“Được sự cho phép của Thủ tướng, hôm nay, tôi xin thông báo dự trữ ngoại hối quốc gia đã đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay với trên 35 tỷ USD”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói. Mức dự trữ này, theo ông Bình, tạo vị thế lớn cho Việt Nam trên trường quốc tế.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng gửi tới cộng đồng doanh nghiệp tham dự hội nghị thông điệp về ổn định chính sách tiền tệ trong năm 2014. Theo đó, tỷ giá ổn định và tối đa chỉ điều chỉnh với mức tối đa 1% từ nay tới cuối năm, các doanh nghiệp vì thế có thể yên tâm xây dựng phương án kinh doanh.
Đối với lãi suất, Ngân hàng Nhà nước luôn tìm cơ hội để giảm. “Cứ 10 đến 15 ngày, chúng tôi lại xem xét, có cơ hội là thực hiện ngay. Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng từ nay đến cuối năm giảm 1-2% lãi suất cho vay”, Thống đốc Bình thông tin.
Liên quan đến các khoản vay cũ lãi suất cao, ông Bình cho biết, tính đến thời điểm hiện tại lãi suất trên 13%/năm toàn hệ thống chỉ chiếm 16% tổng dư nợ. Riêng các khoản vay trên 15% một năm chỉ còn 5% tổng dư nợ.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trao đổi với các đại biểu tại bên lề hội nghị sáng 28/4. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trong khi đó, tại thời điểm giữa năm 2012 có tới 70% dư nợ có lãi suất trên 15% mỗi năm.
Ngoài ra, lãi suất nợ cũ theo đánh giá đã có thay đổi lớn về cơ cấu. Qua rà soát, ngân hàng nhà nước xác định mức lãi trên 13% chủ yếu rơi vào lĩnh vực không khuyến khích như cho vay tiêu dùng. Theo ông Bình đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro nên các ngân hàng phải áp mức lãi suất cao hơn, tránh việc cho vay nặng lãi.
Với lĩnh vực bất động sản (BĐS), ngân hàng phân làm 2 loại. Đối với các dự án thực sự có hiệu quả, doanh nghiệp sẵn sàng vay với lãi suất 14-15% một năm, cốt làm sao đủ vốn để triển khai dự án. Đối với các doanh nghiệp BĐS “đã chết rồi thì chẳng ai cơ cấu lại nữa".
"Ngân hàng cứ để đấy thôi, khoản này chúng ta cũng chịu", ông Bình nói.
Ngoài tiêu dùng và bất động sản, lãi cao còn tập trung ở các khoản nợ quá hạn mà doanh nghiệp bị ngân hàng phạt lãi suất chậm trả 150% mỗi năm. Theo ông Bình, các ngân hàng cũng đặt vấn đề, đối với doanh nghiệp không còn khả năng tồn tại thì để đó. Còn nếu họ trả được một phần nợ gốc, ngân hàng sẽ xóa nợ.
"Lãi suất phạt chỉ để ngân hàng gây áp lực, nếu thu được đúng lãi suất đó là phấn khởi rồi", Thống đốc Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định thêm, sắp tới hệ Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các tổ chức tín dụng, thông qua đối thoại với doanh nghiệp, chính quyền địa phương (tận cấp phường) ghi nhận các khó khăn cụ thể để có giải pháp.