die Mannschaft sẵn sàng lấy bàn thua làm bàn đạp để tạo ra một cuộc lội ngược dòng ấn tượng.
Trong giây phút ngặt nghèo nhất, Đức đã cho thấy thứ bản lĩnh từng giúp họ xác lập nên vị thế độc nhất vô nhị trong làng bóng đá thế giới. Ảnh: Getty Images. |
Những phút cuối trước Thụy Điển là giây phút khó khăn nhất của người Đức kể từ sau cuộc cách mạng về mặt tư tưởng tại World Cup 2006. Nó khó hơn rất nhiều so với những thất bại trước Italy tại bán kết World Cup 2006 hay EURO 2012, trước Tây Ban Nha tại chung kết EURO 2008 hay bán kết World Cup 2010.
Bởi đơn giản nếu Đức thất bại, họ sẽ bị loại khỏi World Cup ngay từ vòng bảng, và những công lao xây dựng nền bóng đá của họ trong suốt gần hai thập kỷ qua có thể bị đặt dấu hỏi lớn.
Và như định mệnh, thứ tình cách không biết từ bỏ giúp Đức vươn tới hàng ngáo ộp của bóng đá thế giới trong quá khứ đã quay trở lại cứu lấy ĐT Đức của hiện tại.
“Cỗ xe tăng” Đức trở lại
Đội tuyển Đức chưa bao giờ có biệt danh chính thức là “Cỗ xe tăng”, nhưng người Việt Nam trong suốt những năm sống với World Cup bắt đầu từ Espana 1982 đã không thể nào quên hình ảnh ĐT Đức lầm lì như Cỗ xe tăng đi tới nhữn trận đấu cuối cùng với thứ tinh thần không biết từ bỏ.
12 năm sau khi Đức chính thức rũ bỏ hình ảnh huyền thoại đó để đưa ra “bộ nhận diện” mới trẻ trung, tích cực, giàu tính tấn công hơn với kiến trúc sư trưởng là Juergen Klinsmann, một lần nữa người hâm mộ bóng đá thế giới lại thấy “Cỗ xe tăng Đức” xuất hiện tại sân chơi World Cup.
Tinh thần của "Cỗ xe tăng Đức" bất tử đã tái sinh. Ảnh: Reuters. |
Có nhiều điều để tin rằng, Đức sẽ còn trình diễn bộ mặt ấy trong phần còn lại của World Cup lần này. Thầy trò Joachim Loew có lẽ giờ đã hiểu rằng, bóng đá không phải cứ đàn áp đối thủ nhờ một hệ thống khoa học hơn là sẽ giành chiến thắng. Bóng đá cũng là một cuộc chiến mà ở đó ai lì lợm, bản lĩnh hơn mới là người chiến thắng.
“Cỗ xe tăng Đức” vì thế sẽ trở lại, với trọn vẹn những niềm tin, cùng hoài niệm tới từ giới mộ điệu. Và đừng ngạc nhiên, nếu người Đức sẽ đi tới cùng tại World Cup lần này.
Kẻ hồi sinh từ của tử sẽ sống rất dai, và nếu kẻ đó là người Đức, hắn sẽ còn muốn thay đổi cả số mệnh nữa kia.
Đức áp đảo Thụy Điển, quyết chiến để thắng. |