Trở lại với độc giả Việt Nam sau tác phẩm Chỉ là mơ ước thôi, Grégoire Delacourt tiếp tục kể một câu chuyện về vấn đề gia đình trong Khiêu vũ bên bờ vực.
Đêm huyền diệu của đôi lứa yêu nhau
Emmanuelle là một phụ nữ bình thường sống hạnh phúc bên chồng và ba người con. Cho đến một ngày, tiếng gọi của dục vọng khiến cô gạt hết từ mái ấm gia đình, công việc ổn định và đức hạnh của phụ nữ.
Chỉ bằng một cuộc chạm mặt, một cái ôm vội vã và lời hứa nắm tay nhau khiêu vũ trong bài hát lứa đôi, bờ vực mở ra trước mắt Emmanuelle và cú rơi xuống đáy vực sâu của bi kịch gia đình.
Cuốn sách Khiêu vũ bên bờ vực của Grégoire Delacourt. Ảnh: Ngô Vinh. |
Khiêu vũ bên bờ vực với hành trình câu chuyện của người phụ nữ, một mình tiến tới thang bậc cao nhất của dục vọng để rồi tiếp diễn và quay về trong vòng cương tỏa mang tên gia đình. Emmanuelle thách thức sự an bài, quy tắc xã hội và tháo bỏ đức hạnh để một lần sống với cảm xúc thật của mình.
Cô lầm lũi bước vào bóng đêm của bi kịch và tin rằng “không có anh, em là một người dang dở”. Cuộc vượt ngục trong tâm hồn của người phụ nữ đã có gia đình, mở ra đêm huyền diệu với bình minh rạng tỏa một lời hứa bên nhau, lời hứa lấy lại những gì đã mất trong góc nhỏ tâm hồn.
"Ở đây, dục vọng là một thứ đáng hổ thẹn, một căn bệnh mà lúc nào thể diện cũng chiến thắng”, Emmanuelle từng thốt lên câu ấy trong những lần truy vấn bản thân.
Cô từng nghĩ mình lầm lạc trong chính dục vọng đớn hèn của mình khi chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Sự thèm muốn những thứ mà một gia đình không thể trao cho cô, trở thành động lực để cô trốn chạy cùng người đàn ông mà cô trót yêu bờ môi, nụ cười khi tình cờ gặp trong quán bia.
Khiêu vũ bên bờ vực bày ra hai lựa chọn và không có đáp án nào đúng cho sự quyết định của con tim. Sự phản bội trong cuốn sách chính là cái đẹp, khởi sinh cho những mất mát và bi kịch diễn tiến phía sau.
Nhân tình bị tai nạn giao thông và không thể xây mộng uyên ương. Ngã rẽ với cuộc gặp gỡ những con người mới và trở về gia đình khi hay tin người chồng bạo bệnh chính là hành trình số phận của một người phụ nữ phải trải qua cho một lần dám mạo hiểm với ham muốn của mình.
Bờ vực của cuộc đời trước mặt và cuộc rong chơi của khoái lạc đem đến hai thái cực hoàn toàn trái ngược cho câu chuyện.
Nhà văn Pháp Grégoire Delacourt. Ảnh: Delphine Jouandeau. |
Những câu chuyện gia đình cần được cảm thông
Nếu ở tác phẩm Chỉ là mơ ước thôi, Grégoire Delacourt xây dựng câu chuyện xung quanh một người phụ nữ đan len, thích viết blog an phận với gia đình, bất thình lình trúng vé số và bi kịch ập đến khi phát hiện sự giả dối của chồng mình thì Khiêu vũ bên bờ vực đổi vai và một lần nữa khuấy động những bình yên bằng phép thử dục vọng.
Grégoire Delacourt dường như nằm lòng những con hẻm cảm xúc ẩn khuất trong tâm hồn để rồi bóc tách dần những bề nổi ấm êm của gia đình với tận cùng là chiếc lõi bi kịch.
Ông biến sự an phận trong đời sống thường nhật của người phụ nữ thành những con sóng dữ dội, trườn lên khỏi những chiếc đập vây hãm họ trong rất nhiều năm ở vai trò là người vợ, người mẹ.
Tác giả trao cho nhân vật mình hành trình thay đổi, trưởng thành hơn sau những vấp ngã. Hạnh phúc đi đôi cùng bị kịch, sự ích kỷ song hành cùng sự cảm thông. Những câu chuyện gia đình của Grégoire Delacourt như điệu valve ủi an, chắp cánh cho hạnh phúc đến bờ trước quỹ đạo bé nhỏ mang tên tình yêu.
Grégoire Delacourt sinh năm 1960 tại Valenciennes. Khi còn nhỏ, ông học tại trường trung học dòng Tên La Providence tại Amiens. Sau khi lấy bằng tú tài, ông theo học ngành luật nhưng bỏ học không lâu sau đó.
Ông bắt đầu sự nghiệp viết văn khá muộn. Năm 50 tuổi, ông xuất bản tiểu thuyết đầu tay Nhà văn gia đình. Khiêu vũ bên bờ vực là truyện thứ sáu của Delacourt ra mắt bạn đọc vào tháng 1/2017.