Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Dự luật chi tiêu mới của Mỹ sẽ đổ 200 tỷ USD vào túi người giàu

Ẩn trong dự luật chi tiêu dài 5.593 trang mà Quốc hội Mỹ gấp rút thông qua là điều khoản mà nhiều chuyên gia thuế đánh giá là món quà tặng trị giá 200 tỷ USD cho giới người giàu.

Du luat chi tieu moi cua My se do 200 ty USD vao tui nguoi giau anh 1

Theo New York Times, khoản hỗ trợ liên quan đến hàng chục nghìn doanh nghiệp đã nhận hỗ trợ từ chính phủ liên bang hồi mùa xuân năm nay. Trước đó, các doanh nghiệp nhận được các khoản vay kèm cam kết xóa nợ và miễn thuế nếu công ty đồng ý giữ người lao động làm việc qua đại dịch.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ đối với một số doanh nghiệp. Họ yêu cầu Quốc hội không chỉ xóa bỏ các khoản cho vay khỏi danh mục liệt kê về thu nhập, mà các khoản chi tiêu bằng các khoản vay đó cũng phải được khấu trừ thuế.

Điều khoản mới giúp các doanh nghiệp hưởng lợi kép từ Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP). Các doanh nghiệp vừa nhận được hỗ trợ miễn phí từ chính phủ, sau đó lại được khấu trừ khoản trợ cấp khổng lồ đó khỏi thuế phải đóng của họ.

200 tỷ USD chảy vào túi người giàu

“Các chủ doanh nghiệp với thu nhập cao được hưởng lợi ích từ thuế và các khoản trợ cấp của chính phủ chưa từng có trước đây. Số lượng người giàu hưởng lợi này cực lớn", ông Adam Looney, cựu quan chức thuế của Bộ Tài chính dưới thời cựu Tổng thống Obama nói. Ông Looney ước tính khoảng 120 trong số 200 tỷ USD trợ cấp mới sẽ chảy vào túi nhóm 1% những người giàu có nhất nước Mỹ.

Đó chỉ là một trong hàng trăm điều khoản nằm trong gói chi tiêu khổng lồ được cho là sẽ giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình đang gặp khó khăn vì đại dịch. Tuy nhiên, theo các nhà phê bình, gói hỗ trợ mới đã có những thay đổi lớn.

Du luat chi tieu moi cua My se do 200 ty USD vao tui nguoi giau anh 2

Các chuyên gia về thuế nhận xét dự luật chi tiêu mới hỗ trợ nhiều cho giới người giàu so với tầng lớp lao động phổ thông và các doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: WSJ.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu sửa đổi quy định của gói cứu trợ mới. “Quốc hội dành nhiều tiền cho các quốc gia, cho những nhà vận động hành lang và các lợi ích đặc biệt khác, trong khi chỉ gửi mức hỗ trợ tối thiểu cho người Mỹ thật sự cần nó", ông nói trong một video đăng trên Twitter.

Quy định mới bao gồm những thay đổi chính sách quan trọng, không chỉ riêng 900 tỷ USD cứu trợ Covid-19 hay các hình thức hỗ trợ tài chính liên bang. Nó đặt ra các biện pháp giải quyết biến đổi khí hậu và điều khoản ngăn chặn những "hóa đơn bất ngờ" từ bệnh viện khi bệnh nhân vô tình được bác sĩ chăm sóc ngoài bảo hiểm.

Tuy nhiên, dự luật mới cũng bao gồm nhiều điều khoản còn mập mờ và được nhận xét là chưa được xem xét kỹ càng. Các điều khoản trong dự luật cũng được thông qua trong âm thầm mà công chúng không hay biết. Sự tức giận bao trùm lưỡng đảng.

Thông qua âm thầm

“Các thành viên của Quốc hội không kịp đọc dự luật này. Nó dài hơn 5.000 trang, được gửi đến vào lúc 2h chiều và Quốc hội cần bỏ phiếu sau đó một thời gian rất ngắn", đại diện Alexandria Ocasio-Cortez, đảng viên Dân chủ của New York, nói. “Đây không phải là quản lý chính phủ. Đây là bắt ép", ông bức xúc.

“Một dự luật chi tiêu 2.500 tỷ USD được thương lượng bí mật và được yêu cầu bỏ phiếu chỉ vài giờ sau đó, thậm chí không ai có thời gian đọc”, Thượng nghị sĩ Ted Cruz thuộc Đảng Cộng hòa bày tỏ.

Đại diện Ro Khanna thuộc bang California đã bỏ phiếu phản đối chi tiêu quân sự nhưng tán thành các khía cạnh khác của dự luật chi tiêu mới. Ông và các đồng nghiệp đã vận động để thông qua chính sách thanh toán trực tiếp cho hầu hết người Mỹ. Ông cũng chia sẻ mối quan ngại về việc thiếu thời gian xem xét phần còn lại của đạo luật mới.

