Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đây là dự án quan trọng quốc gia với mức đầu tư 21.935 tỷ đồng.
Theo báo cáo, tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài 117,5 km, điểm đầu giáp cảng Nam Vân Phong (Khánh Hòa), điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Đoạn đi qua Khánh Hòa dài 32,7 km, đoạn đi qua Đắk Lắk dài 84,8 km.
Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được kỳ vọng sẽ san sẻ áp lực giao thông với quốc lộ 26 vốn thường xuyên hư hỏng vì thiên tai. Ảnh: Minh Quý. |
Diện tích đất cần sử dụng cho dự án gần 940 ha. Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến hơn 770 hộ dân, trong đó 593 hộ phải di dời tái định cư. Chi phí bồi thường, tái định cư dự kiến 2.300 tỷ đồng.
Về quy mô làn xe, Bộ GTVT xác định đầu tư 4 làn xe toàn tuyến. Tuy nhiên, đoạn từ cảng Nam Vân Phong đến nút giao cao tốc Bắc - Nam dài 7 km sẽ được thiết kế mặt đường rộng 24,75 m (có làn dừng khẩn cấp). Đoạn còn lại chỉ được thiết kế rộng 17 m (không có làn khẩn cấp).
Bộ GTVT đã nghiên cứu đầu tư cao tốc này theo phương thức đối tác công tư PPP với việc Nhà nước góp 50% tổng vốn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy vốn góp của Nhà nước phải lên tới 82-87% thì dự án mới đạt hiệu quả tài chính. Điều này trái với chủ trương "vốn Nhà nước chỉ là 'vốn mồi' để thu hút vốn xã hội hóa".
Với những khó khăn trong đầu tư PPP, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ đầu tư cao tốc này theo hình thức đầu tư công, sử dụng nguồn vốn trung hạn kết hợp với vồn từ Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ được nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn.
Do dự án nằm trong vùng có địa hình đồi núi, điều kiện thi công khó khăn, Bộ GTVT dự kiến phải mất 3 năm để thi công dự án (2023-2026).
Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được triển khai đầu tư đáp ứng sự mong mỏi của người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Đắk Lắk trước nhu cầu vận chuyển, giao thương hàng hóa xuống các cảng biển tại Khánh Hòa, Bình Định. Dự án hứa hẹn tạo động lực thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Trước đó, người dân di chuyển giữa Đắk Lắk và Khánh Hòa thông qua quốc lộ 26. Tuyến đường đã nhiều lần hư hỏng, xuống cấp do phải gánh lượng xe quá khổ, quá tải và hậu quả mưa lũ, thiên tai.