Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Rober Habeck. Ảnh: TASS. |
"Một số quốc gia, bao gồm cả những nước hữu nghị, đôi khi được hưởng mức giá trên trời (để bán khí đốt)", Bộ trưởng Habeck trả lời NOZ trong cuộc phỏng vấn được đăng ngày 4/10, CNBC đưa tin.
Các công ty Mỹ bị Bộ trưởng Habeck điểm tên. Ông cho rằng những công ty này đang bán khí đốt cho Đức với giá "trên trời", theo Local.
"Khi giá dầu tăng cao, Mỹ từng tìm đến chúng tôi. Lúc ấy, các nước châu Âu đã sẵn sàng mở kho dự trữ (cho Mỹ). Tôi nghĩ sự đoàn kết như vậy cũng sẽ có hiệu quả giảm khí đốt", ông Habeck nói.
Từ khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, Đức đã dần loại bỏ khí đốt nhập khẩu từ Nga, chuyển sang nhập khẩu khí đốt của Na Uy và khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.
Quan chức Đức cho rằng các nước châu Âu nên đoàn kết, thông qua EU, để đàm phán giá khí đốt có lợi hơn với các nhà cung cấp bên ngoài châu lục. Ý tưởng của Berlin là thay vì tranh giành nguồn cung, EU nên đồng lòng đàm phán để ép giá khí đốt nhập khẩu xuống.
Tuy vậy, Đức đang hứng chịu chỉ trích của các đồng minh khi từ chối tham gia kế hoạch áp đặt giá trần khí đốt chung cho toàn EU. Thay vào đó, Berlin dự định thực hiện kế hoạch riêng, sử dụng 200 tỷ USD trợ giá khí đốt cho các hộ gia đình.
Cụ thể, Đức áp đặt giá trần cho khoảng 75-80% lượng khí đốt tiêu thụ trung bình của các hộ gia đình, chính phủ sẽ chi trả cho khoản chênh lệch về giá. 20-25% lượng khí đốt tiêu thụ còn lại sẽ được tính theo giá thị trường để thúc đẩy người dân tiết kiệm năng lượng.
Nhóm chuyên gia của chính phủ Đức cho biết sẽ trình kế hoạch trợ giá khí đốt chi tiết lên nội các của Thủ tướng Olaf Scholz trong cuối tuần này.