Du luat chi tieu moi cua My se do 200 ty USD vao tui nguoi giau anh 3

Thành viên lưỡng đảng bức xúc khi ban lãnh đạo cố ý đợi đến phút cuối cùng mới công bố các đề xuất cho dự luật chi tiêu mới. Ảnh: NYT.

"Chúng tôi cần một hệ thống hoàn chỉnh hơn để các thành viên có thể xem qua văn bản khi nó đang được soạn thảo, đồng thời được quyền bổ sung ý kiến”, ông Khanna nói.

Thượng nghị sĩ Joe Manchin III, đảng viên Dân chủ của Tây Virginia là một trong nhóm nghị sĩ ủng hộ gói kích thích 900 tỷ USD. Ông cho biết ban lãnh đạo cố ý đợi đến phút cuối cùng mới công bố các đề xuất. "Họ tung bản dự thảo luật vào những phút cuối, và chúng tôi không thể bổ sung hay đóng góp gì cả. Tôi phát ốm và vô cùng mệt mỏi với cách vận hành này", vị Thượng nghị sĩ nói.

"Năm bất bình đẳng nhất trong lịch sử hiện đại"

Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) đến nay là nỗ lực dễ nhận thấy nhất của chính phủ Liên bang nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ trụ vững trước đại dịch. Đến nay, chính phủ đã phân phát hơn 500 tỷ USD khoản vay dài hạn và không cần trả lại nếu doanh nghiệp cam kết không đuổi việc nhân viên.

Trong quá trình thông qua đạo luật, Quốc hội đã công bố rõ ràng các khoản vay của Chương trình Bảo vệ Tiền lương không được tính vào thu nhập chịu thuế. Khoản tiền này không giống như trợ cấp thất nghiệp.

Mặc khoản hậu đãi lớn, các doanh nghiệp vẫn muốn nhiều hơn thế. Vào tháng 5, các quan chức tại Ủy ban thuế đã viết thư kêu gọi ông Steve Mnuchin - Bộ trưởng Thương mại Mỹ. Trong thư, nhóm quan chức nhấn mạnh: “Doanh nghiệp nhỏ cần giúp đỡ để duy trì dòng tiền, chứ không phải làm căng thẳng thêm gánh nặng".

Một phân tích của Viện Brookings cho thấy sự thay đổi sẽ có tác động tích cực đối với giới nhà giàu hơn so với các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Richard L. Reinhold, cựu chủ tịch cục thuế tại Willkie Farr & Gallagher và là giáo sư tại Cornell Law, cho biết: “Không có dòng tiền vào và cũng không có tiền ra. Quốc hội chỉ cần mở rộng chương trình một cách đơn giản, nhưng thay vào đó họ lại tiến hành việc này gần như lén lút bằng việc khấu trừ thuế. Đó mới là phần rắc rối”, ông nói.

Du luat chi tieu moi cua My se do 200 ty USD vao tui nguoi giau anh 4

Doanh nghiệp nhỏ gồng mình trụ lại trước cuộc khủng hoảng Covid-19. Ảnh: NYT.

Mặc dù đã có nhiều cuộc thảo luận về việc giới hạn khoản khấu trừ cho đối tượng nhận PPP dưới ngưỡng thu nhập nhất định, điều khoản cuối cùng của đạo luật quy định gói cứu trợ được cung cấp cho bất kỳ ai, bất kể thu nhập nào.

Trong tháng này, Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ công bố dữ liệu cho thấy chỉ 1% trong số 5,2 triệu người vay của chương trình PPP nhận được hơn 25% trong số 523 tỷ USD được giải ngân.

Tuy nhiên, 1% đó lại nằm ở các công ty luật lớn như Boies Schiller Flexner và nhà điều hành đường đua ngựa lớn nhất New York. Những đơn vị này nhận được khoản cho vay tối đa 10 triệu USD.

“Năm 2020 sẽ là một trong những năm bất bình đẳng nhất trong lịch sử hiện đại", ông Looney nói. “Một phần của bất công đến từ sự ảnh hưởng của Covid-19 khi nó tác động mạnh nhất đến ngành dịch vụ. Người lao động phổ thông buộc phải ngừng làm việc, còn những người giàu, có học thức vẫn có thể tiếp tục làm việc qua Zoom", ông cho biết.

"Tuy nhiên, chính phủ cũng cho thấy thái độ dung nạp những bất bình đẳng này trong động thái phản ứng của họ", ông nói.

Bùi Ngọc

Bạn có thể quan tâm