Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đưa hình ảnh người Cor vào sách song ngữ

Tập sách với hàng trăm ảnh và trang viết tái hiện lại một gam màu tươi sáng của văn hóa tộc người Cor.

"Đặc biệt, ảnh tư liệu trong sách này cũng là nguồn thông tin di sản thiết thực, giúp các nghệ nhân người Cor nhớ lại những nét văn hóa truyền thống, tinh hoa của dân tộc mình đã bị mất để có thể tái hiện lại, bảo tồn và gìn giữ cho con, cháu đời sau", TS Trần Tấn Vịnh tâm sự.

 

 

Dân tộc Cor sinh sống ở đại ngàn Trường Sơn, thuộc các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Theo nghiên cứu của TS Trần Tấn Vịnh, cộng đồng Cor được xem như một nhóm của dân tộc Xơ Đăng, hay một nhóm của người Cùa; có nhiều nét gần gũi với các dân tộc xung quanh, xét về mặt ngôn ngữ thì hợp thành nhóm ngôn ngữ Ba Na phía Bắc trong dòng ngôn ngữ Môn - Khơme, ngữ hệ Nam Á. Hiện nay, dân tộc Cor có khoảng 30.000 người; trong đó ở Quảng Ngãi (chủ yếu ở hai huyện Trà Bồng, Tây Trà), đã có gần 25.000 người, số còn lại ở địa bàn các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Núi Thành (Quảng Nam)…

 

 

Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Cor là một trong số ít dân tộc thiểu số đã bị mai một, phai nhạt nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Xuất phát từ nguyên nhân đó, TS Trần Tấn Vịnh và nhà nghiên cứu Cao Chư, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi, cất công lặn lội đến các thôn, bản người Cor, bằng máy ảnh đã ghi lại những hình ảnh sinh hoạt, sản xuất; những trang phục, lễ hội độc đáo của dân tộc này và đã cho ra đời tập sách ảnh Người Cor ở Việt Nam khổ 20x20cm. Tập sách song ngữ Việt - Anh dày 192 trang, được NXB Thông tấn in trong quý III/2013, trong đó đề tài lễ hội đã được khắc họa khá sinh động.

Đấu chiêng đôi (thi chếch).

TS Trần Tấn Vịnh cho rằng, trong văn hoá dân tộc Cor, lễ hội là một nhân tố nổi trội nhất. Lễ hội hàm chứa một tổng thể diễn xướng và nghi lễ mang đậm dấu ấn nguyên thuỷ với tư duy hồn nhiên, từ cách bài trí đến các thức cúng, cách thức thực hiện nghi lễ và vui chơi. Lễ hội dân tộc Cor có đấu chiêng đôi (thi chếch) và múa ca đáu, được xem là những loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc, hấp dẫn nhất của người Cor. Điển hình như, Lễ cầu mưa (đớp Mo Hwýt go đhăk), Lễ ăn cơm mới (xa pâng đou), Lễ giả rạ (xa a-ní), Lễ hội ăn trâu (xa ố kpiêu)...

 

 

Tập sách còn giới thiệu nguồn gốc và phân bố dân cư; bản làng, nhà ở; phong tục tập quán, y phục và trang sức người Cor. Phong tục tập quán chủ yếu nêu lên các tập tục trong cưới xin, ma chay. Giống như người Việt, người Cor thích dùng trầu (kwái), đàn ông, đàn bà, nguời già, thậm chí người trẻ cũng ăn trầu. Họ thường ăn trầu với vỏ cây kha-lí. Trầu cau là thứ không thể thiếu trong các lễ hội, cưới xin, tang ma…

 

 

“Tập sách với hàng trăm ảnh và trang viết tái hiện lại một gam màu tươi sáng của văn hóa tộc người Cor. Đặc biệt, ảnh tư liệu trong sách này cũng là nguồn thông tin di sản thiết thực, giúp các nghệ nhân người Cor nhớ lại những nét văn hóa truyền thống, tinh hoa của dân tộc mình đã bị mất để có thể tái hiện lại, bảo tồn và gìn giữ cho con, cháu đời sau”, TS Trần Tấn Vịnh tâm sự

Theo Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm