"Đó là một sự mất mát văn hóa đối với nhân loại", SCMP trích dẫn đánh giá của Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Hwang Hee khi thảo luận về tác động của việc nhóm nhạc nam BTS phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Bình luận của Hwang vào ngày 4/5 là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Moon Jae In - người sẽ trao quyền cho Tổng thống đắc cử Yoon Suk Yeol vào tuần tới - ủng hộ miễn trừ nhập ngũ cho các ngôi sao hàng đầu Kpop. Tuy nhiên, vẫn chưa thể chắc chắn liệu chính quyền mới có cùng quan điểm hay không.
Hiện tại, miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho BTS tiếp tục trở thành một trong những chủ đề được tranh luận nhiều nhất tại Hàn Quốc. Điều này một phần xuất phát từ việc không còn nhiều thời gian để sửa đổi luật nhập ngũ khi thành viên lớn tuổi nhất BTS, Jin, dự kiến nhập ngũ vào cuối năm nay.
Nếu không có thay đổi, Jin trở thành thành viên đầu tiên của BTS nhập ngũ. Ảnh: Naver. |
Trong khi nhiều người, đặc biệt là người hâm mộ BTS, rất ủng hộ dự luật miễn nghĩa vụ quân sự, một bộ phận người dân Hàn Quốc phản đối kịch liệt. Họ cho rằng dự luật này có thể trở thành "chế độ ưu đãi, thiên vị" dành cho người giàu có, quyền lực và có nhiều mối quan hệ.
Lời kêu gọi thông qua dự luật
Hiện tại, chính sách cho phép miễn trừ nhập ngũ đối với vận động viên và nhạc sĩ ưu tú từng giành giải thưởng quốc tế - nhưng không bao gồm thần tượng Kpop nổi tiếng - đang là vấn đề gây tranh cãi. Điều luật này cho phép cá nhân đáp ứng đủ điều kiện được tham gia hoạt động công ích thay thế ở lĩnh vực tương ứng của họ, thay vì phục vụ tại ngũ trong quân đội.
Theo Hwang, thần tượng Kpop cũng nên trở thành đối tượng được hưởng chính sách này. Bộ trưởng cho biết các ngôi sao Kpop hàng đầu, điển hình BTS, góp phần nâng cao uy tín, danh tiếng của quốc gia bằng kỹ năng xuất sắc của họ và "không có lý do gì mà lĩnh vực văn hóa đại chúng lại bị loại trừ".
"Nếu tôi đẩy việc này cho chính phủ tiếp theo, đó sẽ là hành động hèn nhát. Tôi không muốn né tránh vấn đề này vì sợ bị chỉ trích. Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng dự luật này sẽ thúc đẩy lợi ích quốc gia rất nhiều", Hwang chia sẻ với giới truyền thông Hàn Quốc.
Ngoài ra, Hwang cũng thúc giục Quốc hội thông qua dự luật càng sớm càng tốt. Ông trực tiếp đề cập đến BTS: "Tôi nghĩ ai đó nên trở thành người có tiếng nói trách nhiệm tại thời điểm đang có những ưu, khuyết điểm trái ngược nhau về việc nhập ngũ của một số thành viên BTS".
Trong số những người từng được miễn nhập ngũ có Cho Seong Jin, nghệ sĩ piano Hàn Quốc đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin và tiền đạo Son Heung Min của đội Tottenham Hotspur, người dẫn dắt Hàn Quốc giành huy chương vàng môn bóng đá nam tại Đại hội Thể thao châu Á 2018.
Việc thần tượng Kpop nổi tiếng như BTS có nên được miễn trừ quân sự từ lâu đã trở thành chủ đề nóng. Cuộc tranh luận càng trở nên sôi nổi vào năm 2020 sau khi BTS giành vị trí số một trên bảng xếp hạng âm nhạc Billboard với ca khúc Dynamite.
Vào thời điểm đó, cựu Tổng thống Moon gửi lời cảm ơn nhóm nhạc nam vì đã giúp thúc đẩy sự phát triển của Kpop. Quốc hội cũng thông qua điều luật mới cho phép ngôi sao được Bộ Văn hóa chấp thuận hoãn nghĩa vụ quân sự đến năm 30 tuổi.
Theo nghiên cứu công bố vào tháng 4 của Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, BTS có thể đóng góp cho nền kinh tế đất nước 1,22 nghìn tỷ won (khoảng 984 triệu USD) nếu họ tổ chức ba đêm nhạc liên tiếp tại địa điểm chứa ít nhất 65.000 khán giả, điển hình sân vận động Olympic.
Một concert của BTS có thể đóng góp 984 triệu USD cho nền kinh tế Hàn Quốc. Ảnh: Naver. |
Ý kiến trái chiều
Những tiếng nói phản đối đề xuất miễn nhập ngũ cho BTS chủ yếu đến từ nam thanh niên đã hoàn thành, hoặc sắp bắt đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Bộ Quốc phòng cũng kêu gọi "sự thận trọng" khi xem xét vấn đề này. Vào tháng 11/2021, Thứ trưởng Quốc phòng Park Jae Min nói với Quốc hội rằng rất khó để thiết lập tiêu chuẩn rõ ràng cho ca sĩ Kpop, bởi vì thành công của họ khó có thể đo lường rõ ràng như huy chương Olympic cho vận động viên, hay giải thưởng quốc tế danh giá của nhạc sĩ cổ điển.
"Chúng tôi có thể công nhận người đạt hạng nhất trên bảng xếp hạng Billboard, nhưng để đưa ra thêm tiêu chí cho bảng xếp hạng âm nhạc ở Anh, bảng xếp hạng Oricon của Nhật Bản, hay hạng hai trên bảng xếp hạng Billboard sẽ rất khó khăn", Seoul Shinmun trích dẫn phát biểu của thành viên Quốc hội.
Cũng có dấu hiệu cho thấy chính quyền mới không ủng hộ việc miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho BTS.
Ngày 4/5, ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong Seop của Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết họ có cân nhắc đến chuyện tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc đang gây tác động tới quân đội, làm giảm số lượng lính nghĩa vụ tiềm năng.
Ngoài ra, theo Lee, vấn đề công bằng cũng "cần được xem xét". Theo cuộc khảo sát của Korea Gallup vào tháng 4, 59% người được hỏi ủng hộ miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho BTS, trong khi 33% phản đối. Tuy nhiên, nhiều người dân Hàn Quốc bày tỏ sự tức giận trước động thái này.
Một số khán giả khẳng định dự luật miễn nhập ngũ có thể bị lợi dụng để "thiên vị người giàu". Ảnh: Naver. |
"Người giàu và người kiếm được nhiều tiền thì không thực hiện nghĩa vụ quân sự, và chỉ có người nghèo, người bị áp bức mới nên bảo vệ đất nước. Không đời nào! Hãy đi nhập ngũ ngay!", SCMP trích dẫn bình luận thu hút hơn 1.600 lượt thích, 80 lượt không thích trên cổng thông tin Naver.
HYBE, công ty quản lý của BTS, bày tỏ hy vọng Quốc hội sớm giải quyết vấn đề. "Tính không chắc chắn về dự luật miễn nghĩa vụ quân sự đã gây áp lực lên các nghệ sĩ", Lee Jin Hyung - Giám đốc truyền thông của HYBE - bày tỏ vào tháng 4.