Theo Báo cáo Tài chính hợp nhất kiểm toán quý II, tính đến 30/6, tổng tài sản của VietinBank đạt 1.140 nghìn tỷ đồng, tăng 4,11% so với cuối năm 2017 và tăng 10,09% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng tăng 7,61% so với cuối năm 2017 đạt hơn 900.000 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt 868.000 tỷ đồng, tăng 9,72% so với cuối năm 2017 và tăng 18,84% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được con số ấn tượng này, ngay từ đầu năm VietinBank đã chủ động và tích cực tìm kiếm, phát triển khách hàng mới bên cạnh việc giữ chân khách hàng truyền thống. Bên cạnh đó, VietinBank cũng tập trung mở rộng quy mô hoạt động thông qua các chương trình xúc tiến, hợp tác và đáp ứng dòng vốn cho tất cả lĩnh vực, ngành nghề, thành phần kinh tế.
Khách hàng giao dịch tại Vietinbank. |
Riêng với khách hàng bán lẻ, VietinBank tăng cường việc lan tỏa dòng vốn cũng như tiện ích của các sản phẩm, dịch vụ (SPDV). Thông qua các chương trình thi đua tăng trưởng số lượng khách hàng ưu tiên, số lượng khách hàng cá nhân tiền vay, tốc độ tăng trưởng dư nợ bán lẻ bình quân… dư nợ bình quân khách hàng bán lẻ đã đạt tốc độ tăng trưởng tới 23% so với năm 2017.
Với nhóm khách hàng SME, VietinBank ban hành nhiều chương trình thúc đẩy tín dụng như: Đồng hành cùng SME; gói tín dụng “Cho vay linh hoạt - lãi suất cố định”; gói vay 10.000 tỷ đồng hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM; Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay dành cho DN khởi nghiệp quy mô 3.000 tỷ đồng; cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch… Nhờ giải pháp tổng thể này, dư nợ bình quân của phân khúc khách hàng SME cũng tăng tới 21%.
VietinBank tăng cường hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp. |
Cùng với đó, dư nợ bình quân của khách hàng doanh nghiệp FDI và khách hàng doanh nghiệp lớn được duy trì tăng trưởng khả quan, dòng vốn từ VietinBank đã giúp cộng đồng DN phát triển sản xuất kinh doanh.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng dư nợ tín dụng VietinBank lại không “nóng” nhờ chủ động thực hiện tốt việc quản lý danh mục tín dụng. Theo đó, một mặt VietinBank chú trọng tăng trưởng gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu tín dụng; mặt khác chọn lọc khách hàng gắn với chuyển dịch cơ cấu khách hàng. Giải pháp này giúp VietinBank đa dạng hóa hoạt động tín dụng và kinh doanh, ưu tiên tín dụng cho phát triển lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng ngắn hạn, khách hàng sử dụng nhiều SPDV.
VietinBank liên tục tung ra các sản phẩm, dịch vụ tiện ích hỗ trợ DN kinh doanh hiệu quả. |
Theo đó trong 6 tháng đầu năm, xét theo phân khúc khách hàng, VietinBank tiếp tục giữ vững thị phần về khách hàng doanh nghiệp, song song với việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu danh mục cho vay ở các phân khúc SME, bán lẻ và FDI. Còn theo cơ cấu ngành nghề, dư nợ VietinBank tăng trưởng gắn với lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ cao, các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, dầu khí… Nếu xét theo loại hình DN, cơ cấu cho vay tại VietinBank đang có sự chuyển dịch từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế tư nhân, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu DN nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ.
VietinBank định hướng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả nên luôn chú trọng công tác nhận diện sớm rủi ro. Bằng việc duy trì các chốt kiểm soát, VietinBank không chỉ kiểm soát tốt chất lượng tín dụng; mà còn tăng cường năng lực giám sát, tư vấn các giải pháp tài chính cho khách hàng, từ đó đảm bảo dòng vốn phát huy hiệu quả.
Cùng với việc bảo đảm kế hoạch lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng; VietinBank tiếp tục duy trì là ngân hàng có chất lượng nợ tốt nhất hệ thống với tỷ lệ nợ xấu cho vay tại thời điểm 30/6 là 1,29% (hợp nhất).