Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đua bay thẳng Việt - Mỹ nóng trở lại giữa dịch bệnh

Dù dịch Covid-19 tại cả Việt Nam và Mỹ đều đang diễn biến phức tạp, cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways đều tuyên bố lên kế hoạch bay thẳng Mỹ vào cuối 2021.

bay thang viet nam my anh 1

Tiềm năng khai thác của đường bay thẳng Việt - Mỹ từ lâu đã được các hãng hàng không Việt Nam đánh giá tích cực. Nhiều chuyên gia hàng không nhận định, lượng khách Mỹ sang Việt Nam mỗi năm khoảng 700.000 lượt, trong khi lượng khách Việt Nam sang Mỹ cũng ở mức 100.000 lượt.

Hấp dẫn hơn nhờ dịch bệnh

Đây là con số thống kê trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm hiện tại, việc đo đếm quy mô thị trường đường bay thẳng Việt - Mỹ là không phù hợp khi dịch bệnh gần như đã xóa sạch lượng khách bay giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, cả hai hãng bay đều kỳ vọng lớn vào việc Việt Nam và Mỹ triển khai tiêm vaccine Covid-19 diện rộng, có thể giúp đường bay thẳng nối hai nước bùng nổ về lượng khách.

bay thang viet nam my anh 2

Lãnh đạo của cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways đều đánh giá cao tiềm năng của đường bay thẳng Việt - Mỹ khi việc tiêm vaccine Covid-19 trở nên phổ biến ở cả hai nước trong giai đoạn cuối 2021, đầu 2022. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch của Bamboo Airways, yếu tố tiêm chủng vaccine trên toàn cầu sẽ tạo ra một sự “bùng nổ” trong ngành hàng không vào cuối năm nay. Đây là lý do hãng bay đã sẵn sàng cho dự định bay thẳng tới Mỹ trong quý IV/2021.

Phía Vietnam Airlines, Hội đồng quản trị của hãng vừa chấp thuận kế hoạch triển khai bay đến Mỹ theo kiến nghị của Tổng giám đốc Lê Hồng Hà. Hãng hàng không quốc gia khẳng định đây là thời điểm phù hợp để triển khai mở đường bay thẳng tới Mỹ. Dự kiến chuyến bay đầu tiên trong tham vọng này hãng này sẽ cất cánh vào đầu năm 2022.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết từ tháng 5/2020, hãng đã thực hiện 12 chuyến bay đưa người Việt Nam từ Mỹ về nước trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, số lượng người Việt tại Mỹ có nhu cầu về nước còn rất lớn. Vietnam Airlines đã khai thác hết số chuyến bay hồi hương được nhà chức trách Mỹ cho phép ngay từ tháng 8/2020. Bởi vậy, nhằm phục vụ nhu cầu lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, hãng cần tiếp tục thực hiện các chuyến bay hồi hương dưới hình thức xin phép bay thương mại thường lệ.

Đối tượng khách bay mà cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways hướng tới trong tham vọng bay thẳng Việt - Mỹ là khách bay ngoại giao, công vụ, chuyên gia, doanh nhân, du học sinh, thân nhân người nước ngoài.

Để từng bước khai thác thị trường tiềm năng này, Vietnam Airlines muốn chia kế hoạch khai thác thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn một, sản phẩm được thiết kế để phục vụ nhu cầu hồi hương trong tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, sản phẩm cũng phục vụ khách có nhu cầu quay lại Mỹ học tập, làm việc.

Do đó, các chuyến bay giai đoạn một sẽ tương tự các chuyến bay thuê chuyến hồi hương từ Mỹ mà Vietnam Airlines đã triển khai. Chiều từ Việt Nam đi Mỹ, Vietnam Airlines mở bán phục vụ khách có nhu cầu quay lại Mỹ làm việc, học tập trên nguyên tắc đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách.

Chiều từ Mỹ về Việt Nam, cung cấp tiêu chuẩn dịch vụ trên không theo hướng đơn giản, thuận tiện cho khai thác, tương tự các chuyến bay hồi hương đã thực hiện, đảm bảo tuân thủ chặt các yêu cầu phòng chống dịch và tối đa khả năng cung ứng các dịch vụ từ Việt Nam để tiết kiệm chi phí.

Sau khi kết thúc giai đoạn 1, dựa trên khả năng phục hồi thị trường hàng không giữa 2 nước sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khai thác thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ. “Đường bay dự kiến có thể chuyển sang giai đoạn 2 từ năm 2022", lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định.

Với kế hoạch tham vọng này, Vietnam Airlines kỳ vọng sẽ tận dụng được đội bay thân rộng của hãng, dự kiến dư thừa trong tương lai gần do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Miếng bánh khó nhằn cho cả hai hãng

Nói về kế hoạch khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ của Bamboo Airways, lãnh đạo hãng bay từng chia sẻ tổng cộng chi phí thuê máy bay, nhiên liệu, chi phí kỹ thuật, mỗi chuyến bay thẳng Việt Nam - Mỹ sẽ tiêu tốn của hãng 113 tỷ đồng/tháng cho một máy bay Boeing 787-9 với tần suất khai thác 17 chuyến mỗi tháng.

