Sau một tháng công bố dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của chuyên gia và người sử dụng phương tiện với nhiều điểm mới nêu trong dự luật.
Thay đổi nhiều thói quen giao thông
Dự thảo luật bao gồm 151 điều, bổ sung thêm rất nhiều quy định mới so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành ban hành năm 2008 chỉ có 89 điều.
Xe máy và xe đạp điện phải bật đèn cả ngày là một điểm mới trong dự luật được người dân quan tâm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Cụ thể, một số thói quen giao thông như bấm còi inh ỏi, bật nhạc lớn trên xe có thể bị hạn chế trong tương lai bởi Khoản 6, Điều 10 của dự luật quy định người điều khiển phương tiện phải chú ý không để phương tiện của mình làm ảnh hưởng cho những người tham gia giao thông khác như gây ra tiếng ồn, làm bụi, khói mà thực tế có thể tránh được.
Đây là điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ 2008. Luật hiện hành chỉ yêu cầu không bấm còi liên tục, đảm bảo âm lượng còi và tiếng ồn, khí thải theo đúng quy chuẩn môi trường.
Để tránh ùn tắc tại các nút giao có đèn giao thông, Khoản 1 điều 13 dự luật quy định phương tiện gặp đèn xanh vẫn phải dừng lại nếu hướng định đi tới đang bị ùn tắc, nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển màu.
Về khái niệm dừng xe, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ định nghĩa chung chung dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết. Khoản 1 Điều 24 của dự luật đã quy định rõ thời gian dừng xe là quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để đóng mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe.
Nhiều điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi nhằm hạn chế tình trạng tắc đường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khoản 3, Điều 27 được chú ý nhiều nhất trong dự luật bởi quy định bắt buộc môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông (cả ngày lẫn đêm) phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn, không đồng tình, đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ GTVT căn cứ theo Công ước Vienna 1968. Công ước này coi xe máy là phương tiện yếu thế (so với ôtô) trên đường nên phải có đèn nhận diện để giảm tai nạn.
Một điểm cũng liên quan trực tiếp đến người lái môtô, xe máy là quy định môtô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về hệ thống xả khí thải (Khoản 6, Điều 93). Dự luật nêu rõ việc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy sẽ do cơ quan đăng kiểm thực hiện.
Điểm này khác hẳn Luật Giao thông đường bộ hiện hành bởi trong luật hiện hành chỉ bắt buộc đăng kiểm định kỳ với ôtô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ôtô.
Với người lái xe máy dưới 50 phân khối và xe đạp điện không vượt quá 4 kW, dự thảo yêu cầu có bằng lái xe hạng A0 để điều khiển các loại phương tiện này (Điểm a, Khoản 3, Điều 103). Theo luật hiện hành, người lái xe máy dưới 50 phân khối hoặc xe đạp điện không cần bằng lái mà chỉ cần đủ 16 tuổi.
Tiếp thu góp ý để hoàn thiện
Chiều 26/5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn văn Thể chủ trì cuộc họp về việc tiếp thu ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Bộ trưởng ghi nhận một số ý kiến chưa được dư luận xã hội ủng hộ như các quy định xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày, đèn xanh không được đi khi nút giao ùn tắc...
Đối với quy định đèn xanh không vào nút giao khi có ùn tắc, xung đột giao thông, Bộ trưởng yêu cầu ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn, định nghĩa rõ hơn các tình huống để người dân hiểu, dễ dàng chấp hành, nghiên cứu đồng bộ với các giải pháp công nghệ để điều hành, tổ chức giao thông đảm bảo khách quan, tiện lợi.
Về quy định bật đèn nhận diện ban ngày, tư lệnh ngành giao thông cho rằng hầu hết các nước tiên tiến đã áp dụng, chỉ còn 4 nước Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.
"Đây là biện pháp nhằm tăng cường tính phát hiện phương tiện khi đi đối diện hoặc tại các vị trí khuất tầm nhìn. Hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh trên cơ sở khoa học", ông Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu ban soạn thảo nghiên cứu, giải thích rõ với người dân về đèn nhận diện ban ngày, tránh tình trạng người dân hiểu là đèn pha, cốt như hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà sản xuất, đơn vị lắp ráp, nhập khẩu xe máy phải đưa vào tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, cơ quan báo chí, các hiệp hội và người dân đã đóng góp nhiều ý kiến phản biện, để hoàn thiện dự thảo luật. Bộ trưởng yêu cầu ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo luật, kịp thời trình Quốc hội trong năm nay.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Bộ GTVT tổ chức soạn thảo và thực hiện lấy ý kiến góp ý từ 21/4 đến 21/6.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong kỳ họp này Quốc hội sẽ biểu quyết bổ sung Luật Giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020. Luật sửa đổi sẽ được báo cáo lần đầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 10 và dự kiến thông qua vào kỳ họp tiếp theo.