Vụ nổ bình gas tàu cá BV-97799-TS rạng sáng 16/9 làm 18 thuyền viên bị nạn cùng với hàng loạt tai nạn tương tự xảy ra thời gian qua là hệ quả tất yếu của sự lơ là, chủ quan của các chủ tàu.
Hiểm họa rình rập
Sáng 17/9, tàu cá BĐ-97139-TS của ông Phạm Ngọc Trường (quê Bình Định) cập cảng Hòn Rớ để cân cá. Bảy bình gas được ông Trường chất trên mui, nối ống dẫn gas xuống bếp đặt dưới khoang tàu. Do bị phơi nắng và thường xuyên tiếp xúc với nước biển nên hầu hết van bình gas bị hoen gỉ, phần đầu ống dẫn bị bào mòn.
“Nguy hiểm là thế nhưng vẫn còn đỡ hơn để trong khoang tàu, lỡ nổ thì đi tong” - ông Trường nói.
Tại cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), tàu cá 800 mã lực QNg-90269-TS của ông Nguyễn Tiến Dũng chuẩn bị ra khơi. Trong 8 bình gas được đưa lên tàu, một bình cho xuống khoang bếp, còn lại 7 bình để sau đuôi tàu. Thuyền viên Nguyễn Anh Hùng vô tư: “Đặt nó gần máy nổ mới lo chứ để trên này ăn thua gì. Lâu nay, tụi tôi làm thế nhưng có sao đâu!”.
Để phục vụ hậu cần ra khơi, mỗi tàu đánh bắt xa bờ thường mang theo từ 5-8 bình gas loại 12 kg như thế. Đáng nói là bình gas bị bỏ lăn lóc trên tàu. Trong điều kiện bảo quản không an toàn, những “quả bom” này có thể gây họa lớn bất cứ lúc nào. Thực tế đã có khá nhiều vụ tai nạn xảy ra.
Các bình gas bị phơi nắng và chỉ ràng buộc đơn giản trên mui tàu cá. |
Điển hình, tối 6/9, tàu cá BTh-98603-TS, gồm 16 thuyền viên do ông Trần Quang Chiến (31 tuổi, trú tại xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) làm thuyền trưởng khi đang hoạt động tại khu vực biển Bình Thuận thì bị chìm do nổ bình gas. Vụ nổ khiến thuyền viên Phạm Văn Bảnh (ngụ xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) bị mất tích, đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Trước đó, giữa tháng 6/2014, tàu BTh-85363-TS của ông Ngô Hải (trú xã Long Hải, huyện Phú Quý) trong lúc đánh bắt tại vùng biển cách đảo Phú Quý 3 hải lý thì bình gas phát nổ làm tàu bốc cháy và chìm; 3 người tử vong, 3 người bị thương.
Sơ sẩy là chết
Một lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết rất nhiều bình gas trên các tàu cá được ngư dân sử dụng thường rất cũ, gỉ sét nên rất dễ dẫn đến cháy nổ.
Dẫn vụ nổ bình gas thiêu rụi tàu cá PY-2446-TS của ông Trần Quang Nguyên (ngụ phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vào năm 2008, ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - nói: “Trên biển, cái gì cần lửa cũng dùng bình gas hết. Hút thuốc cũng bật bếp gas. Bình gas để lâu ngày trong gió biển thì gỉ sét, không an toàn nhưng ngư dân rất chủ quan, bất cẩn”.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn, cho biết thêm cảng thường xuyên cử người nhắc nhở ngư dân bảo đảm an toàn trước khi xuất bến nhưng không ít chủ tàu cá tỏ ra hời hợt với việc này.
Đúng như lời ông Thiện, quanh cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) có hàng trăm tàu ra vào nhưng không một tàu nào trang bị bình cứu hỏa. Chủ tàu cá KH-96777-TS Nguyễn Văn Út nói: “Quy định phải có nhưng có tàu nào trang bị đâu!”.
Ông Phan Thuẫn thừa nhận chẳng mấy tàu trong nghiệp đoàn nghề cá của ông trang bị bình cứu hỏa.