Vị này khẳng định nếu bán vé ở mức 1.100 USD cho 240 khách mỗi chuyến, Bamboo Airways sẽ lỗ nhẹ nhưng chỉ cần đưa giá vé lên 1.300 USD, hãng sẽ lãi 8 tỷ đồng.

bay thang viet nam my anh 3

Ngoài cạnh tranh với các hãng bay trong khu vực trên đường bay Việt - Mỹ, hai hãng bay Việt cũng sẽ đối đầu lẫn như khi cùng cất cánh một thời điểm. Ảnh: Hoàng Hà.

Mức giá vé 1.300 USD mà Bamboo Airways dự kiến áp dụng cho đường bay thẳng Việt - Mỹ được hãng cho là cạnh tranh và thuận tiện hơn các hãng bay trong khu vực khai thác đường bay này dưới dạng quá cảnh 1 điểm dừng.

Tuy nhiên, khai thác thực tế đường bay thẳng Việt - Mỹ nhiều khả năng sẽ không ngọt ngào như tính toán của Bamboo Airways.

Trước dịch Covid-19, không có hãng bay nào của cả hai nước tham gia khai thác đường bay tham vọng này.

Lần gần nhất có hãng bay khai thác bay thẳng Việt Nam - Mỹ là United Airlines khi hãng từng mở đường bay thẳng San Francisco - TP.HCM. Tuy nhiên, hãng này đã phải dừng khai thác vào năm 2016, mà lý do được giải thích là đường bay này không hấp dẫn về mặt thương mại.

Northwest Airlines cũng từng khai thác chặng bay thẳng Việt - Mỹ nhưng cũng đã phải chịu thua bài toán kinh tế.

Chính lãnh đạo Vietnam Airlines từng ước tính sẽ cần khoảng 5-10 năm mới có thể khai thác hòa vốn đường bay này khi theo tính toán giai đoạn đầu khai thác đường bay này sẽ lỗ khoảng 30 triệu USD/năm.

Nói về khó khăn khi khai thác đường bay Việt - Mỹ, giáo sư Nawal Taneja, cố vấn cấp cao trường kinh doanh Fisher thuộc Đại học Ohio cho rằng đường bay này phải cân nhắc trên cơ sở tìm hiểu thị trường, tiếp thị, tần suất bay. Giáo sư Taneja cho hay bay thẳng đến Mỹ là đường bay dài, đòi hỏi loại máy bay đặc biệt, với chi phí lớn.

"Cần nhìn lại việc 2 hãng hàng không Mỹ từng bay thẳng đến Việt Nam, vì sao họ lại dừng? Hơn ai hết, hãng hàng không cần tự đánh giá nguồn lực của mình. Nếu chỉ phục vụ khách thăm thân hay du lịch thì không hiệu quả. Đường bay Mỹ muốn hiệu quả phải hướng tới những người không muốn tốn thời gian quá cảnh, là những doanh nhân sẵn sàng chấp nhận trả giá cao, song đi kèm với đó là dịch vụ thuận tiện với tần suất ít nhất 3 chuyến/tuần", chuyên gia này cho hay.

Ngoài việc cạnh tranh với các hãng bay khu vực khai thác dạng một điểm dừng với mức giá vé hợp lý, khó khăn lớn nhất của Bamboo Airways và Vietnam Airlines trong tham vọng bay thẳng Việt - Mỹ cuối năm 2021 chính là cạnh tranh giữa hai hãng bay này.

Trên đường bay mà một mình United Airlines khai thác cũng không hấp dẫn về kinh tế thì cả hai hãng bay Việt sẽ phải chia đôi chiếc bánh khi muốn cất cánh cùng một thời điểm.

Cuối năm 2021 và đầu 2022 sẽ là giai đoạn quyết định hãng bay nào thực sự có tham vọng hơn với đường bay thẳng Việt - Mỹ cũng như quyết định hãng bay nào sẽ nhanh chân hơn để chiếm thế thượng phong. Yếu tố này từng được TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định khi ông cho rằng chuyện thiết lập đường bay thẳng Việt - Mỹ là chuyện "tất yếu, vấn đề chỉ là khi nào, thế nào và ai là người tiên phong".

Hiện cả hai hãng bay đều đã sẵn sàng về đội bay, giấy phép và các kiểm tra về năng định khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ.

Bamboo Airways muốn lên sàn cuối quý III, dự kiến vốn hóa 2,7 tỷ USD

Chia sẻ với Bloomberg, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Bamboo Airways cho hay hãng dự kiến niêm yết muộn nhất vào quý III/2021 với vốn hóa kỳ vọng ở mức hơn 62.000 tỷ đồng.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm