Đây là chia sẻ của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khi thông tin về định hướng phát triển thị trường chứng khoán năm 2022.
Cụ thể, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết sau năm 2021 phát triển thành công của thị trường chứng khoán trong nước, năm 2022, cơ quan quản lý dự kiến tập trung phát triển thị trường theo hướng bền vững, xây dựng chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của nền kinh tế.
Về quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhấn mạnh phát triển thị trường hướng tới mục tiêu dài hạn và bền vững, vừa phát triển về mặt quy mô nhưng vẫn đặt trọng tâm nhiều hơn vào chất lượng và sự bền vững.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán sẽ triển khai các giải pháp nhằm ổn định hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Đặc biệt, ông Trần Văn Dũng cho biết trong năm nay, cơ quan quản lý sẽ tập trung xây dựng và khai trương bằng được thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ.
Theo vị lãnh đạo, thị trường này còn rất nhiều tiềm năng, nhưng cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia.
Ngoài ra, việc xây dựng và đưa thị trường này vào vận hành cũng nằm trong mục tiêu phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: CLB Nhà báo Chứng khoán. |
Cũng trong năm nay, ông Dũng cho biết công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch, từ đó củng cố lòng tin của nhà đầu tư.
Đánh giá về tiềm năng phát triển năm nay, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho rằng thị trường đang có nhiều yếu tố khả quan, hỗ trợ tăng trưởng.
Trong đó, Chính phủ đã và đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 để kiểm soát dịch bệnh, cũng như chuyển hướng phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Mặt khác, chương trình phục hồi kinh tế dự kiến áp dụng trong giai đoạn 2022-2023 sẽ giúp doanh nghiệp, nền kinh tế sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục thấp, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào chứng khoán. Điều này giúp dự địa phát triển của thị trường còn rất lớn.
Cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tác động của các gói kích thích kinh tế và xu hướng mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Tuy vậy, ông Dũng cho rằng 2022 vẫn sẽ là một năm khó khăn khi lạm phát được dự báo tăng cao, kinh tế thế giới còn khó khăn.
Hiện tại, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát. Các chính sách này khi được thực thi sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường chứng khoán.
Với những yếu tố hỗ trợ khách quan và nội tại, ông Dũng khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn có triển vọng phát triển tích cực.
“Điều quan trọng là các cơ quan quản lý về chứng khoán và thị trường phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, minh bạch. Đồng thời, các nhà đầu tư cần tiếp cận thị trường một cách cẩn trọng, phân tích đầy đủ thông tin, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào để hạn chế rủi ro”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhấn mạnh.