Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dưa hấu 800 đồng và những cái chết báo trước

Nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta dù có hội nhập, nhưng vẫn đang trên nền tảng sản xuất nhỏ, gắn với thương lái. "Dưa hấu Tân Thanh" là cái chết theo kiểu buôn chuyến.

Những ngày qua, chuyệnnông sản "được mùa mất giá" như dưa hấu đã làm lộ ra nhiều điểm yếu trong khâu tiêu thụ hàng hóa nông sản. Nông dân sẽ còn tiếp tục thiệt hại nếu cứ tiếp tục bỏ mặc họ trên cánh đồng.

PGS. TS. Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN - PTNT), nguyên hiệu trưởng trường cán bộ quản lý NN - PTNT tại TP.HCM, đã chia sẻ trăn trở của mình trong cuộc trò chuyện với báo chí.

- Thưa ông, thông tin những ngày qua về tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa. Lúa gạo ở ĐBSCL vào vụ thu hoạch cũng là lúc vang lên điệp khúc "mất giá"; rau củ các loại "rẻ như bèo"; dưa hấu vứt bỏ lăn lóc. Có thể nói gì về chuyện này?

- Đó chỉ là bề mặt của một thực trạng bế tắc, không lối thoát. Những chuyện như thế còn nhiều và sẽ tiếp tục diễn ra nữa.

Vì sao ư? Rất đơn giản. Nền sản xuất nông nghiệp (SXNN) của chúng ta dù có hội nhập, dù có tăng trưởng, có khối lượng hàng hóa xuất siêu nhưng vẫn đang trên nền tảng sản xuất nhỏ, gắn với thương lái, gắn với hệ thống lưu thông theo kiểu buôn chuyến. "Dưa hấu Tân Thanh" là cái chết theo kiểu buôn chuyến!

PGS. TS. Vũ Trọng Khải.
PGS. TS. Vũ Trọng Khải.

- Thưa ông, tháng 6/2013 đề án tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp đã thông qua. Và tổng kết năm 2013, nông nghiệp nước ta vẫn được xem là "trụ cột" cho cả nền kinh tế đất nước. Nhưng với hiện trạng ngày càng thê thảm như thế này, liệu nông nghiệp có đủ sức làm "trụ đỡ" nữa hay không?

- Tôi nghi ngờ nhận định này. Trong khi nền kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn và thách thức, mà nói rằng nông nghiệp vẫn tăng trưởng, trở thành "trụ đỡ", là "bình phong" trú ẩn cho cả nền kinh tế đang gặp cơn bão suy thoái sao được? Thật là khó tin.

SXNN không đủ sống, nông dân bỏ ruộng ra thành phố làm bất cứ việc gì, không cần đến kỹ năng mà chỉ cần cơ bắp, vẫn có thu nhập cao hơn dù bấp bênh. Sống dưới mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn thế giới, họ trở thành nông dân hạng 2 ở các thành phố lớn. Còn những người bám trụ ở nông thôn, làm ra sản phẩm không bán được, bỏ cho trâu bò ăn không hết.

Như vậy, nông nghiệp chỉ là "trụ đỡ" cho những thành tích ảo, là "bức bình phong" che khuất những nỗi cơ cực của nông dân...

Đã nhận ra từ lâu nhưng... mới chỉ hô hào!

- Xét về chủ trương và chính sách, SXNN và nông dân là thành phần được quan tâm nhiều nhất. Vậy thưa ông, tại sao những bế tắc cũ kéo dài vẫn chưa được khai thông?

- Ngay từ năm 2008, Ban bí thư đã có Nghị quyết 26 TW về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nghị quyết đã được Chính phủ triển khai, Bộ NN - PTNT là đầu mối quan trọng.

Tuy nhiên, dù nhiều biện pháp đã triển khai song hiệu quả còn kém. Việc tái cơ cấu, từ bỏ mô hình tăng trưởng nhờ tăng đầu tư, khai thác kiệt quệ tài nguyên môi thiên nhiên, sử dụng sức lao động giá rẻ, xuất khẩu nông sản thô với giá thấp để chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư theo chiều sâu, áp dụng công nghệ mới, làm gia tăng giá trị nông sản, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng suất và chất lượng nông phẩm, sản xuất thân thiện với môi trường vẫn chỉ là... hô hào nhiều hơn! 

