Sáng 9/8 (giờ Mỹ) Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký đạo luật lưỡng đảng, nhằm tăng cường sức cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trên thị trường sản xuất chip. Việc này đồng nghĩa với hàng tỷ USD sẽ được đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ nước này.
“Hôm nay là ngày dành cho những nhà chế tạo. Hôm nay nước Mỹ đang chuyển mình”, ông Biden nói tại buổi lễ bên ngoài Nhà Trắng. Lễ ký kết có sự tham dự của giám đốc điều hành nhiều doanh nghiệp điện tử lớn ở nước này.
Ông Biden tại buổi ký Đạo luật Khoa học và Chip, đầu tư hàng chục tỷ USD vào ngành bán dẫn. Ảnh: AFP. |
Dự luật có tên gọi Đạo luật Khoa học và Chip, bao gồm 52 tỷ USD tài trợ cho các công ty Mỹ chế tạo vi xử lý. Đồng thời, đây cũng là hàng tỷ USD dành cho những khoản vay khuyến khích đầu tư vào ngành sản xuất bán dẫn. Gói tài trợ cung cấp thêm hàng chục tỷ USD khác cho nghiên cứu và phát triển khoa học, thúc đẩy đổi mới, phát triển nước Mỹ.
Ngoài ra, chính quyền của ông Biden cho biết văn bản vừa được thông qua sẽ “mở khóa thêm hàng trăm tỷ USD” chi tiêu tư nhân trong ngành. Đồng thời, nhiều công ty thuộc nhóm được hỗ trợ bởi đạo luật đã công bố khoản đầu tư trị giá 44 tỷ USD vào ngành bán dẫn.
Trong đó, 40 tỷ USD được Micron đầu tư vào sản xuất chip nhớ. Nhà Trắng cho biết sáng kiến của công ty nêu trên đem lại 8.000 việc làm mới và thúc đẩy thị phần chip nhớ của Mỹ tăng từ 2% lên 10%. 4,2 tỷ USD khác được Qualcomm và Globalfoundries dùng để mở rộng nhà máy ở ngoại ô New York.
Theo CNBC, những người ủng hộ cho rằng đạo luật là cần thiết để nâng cao lợi thế cạnh tranh công nghệ của Mỹ và phục hồi ngành công nghiệp chip đang dần tụt hậu của nước này. Mỹ hiện tạo ra khoảng 10% nguồn cung bán dẫn toàn cầu. Trong khi đó, các nước Đông Á chiếm đến 75%.
Chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sản phẩm điện tử tiêu dùng, ôtô, thiết bị chăm sóc sức khỏe và vũ khí. Các quan chức cho biết việc không đủ chất bán dẫn do Covid-19 tạo ra tình trạng thiếu chip và đứt chuỗi cung ứng. Điều này thể hiện rõ sự phụ thuộc của Mỹ vào vi xử lý từ các nước khác, bộc lộ mối đe dọa an ninh tiềm tàng.
“Trong 40 năm qua, nền công nghiệp sản xuất bán dẫn của Mỹ dần suy yếu khi các công ty đi theo mức nhân công rẻ ở bên kia bán cầu. Điều này tạo ra lỗ hổng về kinh tế và an ninh quốc gia”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói.
Tuy vậy, 52 tỷ USD tài trợ cho ngành bán dẫn không phải con số lớn. Trung Quốc đã dành 150 tỷ USD cho sản xuất chip, xác định bán dẫn là ngành công nghiệp chủ chốt của quốc gia này trong kế hoạch kinh tế 5 năm. TSMC cho biết công ty dự định chi 100 tỷ USD trong 3 năm để nâng cao năng lực sản xuất. Liên minh châu Âu cũng đang nghiên cứu luật sản xuất chip trong khu vực.
Ông Guarav Gupta, nhà phân tích ngành công nghiệp bán dẫn của Gather cho rằng con số tài trợ không phải khổng lồ, nhưng đó là tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng đầu tư cho ngành sản xuất vi xử lý.