“Tốn tiền nhưng mua về mươi ngày nửa tháng gỉ sét hết. Có xảy ra cháy thì người ta dùng gàu múc nước biển để chữa cháy là được rồi nên không ai muốn sắm. Đến khi có đoàn kiểm tra xuống thì cũng nói thật vậy và được thông cảm cho qua” - ông Thuẫn thành thật.
Bỏ qua kiểm định bình gas trên tàu
Trước ghi nhận của phóng viên về việc nhiều tàu cá ở cảng Hòn Rớ lơ là công tác phòng chống cháy nổ, ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, khẳng định gần 1.200 tàu cá xa bờ ở tỉnh này đều được tổ chức kiểm định hằng năm. “Có thể do các tàu cất bình cứu hỏa kỹ quá nên phóng viên không thấy?!”- ông Én phân trần.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, cho rằng để kiểm định an toàn tàu cá, chi cục chỉ kiểm định về hệ thống cứu sinh, cứu hỏa, còn việc bình gas là thiết bị phục vụ sinh hoạt trên tàu thì không thuộc phạm vi kiểm định.
Chưa tìm được 15 nạn nhân vụ nổ bình gas chìm tàu cá
Hải Phòng: Cứu 7 người gặp nạn trên biển. Cà Mau: Tàu cá cùng 6 ngư dân mất tích
Về vụ tàu cá BV-97799-TS bị chìm do nổ bình gas trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, đến trưa 17/9, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III (Vungtau MRCC) phối hợp với các tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 2 và tàu cá của ngư dân tiếp tục tìm kiếm 15 nạn nhân. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết xấu, sóng to, biển động mạnh nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, lúc 3h sáng 16/9, tàu cá BV-97799-TS do bà Phạm Thị Ngọc (ngụ phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm chủ trong lúc vào bờ, khi còn cách Côn Đảo 30 hải lý thì bị nổ bình gas khiến tàu chìm. Vào thời điểm bị nạn, trên tàu có 18 người (không phải 20 người như thông tin ban đầu, do 2 thuyền viên đã vào bờ trước đó vì việc gia đình). Đến 21h cùng ngày, tàu SAR 413 của Vungtau MRCC tiếp cận được tàu cá và cứu 3 thuyền viên.
Cũng trong ngày 17/9, người thân của 18 ngư dân gặp nạn đã tập trung tại nhà của chủ tàu là bà Phạm Thị Ngọc để chờ tin tức từ phía các đơn vị tìm kiếm. Ông Mai Ngọc Thuận, Bí thư Thành ủy TP Vũng Tàu, cùng các cơ quan chức năng đã đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ với gia đình 18 nạn nhân.
Cùng ngày, Đồn Biên phòng Cát Bà (TP Hải Phòng) cho biết đã cứu 7 thuyền viên trên 2 tàu, thuyền bị nước nhấn chìm trên biển vì sóng to, gió lớn.
Vào khoảng 12h45 ngày 17/9, đồn nhận được tin báo có một tàu trọng tải khoảng 3,5 tấn do ông Nguyễn Văn Thản (trú tại Bắc Ninh) làm thuyền trưởng đang trên hành trình từ khu vực Cửa Dứa (Quảng Ninh) về cảng Hải Phòng thì bị hỏng lái điện. Tàu bị chìm hoàn toàn, 5 người trôi trên mặt nước. Đồn Biên phòng Cát Bà đã cử 13 cán bộ, chiến sĩ, sử dụng tàu BP020602 và 1 xuồng cao tốc ra cứu được 5 người.
Lúc 10h cùng ngày, tại khu vực bãi tắm Cát Cò 3 (huyện Cát Bà), chiếc thuyền nan chở 2 người cũng bị sóng to bị đánh chìm. Đồn Biên phòng Cát Bà cũng kịp thời cứu sống 2 người này.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều lực lượng cùng với ngư dân khẩn trương tìm kiếm tàu cá CM 993.33 TS bị mất liên lạc từ ngày 15/9. Trên tàu có 6 thuyền viên được xác định mất tích cùng với con tàu.
Theo trình báo của chủ tàu là bà Nguyễn Thị Kim Sang (ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), vào chiều 15/9, tàu này di chuyển vào đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) để tránh bão. Khi ở vị trí cách đảo khoảng 10 hải lý về hướng Tây Nam thì mất liên lạc với đất liền.