Còn việc tái cơ cấu SXNN, điều này cần phải bàn lại cho rõ ràng, khoa học hơn. Theo tôi, tái cấu trúc không thể giải quyết được những tồn tại yếu kém của nền nông nghiệp mà phải xây dựng lại.

Nhà tranh vách lá không thể "tái cấu trúc" thành nhà tường hay biệt thự

- Cấu trúc lại nền kinh tế kém hiệu quả để có hiệu quả hơn là cách làm phổ biến trên thế giới. Nước ta, do đang là sản xuất nhỏ, kém hiệu quả nên phải tái cấu trúc lại cho có hiệu quả. Có gì chưa ổn chăng mà ông nói cần phải bàn lại?

- Trước khi bàn đến những giải pháp cụ thể, cần có sự đồng thuận, nhất quán về những khái niệm và quan điểm khoa học cơ bản để xây dựng lại nông nghiệp.

Cấu trúc hay cơ cấu lại (Restructuring), chỉ là sự sắp xếp hợp lý hơn những yếu tố cấu thành vốn có, đang tồn tại của một chỉnh thể, đây là nền SXNN nước ta, theo một phương thức nào đó để đạt được những mục tiêu cao hơn hiện tại. Vì thế nó không làm thay đổi về chất của thực thể nền nông nghiệ hiện hữu. Vì nền nông nghiệp của chúng ta hiện nay đã hết dư địa để tăng trưởng và phát triển, càng không còn dư địa để phát triển bền vững và toàn diện. Và cũng không thể khắc phục triệt để và căn bản những yếu kém của nó bộc lộ ngày càng gay gắt như hiện nay.

Xây dựng lại (Reengineering, Perestroika) là tạo ra những yếu tố mới và kết hợp chúng lại với nhau theo một kiểu cấu trúc mới trong một chỉnh thể mới, được vận hành theo một cơ chế quản lý phù hợp với cấu trúc của nó để tạo ra những thuộc tính khác hẳn về chất vốn không tìm thấy ở chỉnh thể cũ.

Thảm cảnh dưa hấu Tân Thanh.
Dưa hấu hư, nhà xe đổ bỏ ở cửa khẩu Tân Thanh.

Chất lượng của chỉnh thể mới sau khi được xây dựng lại được thể hiện bằng các tiêu chí phản ánh mục tiêu của nó. Đó chính là tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân về vật chất và văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.

Có thể ví von cho dễ hiểu thế này. Ta đang ở trong một căn nhà tranh vách lá cũ kỹ dột nát, nắng mưa đều khổ, nay muốn thay đổi thành căn nhà tường hay biệt thự như hàng xóm. Muốn thế chúng ta không thể tái cấu trúc căn nhà tranh kia thành nhà tường khang trang hay biệt thự được mà phải đập bỏ căn nhà tranh, xây dựng lại nhà mới. Đơn giản như vậy.

Từ đây để thấy rằng, với nền sản xuất nhỏ cũ kỹ của chúng ta hiện nay thì không thể thay đổi được nếu chỉ tái cấu trúc nếu đi vào thực hiện! Không thay đổi những yếu tố cấu thành mà chỉ tái cấu trúc là vô nghĩa. Và những căn bệnh của nền sản xuất nhỏ cứ triền miên khởi phát, xuất hiện theo chu kỳ. Quan trọng hơn là khó mà nâng cao đời sống người nông dân khi hiệu quả sản xuất kém cỏi không thể xoay chuyển...

- Thưa ông, câu chuyện của chúng ta về thực trạng đáng lo ngại hiện nay cần phải đề cập đến việc tìm lối thoát. Phải bắt đầu từ đâu để giải quyết hàng loạt vấn đề nêu trên?

- Tồn tại hiện nay là hệ quả của một nền sản xuất hàng hóa nhỏ, tự phát, không có tổ chức.

Sản xuất nông nghiệp không thể hiệu quả nếu mỗi nông dân chỉ có 5 - 7 công đất, chỉ có những doanh nghiệp cò con và thương lái luồn lách vào tận vùng sâu vùng xa thu mua đủ thứ loại lúa chất lên ghe đem về xay xát bán nguyên liệu cho các công ty xuất khẩu. Tất cả yếu tố như vậy của hệ thống nền sản xuất hàng hóa nhỏ cần phải thay đổi, chuyển biến về chất để trở thành nền sản xuất hàng hóa lớn.

