John Farndon là nhà văn nổi tiếng người Anh. Ông có nhiều đóng góp trong mảng sách khoa học cho trẻ em. Ông đã viết hàng trăm ấn phẩm, bán ra hàng triệu bản trên thế giới và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Dưới lăng kính khoa học của John Farndon, kiến thức khoa học hiện lên gần gũi, dễ tiếp cận hơn với các bạn nhỏ. Điều đó được thể hiện qua các cuốn như: Khám phá Trái Đất, Khám phá cơ thể người và Khám phá khoa học kỹ thuật.
Những cuốn sách khoa học dành cho thiếu nhi. Ảnh: T.H. |
Theo chân người tí hon khám phá khoa học
Với những hình ảnh minh họa đẹp, cùng các sơ đồ đầy màu sắc được thực hiện sống động bởi những người tí hon chạy xung quanh, độc giả nhí sẽ không còn gặp trở ngại trên hành trình khám phá khoa học và cơ thể người.
Trong cuốn Khám phá Trái Đất, những người tí hon đóng vai trò hướng dẫn viên, dắt trẻ tìm hiểu về hành tinh xanh với 5 quả cầu kỳ diệu: Khí quyển, địa quyển, băng quyển, thủy quyển, sinh quyển. Qua đó, trẻ sẽ cùng khám phá cấu tạo của Trái Đất, từ các mảng lục địa thuở xa xưa, núi lửa, động đất và mưa bão, đến thế giới động - thực vật cùng sự đa dạng và kỳ diệu của hành tinh.
Trong cuốn Khám phá cơ thể người, những nhân vật tí hon sẽ dẫn dắt các bạn nhỏ tìm hiểu về cơ thể của con người với các bộ phận từ trong ra ngoài như hệ tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết, sinh dục…
Với cuốn sách này, trẻ hiểu được cách bảo vệ cơ thể để chiến đấu, chống lại các virus xâm nhập hệ thống miễn dịch, hay đơn giản như việc các cơ hoạt động như thế nào, mắt của chúng ta nhìn mọi thứ ra sao.
Trong khi đó, cuốn Khám phá khoa học kỹ thuật mở ra những câu chuyện hấp dẫn đằng sau các hoạt động thường ngày. Theo chân đội quân tí hon, bạn đọc có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra khi bật vòi nước, gửi tin nhắn trên Internet hoặc gọi điện cho bạn bè.
Với mong muốn đưa khoa học trở nên gần gũi với các bạn nhỏ, tất cả trang sách được trình bày cụ thể bằng các các sơ đồ lớn, hệ thống kiến thức chi tiết, dễ hiểu.
Nội dung sách được dẫn dắt bởi khung cảnh người tí hon đang làm việc từ những bộ phận “siêu nhỏ” trong cơ thể như các tế bào máu, cho đến những nơi rộng lớn như Trái Đất. Đây cũng là điểm độc đáo của những cuốn sách khoa học.
Nội dung sách được trình bày dưới dạng sơ đồ, giúp trẻ dễ hình dung hơn về từng sự vật, hiện tượng. Ảnh: T.H. |
Đưa khoa học vào đời sống hàng ngày
Với những ấn phẩm khoa học dành cho thiếu nhi, cha mẹ có thể cùng đọc và tương tác với con thông qua hàng loạt câu hỏi do nhân vật người tí hon trong sách đặt ra.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc trẻ thường xuyên đặt câu hỏi “tại sao” đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh chính là cách trẻ đang thể hiện mối quan tâm cũng như sự phát triển trí tuệ của mình.
Nắm bắt được đặc điểm này, sách khoa học dành cho thiếu nhi được thực hiện từ những điều thân quen, gần gũi diễn ra trong đời sống thường nhật của các bé. Một mặt giúp lý giải những thắc mắc của trẻ; mặt khác, trở thành công cụ hỗ trợ cha mẹ trả lời những câu hỏi của con dưới lăng kính khoa học.
Chẳng hạn, với hành động đổ rác, cha mẹ và con có thể biến nó thành một chủ đề nói chuyện sôi nổi sau khi đọc sách, bằng cách đặt ra các câu hỏi khơi gợi trí tò mò như: Điều gì sẽ xảy ra với rác? Những loại rác nào có thể tái chế? Đối với các loại rác không tái chế được thì chúng sẽ đi đâu?...
Với chủ đề này, tác giả miêu tả hình ảnh những người tí hon đang làm việc chăm chỉ qua từng giai đoạn để xử lý rác thải. Trước khi đi vào tái chế, rác được phân loại, sau đó xử lý theo quy trình khác nhau. Qua đó, các bạn nhỏ sẽ ý thức hơn trong bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất như phân loại rác.
Kiến thức khoa học tưởng chừng khô khan, nhưng khi được thể hiện dưới dạng câu chuyện với những nhân vật thú vị và hình ảnh minh họa bắt mắt sẽ là điểm nhấn giúp trẻ ham đọc sách, mê khám phá hơn mỗi ngày.