Tại vương quốc cây ăn trái, hoa kiểng Cái Mơn, huyện Chợ Lách, sầu riêng và măng cụt là 2 loại bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo nhà vườn, khá nhiều vùng sầu riêng đã bị cháy lá và rụng trái non, bởi đặc tính của sầu riêng là chịu mặn kém.
Chị Thắm, chủ vựa sầu riêng Thắm Đẳng cho hay, khi có thông tin hạn mặn năm nay sẽ ảnh hưởng nặng đến địa phương, gia đình chị đã phải bao gốc toàn bộ sầu riêng trong vườn, nhờ vậy mà hạn chế được tình trạng rụng trái non. Tuy nhiên, với măng cụt thì không biết cách gì cứu. Và điều ảnh hưởng trước mắt là vườn cây nhà chị ra hoa chậm và kém nhiều so với mùa trước.
Theo chị Hà, nhà vườn kiểng Năm Công, xã Hưng Khánh Trung B, tại làng kiểng Cái Mơn, những nhà vườn chuyên tạo hình cây cảnh, gieo cây giống hoặc bonsai thì không sợ nước mặn.
"Ở vườn nhà tôi, cây dùng tạo dáng hầu hết là cây xanh, cây si, cây chịu mặn trồng nhiều ở vùng biển nên đơn hàng vẫn có đều. Nhưng những loại cây kiểng khác như các loại có thân nước, các loại hoa thì đang chịu thiệt hại lớn, do phải tưới bằng nước mặn", chị Hà cho biết.
Ở huyện Mỏ Cày Bắc, các hộ kinh doanh sản phẩm từ dừa và vựa cây kiểng đang phải chịu ảnh hưởng của hạn mặn nặng hơn. Anh Nguyễn Minh Tuấn, chủ một cơ sở sản xuất dầu dừa cho biết, cơ sở anh vừa phải khoan giếng và mua máy lọc phèn để phục vụ sản xuất.
“Chi phí khoan giếng và máy lọc tiêu tốn trên dưới 15 triệu đồng. Nhưng nếu hạn mặn kéo dài, thời gian tới cơ sở của tôi sẽ phải đầu tư thêm hệ thống lọc thẩm thấu ngược để xử lý nước mới đảm bảo sản xuất. Nhưng chi phí cho công nghệ này khá đắt, tốn trên 100 triệu đồng”, anh Tuấn nói.
Một hộ ở ấp Ông Thung, huyện Mỏ Cày Bắc vừa đầu tư máy lọc phèn để đảm bảo sản xuất, tưới tiêu. Ảnh: Huỳnh Duyên. |
Tuy nhiên, mối lo lớn hơn nữa, theo chia sẻ của anh Tuấn, là chất lượng dừa trái sẽ giảm nếu tình trạng hạn mặn kéo dài. Nắng hạn, nước mặn sẽ khiến trọng lượng trái dừa giảm đến phân nửa, năng suất thu hoạch cũng sẽ giảm 40-60 %.
Ngoài ra, nước mặn không chỉ gây hại cho việc sản xuất của các hộ sống nhờ vào sản phẩm làm từ dừa mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến chăn nuôi gia cầm, gia súc. Hiện nhiều hộ gia đình phải mua nước ngọt hoặc dùng nước giêng nấu chín để cho heo, gà, vịt uống.
Ở các xã Phú Mỹ, Tân Thành Bình thuộc huyện Mỏ Cày Bắc và khu vực giáp ranh với thành phố Bến Tre, tình trạng mặn còn nặng nề hơn.
Ông Phạm Bằng, chủ vườn cây kiểng Ba Bằng, chỉ vào nền đất có nước mặn đóng thành váng muối, nói: “Vườn cây trái và vườn ươm 2.000 m2 của tôi chết trắng trong đợt mặn này. Cả vườn ước tính có khoảng hơn 10.000 cây trồng và cây non tưới nước sông đều bị rụng trái, cháy lá. Mỗi cây ươm tôi bán 9.000-10.000 đồng, thiệt hại vì vậy lên đến hàng trăm triệu đồng”.
Không riêng hộ ông Bằng mà các hộ dân lân cận đều lâm vào tình trạng này, nhất là ở các vườn chuyên cung cấp cây non. "Sầu riêng, chôm chôm, bưởi, cam, quít, mít, dâu, dừa non, đều rất nhạy mặn. Hiện các hộ có điều kiện trong vùng thì mua nước ngọt hoặc thuê thợ đào giếng nên đỡ thiệt hại. Riêng các vườn ít kinh phí nông dân cắn răng tưới bằng nước sông thì chấp nhận mất trắng”, ông Bằng tặc lưỡi nói.
Trái với hạn mặn đang hoành hành ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, vùng trái cây ở huyện Châu Thành được dự đoán sẽ cho trái đúng vụ và năng suất không giảm nhiều, do mặn chưa xâm nhập tới. Tuy nhiên, các chủ vườn ở đây cũng đang trong tâm trạng thấp thỏm.
Bà Nguyễn Thị Ba, chủ vườn chôm chôm ở xã Tân Phú âu lo: “Vụ chôm chôm này chắc chắn sẽ kịp thu hoạch dịp Tết Đoan Ngọ sắp tới. Nhưng nếu hạn mặn kéo dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các loại cây trái khác sẽ thu hoạch sau đó. Chúng tôi đang lo trữ nước và trải bạt vườn để đề phòng hạn mặn những ngày tới”, bà Ba nói.