- Cấu trúc của nền sản xuất hàng hóa lớn sẽ như thế nào, thưa ông?

- Đó là những yếu tố kinh tế xã hội. Ví dụ, về kinh tế, các chủ thể tham gia ở đây phải lớn lên, nông dân lớn và doanh nghiệp lớn và nhà nước. Nông dân lớn phải tích tụ được ruộng đất. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu cứ lần khân, lăn tăn chuyện nông dân còn đất hay mất đất, có địa chủ hay không có địa chủ thì chết!

Về doanh nghiệp lớn, cần phải tạo điều kiện, hỗ trợ để có đơn vị chế biến lớn, doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Họ quản lý theo chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn và doanh nghiệp phải trở thành xương sống của nền kinh tế.

Tất nhiên, không cần làm tất cả mà chỉ cần cho những mặt hàng chiến lược của đất nước thôi. Có những doanh nghiệp lớn, chế biến sâu, công nghệ hiện đại, có thị trường và có mối liên kết.

Liên kết là gì? Doanh nghiệp phải là nhạc trưởng tổ chức lại nền sản xuất nhỏ, cung cấp đầu vào cho nông dân, trước hết là giống xác nhận để nông dân không trồng lung tung như hiện nay. Ngoài Bắc làm toàn giống lúa lai của Trung Quốc, trong Nam nông dân trồng đủ thứ giống theo tín hiệu của thương lái chứ không phải của thị trường. Bộ NN - PTNT khuyến cáo nông dân không trồng giống 504 nhưng thương lái báo cần mua 504, nông dân nghe theo thương lái chứ đâu nghe Bộ Nông nghiệp!

Một chuyện phổ biến rất không bình thường là thương lái chỉ là khâu trung gian, không chế biến sâu, không nắm thị trường nhưng có quyền lực lớn trong lưu thông và chi phối nhiều chuyện. Tôi không phê phán thương lái vì họ có vai trò lịch sử của họ. Nhưng chuyển qua sản xuất lớn, doanh nghiệp lớn lên thì thương lái sẽ tự tiêu vong.

Chúng ta hãy thử xem mô hình tổ chức sản xuất lớn của công ty thuốc bảo vệ thực vật An Giang. Cách đây vài năm công ty tổ chức ký hợp đồng với nông dân được 67.000 ha, năm nay đã được trên 100.000 ha. Công ty cung cấp giống xác nhận và cử hàng nghìn kỹ sư xuống "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nông dân, hướng dẫn họ sản xuất theo quy trình VietGap. Tới vụ thu hoạch, công ty mua toàn bộ sản phẩm đem về sấy và chế biến xuất khẩu.

Mô hình này đem lại hiệu quả rất cao vì đã giải quyết và xử lý được những tồn tại của kiểu làm nhỏ: chất lượng cao và đồng nhất, số lượng lớn đủ sức cung cấp cho khách hàng, giá cả cao.

Còn vai trò của nhà nước là xây dựng chính sách khuyến khích và kiến tạo phát triển. Tôi ví dụ đơn giản thế này, nếu như toàn bộ kinh phí khuyến nông công ty bảo vệ thực vật An Giang chi hết bao nhiêu, nhà nước sẽ trả thay vì để cho Trung tâm khuyến nông quốc gia. Được quá đi chứ. Đằng nào nhà nước cũng phải chi, thì chi cho khuyến nông của doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn là chi ở Trung tâm khuyến nông quốc gia. Cơ quan này bị hành chính mất rồi.

Hoặc là chi cho tạm trữ lúa gạo lâu nay, lẽ ra nhà nước có thể cho những doanh nghiệp chế biến vay đầu tư công nghệ chế biến sâu ở nông thôn, tài trợ lãi suất thì sẽ có hiệu quả hơn và chúng ta sẽ có đội ngũ doanh nghiệp chế biến lớn.

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/169862/dua-hau-800-dong-va-nhung-cai-chet-bao-truoc.html

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm